Tản Mạn Ngày Lễ Đức Mẹ Maria Dâng Mình-Ngày Thánh Phao Lô Thánh Giá Nhận Tu Phục

Thứ Th 3,
21/11/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

TẢN MẠN NGÀY LỄ ĐỨC MẸ MARIA DÂNG MÌNH
NGÀY THÁNH PHAO LÔ THÁNH GIÁ NHẬN TU PHỤC
22-11-1720


Nguồn gốc thánh lễ hôm nay là ngày thánh hiến một giáo đường tôn kính Đức Trinh Nữ Maria tại Giêrusalem. Thánh lễ này đã có từ thế kỷ thứ VI trong Giáo hội Đông Phương và được mừng kính như một lễ về Đức Mẹ. Truyền thuyết này dựa theo quyển ngụy thư “Phúc Âm thánh Giacôbê”. Giáo Hội Rôma phủ nhận thánh lễ này lúc ban đầu, vì nội dung không đúng tập tục của Thánh Kinh, nhưng từ thế kỷ XIV lại đón nhận và phổ biến rộng rãi. Trong tông huấn Marialis Cultus, Đức Giáo hoàng Phaolô VI ghi nhận rằng lễ kính Đức Mẹ Dâng Mình trong đền thánh chứa đựng gương mẫu rất cao đẹp.

Theo truyền thuyết, thánh Joakim và Anna, cùng với một vài thân nhân tháp tùng, đã đưa ái nữ Maria, lúc lên 3 tuổi, tới đền thờ Giêrusalem dâng hiến lên Thiên Chúa như đã khấn nguyện. Các ngài dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện nồng nàn, và thánh nhi, với lòng khiêm tốn thẳm sâu, bái lạy, tôn thờ, và dâng hiến chính mình lên Thiên Chúa. Do tác động của Chúa Thánh Thần trên song thân và trên Đức Maria, Mẹ mau mắn hiến dâng đời mình và nung nấu một khát vọng mến yêu Thiên Chúa thiết tha từ ngày tự biến mình làm lễ vật trịnh trọng và hiệu nghiệm cho Thiên Chúa. 

Như nhiều người mộ mến khác, Mẹ ước ao được sống vào thời kỳ Chúa Cứu Thế sinh xuống trần gian, để ước ao được làm nữ tì cho người được diễm phúc làm mẹ Chúa.Vì lòng khiêm hạ mà Mẹ đã được ưu tuyển làm Mẹ sinh Con Thiên Chúa. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của Mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của Mẹ là đền thờ cho Đức Giêsu Kitô ngự trị. Nơi đền thánh Giêrusalem, Mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, Mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến Mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường, dọn chức vụ Mẹ Thiên Chúa của Đức trinh nữ Maria. Mẹ âm thầm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa. Đó là chương trình sống của Mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện Mẹ và nhờ được thanh luyện Mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến cư ngụ.

Noi theo gương Mẹ Maria, có một con người  khiêm cung, hiền lành đã quyết chí hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa, để được bước theo Chúa Giêsu cách triệt để trên con đường khổ nạn, và ngài được gọi với cái tên trìu mến thánh Phaolô Thánh Giá. Ngài sinh ngày 03 tháng 01 năm 1694 tại Ovada, nước Ý. Từ nhỏ, ngài được tiếp nhận một nền giáo dục đạo đức từ gia đình. Mẹ ngài thường xuyên dạy dỗ con cái bằng Lời Chúa, kể chuyện hạnh các thánh và đặc biệt mẹ ngài thường chia sẻ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu cho ngài nghe. Chính vì thế, khi còn là một cậu bé, ngài đã có một lòng yêu mến Thánh Giá và khao khát cùng chia sẻ nỗi đau trên Thánh Giá với Chúa Giêsu. Thời gian trôi qua, cha thánh Phaolô Thánh Giá ngày càng yêu mến cuộc sống khó nghèo và cầu nguyện. Ngài từng chia sẻ với cha linh hướng rằng ngài muốn trở thành một vị ẩn tu để có thể kết hợp mật thiết và cảm nghiệm sâu sắc hơn về tình yêu của Chúa Giêsu.

Năm 1720, Thiên Chúa đã gọi cha thánh Phaolô Thánh Giá qua việc cho ngài thấy một thị kiến. Trong thị kiến, cha thánh Phaolô Thánh Giá thấy mình mặc một tu phục màu đen, trên ngực có Thánh Giá màu trắng và bên dưới có tên Cực Thánh của Chúa Giêsu. Sau đó, ngài dành nhiều thời gian cầu nguyện để hiểu rõ điều Thiên Chúa muốn nơi ngài, đồng thời ngài đã trình bày với cha linh hướng và Giám mục địa phương về những kinh nghiệm thiêng liêng của mình với khao khát thành lập một dòng tu mới.

Sau một thời gian dài phân định và tìm hiểu, cuối cùng Giám mục Gattinara đã đồng ý cho cha thánh Phaolô mặc tu phục như ngài đã thấy trong thị kiến và bước vào đời tu. Ngày 22 tháng 11 năm 1720, cha thánh Phaolô Thánh Giá nhận tu phục từ Giám mục Gattinara và bước vào tĩnh tâm bốn mươi ngày. 

Biến cố nhận lãnh tu phục đã tạo nên bước ngoặt trọng đại cho cuộc đời thánh Phaolô Thánh giá. Mặc dù “áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng tấm áo dòng đã thắp lên ngọn lửa nồng cháy để dấn thân cho Chúa. Kể từ giây phút ấy, ngài được chìm đắm trong thần khí Chúa, ngài sống chết cho lý tưởng mà ngài đã ao ước, khát khao để dấn thân cho sự Thương Khó của Chúa Giêsu. Đây là ngày khởi đầu trong chuỗi ngày ngài bắt đầu sứ vụ, với đầy khó khăn, thậm chí là đen tối. Thế nhưng, trong bốn mươi ngày tiếp theo đó, ngài dành hết thời gian để cầu nguyện, để chiêm ngắm sự Thương Khó của Chúa Giêsu và đồng thời dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, ngài đã soạn thảo luật dòng và viết nhật kí thiêng liêng.

Thật vậy, mỗi tu sĩ khi ta nhìn lại ngày mình lãnh tu phục, ta không khỏi bồi hồi, lâng lâng khi trên đôi tay ta cầm là tấm áo màu đen huyền bí. Nếu như màu trắng là màu của sự thanh khiết, trinh nguyên, thì màu đen là màu của đau buồn và tang tóc. Không phải vì thế mà nó mang một nét u sầu, ảm đạm, nhưng áo dòng lại mang một ý nghĩa thiêng liêng, huyền nhiệm. Đó là màu đen của sự chết đi cho cái tôi, chết đi cho những gì thuộc về thế gian mà dâng mình cho Chúa, hi sinh và hiến mình cho người, cho đời. Áo dòng cũng là biểu trưng cho tình yêu giữa nó với Đấng mà nó dâng hiến trọn đời, là minh chứng cho sự dấn thân từ bỏ và một tâm hồn khiêm nhường siêu thoát... Kể từ giờ phút đó, ta bắt đầu một hành trình mới, hành trình bước theo Chúa trên con đường thập giá, hành trình đào tạo để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Và thánh Phaolô Thánh Giá cũng vậy, ngày nhận lãnh tu phục, ngài cũng cảm thấy hạnh phuc tuyệt vời., với ánh mắt nhạt nhòa bởi giọt lệ trong giây phút linh thiêng. Giọt nước mắt không đượm sự u buồn, nhưng là niềm hạnh phúc dâng trào của một tâm hồn an nhiên. Hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn; hạnh phúc vì được dấn bước theo Ngài; hạnh phúc vì từ nay được khoác lên mình chiếc áo dòng của Tình Yêu, của Thương Khó. Đó là dấu chỉ nhắc nhở nó luôn ý thức về đời sống của mình, mỗi ngày biết từ bỏ ý riêng... Từ một thanh niên với bao ước mơ hoài bão, bao khát khao chinh phục cuộc sống, bao dự định riêng tư; từ một con người đầy niềm đam mê và kiêu hãnh, lời mời gọi của Chúa đã biến đổi con người của thánh nhân. Để từ nay ngài trở nên khí cụ rao giảng và chiêm niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô.

Mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình hôm nay cũng là ngày Hội Dòng Thương Khó kỷ niệm ngày Cha thánh Phaolô khoác lên mình tấm áo dòng, đây là một ngày trọng đại - một ngày khai sinh ra Hội Dòng. Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, cha thánh Phaolô Thánh giá, ban cho mỗi Kitô hữu dám hiến thân phục vụ Chúa, phục vụ giáo hội và tha nhân. Cách đặc biệt là những ai dấn thân trong đời sống dâng hiến, dù thời gian có làm lấm bụi cuộc đời, tấm áo có ngả màu, nhưng xin cho chúng ta luôn đắm say nhớ về ngày đầu nhận tấm áo, để luôn son sắt không đổi thay. Với bộ tu phục, nguyện ước tình yêu của Chúa được thể hiện nơi chúng ta, để biết dấn thân hơn mỗi ngày, mang yêu thương của Chúa đến cho mọi người, sẽ luôn là dấu chỉ tình yêu và niềm vui của Chúa giữa đời, để “ở đâu có người sống đời dâng hiến, ở đó có niềm vui được tỏa lan”. Nhờ đó, tình yêu của Thiên Chúa được chan hòa khắp nơi nơi.

Phêrô Nguyễn Quốc Thắng, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: