Thư Luân Lưu Gửi Gia Đình Thương Khó Nhân Dịp Mừng Lễ Thánh Phaolô Thánh Giá

Thứ Th 7,
21/10/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

DÒNG THƯƠNG KHÓ CHÚA GIÊSU

THƯ LUÂN LƯU GỬI 
GIA ĐÌNH THƯƠNG KHÓ NHÂN DỊP MỪNG LỄ THÁNH PHAOLÔ THÁNH GIÁ
CÙNG NHAU TIẾN BƯỚC – CÙNG NHAU CHIA SẺ QUÀ TẶNG
ĐỂ LÀM SỐNG ĐỘNG MẦU NHIỆM THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ


Kính gửi anh chị em tu sĩ và bạn hữu thuộc Gia đình Thương Khó, 

Tôi gửi đến anh chị em lời chào thăm, lời chúc tốt đẹp và lời cầu nguyện trong ngày chúng ta kỷ niệm và cử hành lễ kính Đấng Sáng Lập của chúng ta: Thánh Phaolô Thánh Giá. Xin chúc mừng tới tất cả mọi người! Cùng với anh chị em, tôi khẩn xin Ngài chúc lành và cầu bầu cho Gia đình Thương Khó để chúng ta được thúc bách trong ơn gọi của mình là đi theo (HIỆN DIỆN VỚI) Chúa Giêsu – Đấng Chịu Đóng Đinh và Sống Lại, cũng như trong sứ mạng TRỞ THÀNH khí cụ của lòng thương xót và trắc ẩn của Thiên Chúa đối với những ai ‘bị đóng đinh’ trong thế giới hôm nay (HIỆN DIỆN CHO), tùy theo ân ban và ơn gọi (bậc sống) của mỗi thành viên trong gia đình này.

Như anh chị em đã biết, trong khi các thành viên của Gia đình Dòng Thương Khó cử hành lễ kính Thánh Phaolô Thánh Giá, phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành hiện đang diễn ra tại Roma. Sự kiện lịch sử này trong đời sống Giáo Hội rất có ý nghĩa đối với Gia đình Thương Khó của chúng ta, vì chúng ta cũng là thành viên của Dân Thiên Chúa, và như Đức Thánh Cha Phanxicô, người đi tiên phong trong cuộc cải cách này đã nói, “tính hiệp hành là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba vì nó là một yếu tố cấu thành của Giáo Hội”. Đây là tính thẩm quyền chứ không phải là tùy chọn. Là những tu sĩ Thương Khó, chúng ta buộc phải tuân theo lời khấn vâng phục các hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng, Bề trên cao nhất của Hội Dòng chúng ta (Hiến pháp Dòng Thương Khó, số 24). Tính hiệp hành đặt câu hỏi và thách thức về ‘kiểu mẫu’ Giáo Hội như chúng ta vốn đã quen xưa nay và mời gọi chúng ta cùng nhau phân định đâu là điều Thiên Chúa mong đợi hiện giờ, nhưng sự phân định ấy luôn luôn là lời đáp trả cho việc lắng nghe qua đời sống chiêm niệm và hoán cải tâm trí. Tôi khích lệ và cổ võ sự tham gia và “cùng nhau tiến bước” của Gia đình Thương Khó trong tiến trình hiệp hành đang phát triển này, đặc biệt thông qua việc cầu nguyện và lắng nghe Chúa Thánh Thần, như Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta:

Cùng nhau tiến bước. Cùng nhau truy vấn. Cùng nhau gánh lấy trách nhiệm về việc phân định chung, đối với chúng ta đó là cầu nguyện, như các Tông đồ tiên khởi đã làm. Đây là tính hiệp hành, mà chúng tôi muốn biến thành thói quen hàng ngày trong mọi cách biểu lộ của nó. 

Tuy nhiên, chúng ta không được quên lãng và cần phải luôn khắc ghi trong tâm trí rằng Hội Dòng cùng với sứ vụ của chúng ta không tách rời cũng không được miễn trừ khỏi đời sống và sứ vụ của Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta không phải là một “giáo hội thay thế”. Ngược lại, Hội Dòng của chúng ta tồn tại nhờ sự phê chuẩn hợp pháp của Giáo Hội để đóng góp vào sứ vụ Phúc Âm hóa qua lăng kính đặc sủng độc nhất của chúng ta: memoria Passionis, như đã nêu trong số 2 Hiến pháp của chúng ta:

Nhìn nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi thánh Phaolô Thánh Giá, Hội Thánh với quyền tối thượng đã phê chuẩn cho Hội Dòng và hiến pháp của chúng ta, đồng thời đã ủy thác cho chúng ta sứ vụ: rao giảng Tin Mừng về sự Thương Khó bằng đời sống và công việc tông đồ của chúng ta.

Trong Hiến pháp số 6, chúng ta được nhắc nhớ rằng nhờ việc thánh hiến cho cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu qua một lời khấn đặc biệt “Hội Dòng chúng ta giữ một vị trí trong Giáo Hội để hiến mình trọn vẹn cho sứ vụ truyền giáo”.

Và cuối cùng, trong Hiến pháp số 62:
Đối với Hội Dòng chúng ta, Hội Thánh đã uỷ thác cho một sứ vụ tông đồ đặc biệt. Hội Thánh thúc đẩy chúng ta phải làm sao để các tín hữu thường xuyên giữ được trong lòng ký ức về cuộc Thương Khó, nơi tình yêu của Đấng Cứu Độ được diễn tả cách rất rõ ràng; và Hội Thánh cũng mong chúng ta làm cho tình yêu cứu chuộc ấy ngày càng sinh hoa kết trái nhờ công việc tông đồ của chúng ta.

Với bối cảnh đó, trong lá thư luân lưu này, tôi mong muốn chia sẻ với anh chị em một số suy nghĩ để phản tỉnh về mối tương quan và sự cộng tác ngày càng gia tăng giữa các tu sĩ thánh hiến (các thành viên có lời khấn dòng) và các thành viên giáo dân của Gia đình Thương Khó, cũng như sự tương trợ lẫn nhau trong các hoạt động tông đồ của Hội Dòng ở nhiều nơi trên thế giới mà tôi đã cảm thấy hứng khởi khi chứng kiến hay nghe kể. Mối tương quan và sự cộng tác chung giữa tu sĩ và giáo dân là một sự nhận thức mới nổi lên và là một thực trạng đang diễn ra trong tất cả các dòng tu trên hai cấp độ:

1) ở mức độ bị thu hút hay lôi cuốn bởi đặc sủng của hội dòng – đặc sủng đó là một món quà thiêng liêng được ban cho Giáo hội;
2) ở mức độ tham gia vào sứ vụ và hoạt động tông đồ của hội dòng - vốn là một phần căn tính và trách nhiệm của tất cả những người đã được rửa tội trong việc tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

Trong thông điệp gửi Tổng Hội lần thứ 44 của Hội Dòng năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết:
Trong Tổng Hội này, anh em đã dành thời gian đặc biệt để suy ngẫm về việc chia sẻ đặc sủng Thương Khó của mình với giáo dân. Đây là “một trong những hoa trái của giáo huấn về Giáo hội như là sự hiệp thông”. Giáo huấn ấy đã phát triển trong thời gian gần đây và là “một chương mới, đầy hy vọng, trong lịch sử các mối tương quan giữa những người thánh hiến và giáo dân” (Tông huấn Đời sống thánh hiến - Vita consecrata, số 54). Mối tương quan này biểu lộ dấu chỉ của một sức sống ngày càng tăng của Giáo Hội, điều mà chúng ta cần đón nhận và phát triển. Tôi tha thiết hy vọng rằng những người mà Chúa Thánh Thần kêu gọi để kín múc từ nguồn suối đặc sủng của anh em có thể nhận ra anh em không những là huynh đệ của họ mà đặc biệt hơn còn là những người hướng dẫn của họ. Anh em không những có thể chia sẻ đặc sủng của anh em với họ, mà trên hết, đào luyện họ một cách đích thực linh đạo Thương Khó.

Tỉnh Dòng Thánh Giá (CRUC) ở miền Tây Hoa Kỳ đã bày tỏ điều đó theo cách này:
Lâu nay, tu sĩ Thương Khó chúng ta đã nhận ra rằng đặc sủng, linh đạo của Thánh Phaolô Thánh Giá, vốn là linh đạo Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, không phải là thứ mà chúng ta “sở hữu” hay kiểm soát. Đó là một món quà từ Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người thuộc Dân Thiên Chúa, dù họ là giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ. Điều này đã được tuyên bố rõ ràng trong Tổng Hội Dòng Thương Khó năm 1994: “Đặc sủng của chúng ta là một hồng ân lớn lao. Ơn gọi của chúng ta là làm sống động Mầu nhiệm Thương Khó của Chúa Giêsu. Ơn gọi ấy không chỉ thuộc về Hội Dòng hay cộng đoàn của chúng ta mà nó còn mở ra cho tất cả những ai được tác động bởi Chúa Thánh Thần. Chúng ta đón nhận lời mời gọi sống hiệp thông với rất nhiều anh chị em làm chứng cho sự liên đới và sức sống của Cuộc Thương Khó ấy.”

Sự cộng tác giữa giáo dân và tu sĩ thánh hiến trong gia đình đặc sủng của chúng ta sẽ được khuyến khích bởi sự cổ võ, được tiếp tục phát triển bởi tinh thần đón nhận và tận tâm nuôi dưỡng của chúng ta. Tuy nhiên, nó phải đặt nền tảng trên tính hiệp hành (cùng nhau đồng hành) và khởi nguồn từ giáo hội học trong Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II, vốn dạy rằng tất cả những người đã được rửa tội là Dân Thiên Chúa, là một phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô và thuộc về Cộng đoàn Môn đệ. Rafael Luciani nhà thần học giáo dân người Venezuela suy tư rằng:

Tính hiệp hành là một chiều kích cấu thành nhằm lượng định giáo hội tính và xác định một cách tiến hành mới để cung cấp một mô hình cho Giáo Hội với tư cách là Dân Thiên Chúa, một cái “tôi cộng đoàn” trong đó tất cả các chủ thể từ Giáo hoàng đến Giáo dân đều bình đẳng và được nối kết trong sự hiệp thông của các tín hữu với cùng một trách nhiệm liên quan đến căn tính, ơn gọi và sứ mạng của Giáo Hội.

Như vậy, tất cả những người đã được rửa tội đều được chia sẻ các hồng ân thiêng liêng và đồng trách nhiệm trong sứ mạng Phúc Âm hóa của Giáo Hội. Họ không chỉ đơn giản là những người theo Chúa Kitô hay là những môn đệ, mà họ còn là những ‘tông đồ’ – được Đức Kitô ‘sai đi’ như những môn đệ truyền giáo. Cần có các tu sĩ thánh hiến (và các giáo sĩ) khi giải quyết câu hỏi về sự tham gia của giáo dân, để thực hiện một sự thay đổi mô hình từ việc coi anh chị em giáo dân chỉ là những người cộng tác đơn thuần, sang việc nhìn nhận họ là những người đồng trách nhiệm về sự hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội. Như Sơ Gill Goulding, CJ giáo sư thần học hệ thống và linh đạo đã nói gần đây: “Điều quan trọng là đời sống giáo dân, đời sống tu trì và chức linh mục đều được coi là bổ sung cho nhau như một sự phục vụ hỗ tương”. Trong vấn đề này, giáo dân cũng phải đảm nhận trách nhiệm của họ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và thực hiện vai trò chính đáng của mình trong Giáo Hội mà họ không cần bất kỳ sự cho phép nào.

Trong cuộc gặp gỡ với các thành viên của Hội đồng Giám mục Ý vào ngày 25 tháng 5 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói những lời mạnh mẽ sau đây và có thể áp dụng cho các thành viên của Gia đình Đặc sủng Thương Khó:

Mọi người đã được rửa tội đều được kêu gọi tích cực tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, bắt đầu từ những ơn gọi đặc thù của mình, trong mối tương quan với tha nhân và với các đặc sủng được Chúa Thánh Thần ban cho vì lợi ích của mọi người. Chúng ta cần các cộng đoàn Kitô hữu trong đó không gian được mở rộng, nơi mọi người có thể cảm thấy thân thuộc như ở nhà, nơi mà các cơ cấu và phương tiện mục vụ không thúc đẩy việc thành lập các nhóm nhỏ, nhưng tỏ lộ niềm vui được hiện diện và cảm thức đồng trách nhiệm... Một Giáo Hội bị đè nặng bởi các cơ cấu, sự quan liêu và chủ nghĩa hình thức sẽ phải đấu tranh để bước đi trong lịch sử theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, để gặp gỡ những anh chị em của thời đại chúng ta.

Có nhiều hội nhóm đa dạng và một số phong trào giáo dân liên kết với Gia đình Đặc sủng Thương Khó hiện diện ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Những hiệp hội này đã lan rộng vì nhiều nguyên nhân: sự ‘lôi cuốn’ thiêng liêng của cá nhân họ đối với Cuộc Thương Khó và Thập Giá của Chúa Giêsu, nhờ sự khám phá của họ cũng như nhờ sức thu hút của đặc sủng và linh đạo của Thánh Phaolô Thánh Giá, sự liên kết và mối tương quan của họ với Dòng Thương Khó, cũng như sự tham gia của họ vào sứ mạng dành cho “những người bị đóng đinh” trong xã hội. Những nhóm này cũng bao gồm các dòng tu khác, đặc biệt là các chị em Dòng Kín do Thánh Phaolô Thánh Giá thành lập và nhiều nhánh nữ khác nhau được thành lập hoặc được truyền cảm hứng từ các tu sĩ Thương Khó. Mặc dù các nhóm này có thể có những tên gọi, nền tảng và hình thức khác nhau nhưng tùy theo bậc sống và bối cảnh cụ thể của mình, tất cả đều cam kết làm sống động và cổ vũ ký ức về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như dấu chỉ vĩ đại nhất tỏ lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.

Cách đây một thời gian, tôi nhận được một lá thư từ nhóm ‘Huynh đoàn Thương Khó’ ở Dublin, Ireland. Đây là những giáo dân sau khi tham gia một khóa hướng dẫn về linh đạo Thương Khó vào năm 2006 đã cảm thấy bị lôi cuốn và thu hút bởi đặc sủng Dòng Thương Khó. Họ viết:

Nguồn cảm hứng cho chúng tôi quy tụ lại với nhau để làm nên Huynh đoàn này đến từ lời tuyên bố của Tổng Hội năm 2000: ‘Đặc sủng Thương Khó, giống như chính cuộc sống, là một món quà mà chúng ta mãi mãi tri ân, là một thứ mà chúng ta không thể vứt bỏ như thể đó là tài sản riêng của mình. Những ai muốn cùng với chúng ta đứng dưới chân Thánh Giá, để chiêm ngưỡng tình yêu Thiên Chúa và loan báo sức mạnh cứu độ của tình yêu đó, có thể được gọi một cách chính đáng là “Passionist”, cho dù họ là nam giới, phụ nữ hay trẻ em.’ Khi chúng tôi lần đầu tiên nghe điều này vào năm 2006, nó đã gây ấn tượng sâu sắc với chúng tôi; nó chạm đến điều gì đó mà chúng tôi cảm nhận được nhưng chẳng thể diễn tả bằng lời. Tuyên bố đó tiếp tục gây được tiếng vang cho đến ngày nay. Chúng tôi luôn ‘cảm thấy’ mình là Passionist. Tuy nhiên, ơn gọi của chúng tôi là sống đời sống giáo dân: một số đã lập gia đình, một số độc thân, một số khác đã từng kết hôn nhưng thật đáng tiếc hiện đang góa bụa hoặc ly thân. Thông điệp năm 2000 đảm bảo với chúng tôi rằng chúng tôi không chỉ có ‘cảm giác’ mình là Passionist, mà thực sự chúng tôi là Passionist (một thành viên Thương Khó).

Tôi vô cùng xúc động trước niềm xác tín, sự nhận biết căn tính và cảm thức thuộc về Gia đình Thương Khó mà họ bày tỏ. Bức thư tiếp tục giải thích cách họ sống và quảng bá đặc sủng thông qua ơn gọi giáo dân, đồng thời nói về quyền lợi cũng như trách nhiệm của họ với tư cách là tông đồ truyền giáo, chứ không phải chỉ vì sự suy giảm của các tu sĩ Thương Khó trong Tỉnh dòng.

…chúng tôi tin chắc rằng không có chỗ nào để nói về việc già đi, kém năng lực hơn, hay chết dần, v.v. chừng nào Huynh đoàn còn ở đó. Đó là mong muốn của chúng tôi. Thực vậy, chúng tôi biết mình là ai khi chúng tôi muốn sống đặc sủng của Dòng Thương Khó và của Thánh Phaolô Thánh Giá trong đời sống của mình. Và khi chúng tôi trung thành với đặc sủng ấy, có một điều lớn lao hơn đó là chúng tôi trở nên sứ giả khi những người khác không có đủ khả năng.

Trong phần lớn lịch sử 300 năm của Hội Dòng chúng ta, trọng tâm của đời sống và sứ vụ của Dòng Thương Khó tập trung rất nhiều vào những anh chị em ‘có lời khấn’, tức là những ai đã theo đuổi ơn gọi đời sống thánh hiến trong Hội Dòng. Mặc dù đúng là trách nhiệm chính đối với Hội Dòng và sứ mạng đặc sủng của Hội Dòng được Giáo Hội giao phó cho những người theo đời sống thánh hiến, nhưng chúng ta không thể bỏ qua những sự thật trong lịch sử của Hội Dòng và từ kinh nghiệm của chính chúng ta rằng đã có vô số người khác (giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ) nhờ ơn Chúa Thánh Thần và nhờ mối liên hệ của họ với các thành viên và công việc của Hội Dòng, đã làm chứng về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Một số người thậm chí còn cảm nhận và tự nhận mình là ‘Passionist’. Chắc chắn ngày nay những người này cũng có thể được coi là “những người bạn đồng hành” mà Thánh Phaolô Thánh Giá mong muốn quy tụ. Tuy nhiên, điều cần thiết là họ có được cảm thức thuộc về và sự nhận biết căn tính Thương Khó. Để được như thế, Hội Dòng có trách nhiệm sắp xếp để họ được huấn luyện và hỗ trợ thích hợp nhằm nuôi dưỡng và đào sâu trong họ lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, và trao cho họ quyền được đồng trách nhiệm với sứ mạng phù hợp với tầm nhìn của Hội Dòng. Theo tinh thần hiệp hành, điều này phải được thực hiện trong một tiến trình hỗ tương với tinh thần cởi mở để cùng nhau phân định con đường mà Chúa Thánh Thần mở ra cho chúng ta.

Tôi tin rằng một cách thức mới để là thành viên Thương Khó đang được hình thành và xuất hiện với sự tham gia và cộng tác của giáo dân vào đời sống và sứ mạng của Hội Dòng. Tôn trọng ơn gọi riêng và việc chọn lựa bậc sống của mỗi cá nhân, con đường hiệp hành đang mở ra trước mặt chúng ta đòi hỏi sự tôn trọng, tin tưởng và lòng khiêm nhường. Đó là phương thức hiện hữu của một giáo hội hay dòng tu muốn ra đi truyền giáo. Tính hiệp hành về cơ bản là truyền giáo. Đó là một cách hướng tới việc tái suy tư, tái hình dung vai trò của Giáo hội (và của Hội Dòng chúng ta) trong xã hội ngày nay. Điều này đòi hỏi chúng ta phải loại bỏ nỗi sợ hãi, thành kiến và những suy nghĩ hẹp hòi, đồng thời mở lòng đón nhận một sự hiểu biết và cách tiếp cận mới về việc cùng nhau cộng tác để làm chứng và truyền giáo. Lối tiếp cận mới này được gợi hứng từ tầm nhìn đặc biệt của đặc sủng: memoria Passionis mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với chúng ta trong thông điệp nhân dịp Năm Thánh: “Để một đặc sủng tồn tại theo thời gian, cần phải điều chỉnh nó cho phù hợp với những nhu cầu mới, luôn làm sống động sức mạnh sáng tạo từ lúc khởi đầu của đặc sủng ấy”.

Chúng ta đừng sợ khi sống như một Gia đình Thương Khó (gồm cả tu sĩ và giáo dân) để kiến tạo một con đường hiệp hành, trên đó chúng ta cùng nhau tiến bước như một cộng đoàn của đức tin, phụng tự, phục vụ và truyền giáo với tinh thần lắng nghe, đối thoại, thinh lặng, cầu nguyện và phân định. Bằng cách cùng nhau lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và nhận biết thánh ý Thiên Chúa, chúng ta mong muốn chia sẻ những hồng ân của mình một cách tốt nhất, để ký ức về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu được làm sống động như một dấu chỉ tình yêu cứu độ và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa trong những cảnh huống của xã hội và thế giới đương thời.

Đây là thời khắc của việc canh tân và thực thi sứ vụ ngôn sứ trong Gia đình Thương Khó. Những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt vào thời điểm lịch sử này mang đến cho chúng ta cơ hội trở thành ngôn sứ: chúng ta được Tin Mừng soi sáng, “suy tư và nói trong Thánh Thần” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô) và nhờ đó, chúng ta cũng được đổi mới. Đây là lúc để đọc ra thánh ý của Thiên Chúa dành cho chúng ta ngang qua ‘những dấu chỉ thời đại’: “đó chính là thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa” (Mk 6,8).

Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước như Gia đình Thương Khó “với tâm thức được đổi mới”. Đây là ân sủng phát sinh từ việc Thánh Phaolô Thánh Giá suy niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu và chiêm ngắm Thánh Giá của Người, qua đó chúng ta sẽ nhận biết được sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24).

Cộng đoàn Tĩnh tâm Thánh Gioan và Phaolô, 
Lễ kính Thánh Phaolô Thánh Giá
Ngày 19 tháng 10 năm 2023

 

Lm. Joachim Rego, C.P.
Bề trên Tổng quyền

Chuyển ngữ: JM. Bùi Tấn Tài, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: