Thứ Th 7,
01/07/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
300 NĂM TU LUẬT DÒNG THƯƠNG KHÓ CHÚA GIÊSU
Tu Luật tiên khởi Dòng Thương Khó Chúa Giêsu được thánh Phaolô Thánh Giá viết vào tháng 12 năm 1720. Đến 300 năm sau, Hiến Pháp Dòng Thương Khó ấy vẫn còn được lôi cuốn như nguồn cảm hứng bản văn ban đầu và nó được thánh Phaolô soạn thảo khi ngài đang độ tuổi 26. Phần đầu Hiến Pháp dẫn chúng ta đi thẳng vào mối liên hệ với kinh nghiệm nền tảng của thánh Phaolô Thánh Giá.
Thánh Phaolô Thánh Giá đã quy tụ các đồng bạn lại để sống và để rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho hết thảy mọi người. Danh xưng đầu tiên mà thánh Phaolô đặt cho Hội Dòng là “Dòng Người Nghèo của Chúa Giêsu”. Danh xưng này biểu lộ rằng, cuộc đời của các tu sĩ Thương Khó phải hoàn toàn rập khuôn theo tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, điều mà thánh nhân cho là hết sức cần thiết, nếu họ muốn rập theo những lời khuyên Phúc Âm khác, để kiên tâm trong đời sống cầu nguyện và rao giảng Ngôi Lời Thập Giá, cả lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hơn nữa, thánh Phaolô muốn các tu sĩ Thương Khó sống cuộc đời mình như các thánh Tông đồ xưa. Họ phải được nuôi dưỡng và phát triển trong một tinh thần sâu xa của đời sống cầu nguyện, hãm mình và cô tịch; nhờ đó, họ có thể đạt tới tầm mức trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa và làm chứng cho tình yêu của Ngài.
Thấu suốt sâu xa về những tệ nạn đã xảy ra với con người đương thời của ngài, thánh Phaolô Thánh Giá càng thêm nhấn mạnh rằng, phương thuốc hiệu quả nhất về Cuộc Thương Khó chính là, “Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô là công trình vĩ đại và tuyệt vời nhất của tình yêu Thiên Chúa”. (Hiến Pháp Dòng Thương Khó, #1).
Thánh Phaolô Thánh Giá đã diễn tả trong Tu Luật tiên khởi bằng cách viết, “Thiên Chúa đã ban cho tôi có một sự khao khát mạnh mẽ để quy tụ các đồng bạn và để thành lập một hội dòng mang tên ‘Người Nghèo của Chúa Giêsu’. Sau đó, Ngài đã liên tiếp thổi vào linh hồn tôi một dạng Luật thánh, để các tu sĩ Người Nghèo của Chúa Giêsu và cả tôi, là tôi tớ hèn mọn và bần cùng nhất, cùng tuân giữ Luật thánh đó”. (Phần đầu bộ Tu Luật tiên khởi, 1720).
Luật thánh tiên khởi đó là kết quả của kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện của thánh nhân, nơi mà Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt ngài ngang qua những thử thách và lầm lạc, nhưng đồng thời cũng ngang qua hàng loạt những cảm nghiệm mà ngài gọi là ‘những tia sáng và nguồn cảm hứng’, để đi đến một sự hiểu biết về đặc sủng và sứ vụ của Hội Dòng mà ngài sẽ thành lập.
Lúc bấy giờ, thánh Phaolô chưa bao giờ thấy một cuốn tu luật sống đời thánh hiến nào, bởi thế, những gì ngài viết là sự gợi hứng hơn là tính pháp lý. Nó xuất phát từ tình yêu sâu xa của ngài dành cho Chúa Giêsu trong Cuộc Thương Khó của Ngài, và lòng khao khát của thánh nhân chạm đến những người “không cảm nghiệm được hoa trái của Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu” (Nhật ký thiêng liêng của thánh Phao lô Thánh Giá, 4.12.1720).
Trong Tu Luật tiên khởi, thánh Phaolô viết không như cho một vị bề trên, mà viết như một người anh em yêu quý, “Hỡi ôi, người yêu quý, đấng thực sự yêu thương, bất cứ khi nào ngài đưa Thứ Sáu vào tâm trí mình, đều có những lý do để chết đi. Điều đó có ý nói rằng, ‘Thứ Sáu’ là cách đặt tên cho ngày Thiên-Chúa-Làm-Người của tôi đã đau khổ rất nhiều, vì tôi mà Ngài khước từ mạng sống mình, để chết đi và treo thân mình trên thánh giá gỗ cứng”. (Tu luật 1720).
Tâm điểm sứ điệp của thánh Phaolô là lời mời gọi những người cùng sẽ chia sẻ đặc sủng Thương Khó với những người đã nhận biết Chúa Giêsu, ngang qua đời sống cầu nguyện và những ai sẵn lòng giúp những người khác có cùng kinh nghiệm tương tự về tình Thiên Chúa, được biểu lộ nơi khuôn mặt Chúa Kitô chịu đau khổ. Thánh nhân đã viết, “Đừng bao giờ để chúng ta lãng quên, mà phải luôn có một sự tưởng nhớ liên lỷ về sự sầu khổ, Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu. Vì thế, mỗi tu sĩ Người Nghèo của Chúa Giêsu hãy quan tâm đến việc truyền rao cho người khác, cách suy niệm về sự đau khổ của Đức Giêsu, Chúa chúng ta”. (Tu Luật 1720).
Tu Luật đã đề xướng một đời sống biến đổi liên lỷ, đơn giản hóa Phúc Âm và tĩnh lặng nội tâm. Điều này sẽ dẫn đến một chiều kích tự do nội tâm sâu xa trong những điều mà thánh nhân gọi là, “lòng nhiệt thành cho vinh danh Thiên Chúa”; nhờ đó, các tu sĩ Thương Khó sẽ quảng bá tình yêu Thiên Chúa đến với tâm hồn người khác, và theo lời thánh Phaolô là, các tu sĩ Thương Khó “không mệt mỏi trong các công việc bác ái; từ đó, Thiên Chúa chí ái chúng ta được yêu mến, kính sợ, phụng sự, và tôn vinh đến muôn thuở muôn đời. Amen”. (Phần đầu Tu Luật tiên khởi, 1720).
Từ: https://www.passiochristi.org/PDF/Bip-52-ENG-light.pdf
Nguyên tác: 300 Years of the Passionist Rule
Tác giả: Lm Phaolô Phanxicô Spencer C.P (Paul Francis Spencer)
Việt ngữ: Phaolô Antôn Cầu C.P