Thứ Th 4,
01/02/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Ngày đời sống thánh hiến lần thứ 27 đã gần đến, những người chỉ mới tập tễnh đi tu như chúng tôi có lẽ cũng có những tâm tư, dẫu cho cuộc đời chưa trải qua nhiều lắm những thăng trầm của đường đời dâng hiến, như cách người ta vẫn bảo chúng tôi: “tấm chiếu mới chưa trải sự đời”. Trong lá thư của Thánh bộ Tu sĩ gởi cho người tu như chúng tôi, cụm từ “nới rộng lều” được nhắc lại nhiều lần khiến chúng tôi cũng suy nghĩ về chiếc lều của người tu sĩ.
Đời tu là cắm lều và cuốn lều!
Những hướng đạo sinh sói con như chúng tôi đã quen thuộc với hình ảnh chiếc lều trong những ngày chơi trại, đó là mái nhà tạm cho chúng tôi cư trú, nghỉ ngơi và nhiều sinh hoạt khác trong đó, như một căn cứ để chúng tôi cất những hành trang mà tha hồ tung tăng với những hoạt động sinh hoạt.
Lớn lên rồi mới thấy, đời người tu đúng thật là một chuyến đi cắm trại, cắm lều từ nơi này đến nơi khác, chúng tôi không xây nhà như người ta vẫn nói “An cư lạc nghiệp”, chúng tôi chỉ dựng lên những chiếc lều, đến và ở lại để phục vụ tha nhân, một giai đoạn nào đó rồi chúng tôi lại cuốn lều và lên đường đến với những sứ vụ mới. Chúng tôi không được phép bám rễ sâu vào một vùng đất nào mà chỉ có thể bám rễ sâu vào một mình Đức Kitô. Như truyền thống Biển Đức có câu: “Không có gì quý hơn Đức Kitô”. Như các chị em Mến Thánh Giá có câu: “Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con”.
Và ngay cả anh em chúng tôi trong Dòng Thương Khó Passionist vẫn hát nghêu ngao mỗi ngày “May the Passion of Jesus Christ, be always in our hearts – Nguyện xin cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con”. Tu sĩ không ở mãi trong nhà mình, họ ở trong những chiếc lều để thong dong tự tại phục vụ tha nhân và làm vinh danh Thiên Chúa.
Hãy sẵn sàng nới rộng lều mình để cùng nhau bước đi!
Trích thư của Thánh bộ Tu sĩ: “Chúng ta có nài van Chúa Thánh Thần một cách khẩn thiết và thường xuyên để xin Ngài thắp lên trong lòng chúng ta ngọn lửa truyền giáo, lòng nhiệt thành tông đồ, niềm đam mê Chúa Kitô và nhân loại không? Chúng ta có được thúc đẩy để “nói về những gì mình đã thấy và đã nghe không” (1 Ga 1, 3)? Chúng ta có cảm thấy khao khát Đức Kitô không? Chúng ta có chịu đau khổ và mạo hiểm để hòa hợp với trái tim mục tử của Người không? Chúng ta có sẵn sàng “nới rộng lều của mình” để cùng nhau bước đi không? Và trên hết, chúng ta hãy tự hỏi: Liệu chính Con người Đức Giêsu, những tâm tình, lòng trắc ẩn của Người, có làm tâm hồn chúng ta rung động chăng?”.
Đời sống thánh hiến dù ở dạng hình thái nào vẫn có nơi đó chiều kích đời sống cộng đoàn. Con người không được sinh ra, lớn lên và hoạt động riêng lẻ, nhưng luôn mang trên mình tính cộng đoàn. Chúa Thánh Thần quy tụ những con người xa lạ không cùng huyết thống đến với nhau để quy tụ thành một cộng đoàn, nơi đó họ cùng chung chia với nhau lý tưởng dâng hiến, cùng bước đi trên một linh đạo, đặc sủng. Những từ ngữ “hiệp thông – hiệp hành” cũng dần quen thuộc hơn để kêu mời một chí một lòng xây dựng đời sống cộng đoàn trở nên một thân thể mà Đức Kitô là Đầu.
Thế mà lắm khi, dẫu chúng tôi biết mình chỉ sống trong những căn lều, nhưng căn lều đó lâu ngày chỉ chứa đựng toàn tư trang của cá nhân, không còn chỗ để tiếp đón người khác và để cho người khác bước vào được căn lều của chúng tôi. Căn lều đó có cả những vật chất và căn lều tâm hồn chúng tôi. Lời khấn khó nghèo nghe đơn sơ mà khó sống thật, vì ai cũng cần phương tiện để sống và làm việc, nhưng phương tiện đó lâu này chỉ còn là những tài sản tích góp để thoả mãn mong ước một lúc nào đó chúng tôi sẽ hưởng thụ, lẽ ra những phương tiện dư thừa đó đã thuộc về tha nhân, những người nghèo, những đối tượng mà chúng tôi được mời gọi đến phục vụ họ.
Những cơ hội hồi tâm hay giờ phân định cộng đoàn, “nới rộng lều” còn là lúc để tôi mời anh em thành viên trong cùng cộng đoàn có thể bước vào không gian riêng của tôi, để chia sẻ những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu trong đời sống thánh hiến. Có chia sớt ngọt bùi, mới se được những sợi dây liên kết, vun đắp một cộng đoàn huynh đệ và dấn thân. Khi đó, lều không còn là không gian của riêng mình, lều là nơi để tiếp đón, ở lại và được sai đi.
Cùng nhau vẽ nên khuôn mặt Thiên Chúa đang cắm lều giữa nhân loại!
Trong suy tư non nớt của mình, tôi nghĩ ngày Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh mang ý nghĩa của quà tặng. Đức Giêsu là của lễ dâng lên Thiên Chúa và là quà tặng ân ban Thiên Chúa ưu ái dành cho con người. Người tu sĩ cũng vậy, được tạo dựng như món quà quý giá của gia đình, niềm hy vọng của gia tộc. Nhưng sau giai đoạn ấu thơ ẩn dật, chúng tôi lại lên đường, cắm lều trong các cộng đoàn đào tạo rồi lại được sai đi cắm lều trong các cộng đoàn sứ vụ của nhà dòng.
Chẳng nơi đâu khiến chúng tôi nghĩ sẽ ở mãi suốt cả cuộc đời, đến để sống với Chúa và cho Chúa, sống với tha nhân và cho tha nhân, một giai đoạn nào đó rồi lại lên đường, đến những nơi “trời mới đất mới” để cày cuốc, làm cho nơi đó được vun trồng và nẩy mầm những hạt giống Tin Mừng. Như trong thư của Bộ Tu sĩ có viết: “Chúng ta, những người chạm đến ơn cứu độ của Thiên Chúa mỗi ngày, hãy sống sứ mạng như một món quà vô điều kiện cho người khác tất cả những gì chúng ta là, và chúng ta có. Chúng ta, những người chạm vào “da thịt đau thương và vinh hiển của Đức Kitô trong lịch sử của mỗi ngày”, hãy mở rộng lều của mình, và do đó, chia sẻ “với mọi người một số phận chung của niềm hy vọng, niềm tin chắc rằng Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với chúng ta”.
Hãy theo Thầy, tiếng Ngài gọi con hôm nay
Tiếng Ngài gọi con, gọi con hãy lên đường…
Có những người chỉ mưu cầu một mái ấm gia đình, bình yên cả một đời,… nhưng có người lại được mời gọi bước ra từ gia đình mình, lên đường vì tiếng gọi của Thiên Chúa, lời mời gọi yêu thương, phục vụ tha nhân như chính Thiên Chúa đã đến với con người. Mái nhà thật ấm êm cho đời chúng tôi, nhưng chúng tôi chọn ở trong những chiếc lều để không sống an phận cho mình, không dành không gian đó cho riêng mình, vì chúng tôi còn khoảng rộng trong tim mình dành cho Chúa Giêsu và cho tha nhân. Đi cắm trại thì vui thật, nhưng cắm trại suốt cuộc đời là một cuộc phiêu lưu, đến những nơi “trời mới đất mới” để sống với và sống cho. Chuyến đi ấy sẽ hoàn tất nơi “Trời mới đất mới” là hạnh phúc Nước Trời mai sau.
Thoáng chút suy tư cho ngày Đời sống Thánh hiến năm 2023