Nhà Tập – Mùa Xuân Và Mùa Đông Của Đời Tu

Thứ CN,
02/03/2025
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Nhà Tập – Mùa Xuân và Mùa Đông của Đời Tu    

Người Việt ta vẫn thường hay gọi Tập viện bằng một cái tên gần gũi, đặc trưng và đầy ý nghĩa – đó là “Nhà Tập”. Có lẽ nào từ ‘Tập Viện’ nghe có vẻ quá trang trọng và học thuật, chưa thể hiện được cái gì đó riêng của người Việt và Tiếng Việt chăng! Đối với văn hoá người Việt, nhà và gia đình là một điều gì đó rất quan trọng và ý nghĩa với mỗi người. Do đó, từ nhà tập muốn nói lên rằng: Ta coi hội dòng và cộng đoàn giống như là gia đình của ta, và những con người sống cùng ta ở nơi đó, từ những con người xa lạ máu mủ trở thành ‘anh chị em ruột trong máu linh đạo’. Có một câu nói rất quen thuộc hay được truyền tai nhau qua các thế hệ trong những người đi tu để nói về nhà tập, đó là ‘Nhà tập được ví như mùa xuân của đời tu’. Ai mà chưa trải qua giai đoạn nhà tập, khi nghe câu nói đó sẽ có chút tò mò, xen lẫn một chút thắc mắc cùng một cái gật đầu như có vẻ đồng ý trước câu nói của những bậc tiền bối đi trước. Cũng chẳng khó hiểu nguyên do, vì họ đã trải qua đâu mà hiểu được tính đúng sai và ý nghĩa thực sự của câu đó.

Khi đang viết những điều này, cũng là lúc tôi vừa tròn sáu tháng trong tư cách là một tập sinh và đang bước tiếp sang nửa còn lại của ‘mùa xuân đó’. Dù chưa trải qua hết, nhưng tôi vẫn mạn phép viết vài lời cảm nhận, một chút tâm tư về những gì đã trải qua dưới một lăng kính rất cá nhân. Cho đến thời điểm này, tôi thấy câu nói đó không được đúng cho lắm, nói một cách chính xác hơn là chưa đầy đủ. Theo tôi, Nhà tập vừa là mùa đông, vừa là mùa xuân của đời tu. Vì trước khi trở thành mùa xuân đẹp nhất, thì nó đã trải qua mùa đông đầy khắc nghiệt!

Được đem ra ví von như mùa xuân của đất trời, chắc do nơi mái nhà đó là nơi đẹp nhất, hạnh phúc nhất và tuyệt vời nhất của đời tu. Ở miền Bắc, ta sẽ dễ dàng thấy được sự khác biệt và đặc trưng của bốn mùa. Từ trước đến nay, mùa xuân vẫn được người ta ưu ái xem là mùa đẹp nhất trong năm và tràn đầy sức sống nơi cả cảnh vật và con người. Trước hết, thời tiết và khí trời của mùa xuân rất dễ chịu: một chút mưa nhẹ hoà quyện cùng cái nắng ấm áp vừa đủ để cho nhiệt độ không đến mức oi nồng như mùa hạ, và cũng không xuống thấp đến mức rét buốt như mùa đông. Điều đó rất thuận tiện cho muôn loài sinh sôi nảy nở và cũng làm cho lòng người dễ chịu biết bao.

Không khí của nhà tập cũng thuận tiện không kém cho tu sĩ đâm chồi nhân đức. Thinh lặng, cô tịch và cầu nguyện. Tôi dám chắc chẳng có nhà tập nào lại dày đặc các môn học về triết học, thần học cùng với sản phẩm tặng kèm bài tập nhiều như giai đoạn Học viện. Cũng chẳng có nhà tập nào lại sắp xếp lịch sứ vụ tông đồ bên ngoài cộng đoàn liên tục như các tu sĩ đã qua giai đoạn đào tạo căn bản cả. Nhưng ở nơi nhà tập đó là một không khí nhẹ nhàng và dễ chịu như tiết trời ngày xuân: Đó là sự giãn cách vừa đủ của một số giờ học giúp đào sâu ơn gọi cá nhân, linh đạo cũng như tinh thần dòng. Đó là những giờ suy niệm bên chân Chúa để hâm nóng và thắt chặt mối tương quan với Ngài. Đó là những giờ lao động nhẹ nhàng, và thể thao cùng nhau trong tình huynh đệ.

Theo truyền thống của người Việt, mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, sum họp. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở dịp Tết Nguyên Đán. Trong một bài hát Thánh ca về mùa xuân, tác giả có viết ‘Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình, cũng về với ân tình…’ Mùa xuân là dịp để mọi người quây quần, đoàn viên bên những người mà mình yêu thương để hun đúc và hâm nóng tình cảm. Nhà tập cũng kha khá giống như vậy! Trong năm tập, các tập sinh cũng được kêu gọi gác hết mọi âu lo của học tập và những mối tương quan bên ngoài, để dành trọn vẹn, toàn tâm toàn trí ngồi bên chân Chúa nhiều hơn như Maria từng làm, lắng đọng tâm hồn để nghe Thánh Ý Ngài rõ hơn.

Nếu như mùa xuân là mùa của muôn hoa đua nở, và những chồi non cũng nảy mầm sau một thời gian dài ẩn mình; thì nhà tập cũng là thời khác thuận lợi nhất để người đi tu được khai sinh nên một con người mới. Một con người mới từ chính con người cũ, tức là một sự biến đổi để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày, một con người thấm đẫm tinh thần và linh đạo của dòng, và một con người mới với những nhân đức tốt lành. Tôi ví tất cả những sự tốt lành đó như là những chồi non và nụ hoa của sắc xuân.

Thế nhưng, việc trở nên một con người mới đó đòi hỏi một quá trình nhất định – quá trình thanh luyện đi kèm với tích luỹ. Quá trình đó cần sự kiên nhẫn với chính mình và với Chúa. Có lẽ quá trình đó sẽ cần đến sự kiên trì trong cầu nguyện để có thể giữ được mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa để không chán nản và bỏ cuộc bởi sự chia trí, khô khan. Có lẽ quá trình đó sẽ cần đến sức mạnh để vượt qua những dằn vặt, hối lỗi và ghê tởm về những tội lỗi trong quá khứ (dù Thiên Chúa đã sẵn lòng tha thứ cho bạn trước khi bạn xin Người); và giữ vững niềm tin cậy mến trước những băn khoăn, những điều không chắc chắn và khắc khoải về tương lai sắp tới – những điều khiến bạn dễ lung lay ơn gọi dâng hiến. Có lẽ sự thanh luyện và tích luỹ đó cũng cần một chút can đảm để đặt tính ích kỷ của cá nhân sang một bên và đặt cái chung của cộng đoàn lên trước. Và có lẽ bạn cũng cần sự ngoan cường để chiến thắng những gào thét, cắn xé và trỗi dậy của xác thịt, tội lỗi và những thói quen xấu trong một giai đoạn mọi sự đều rất nhạy cảm. Đó là mùa đông mà tôi muốn nói tới. Và hành trình đó thực sự đau đớn, đổ máu; nhưng hoa trái và hậu ngọt của nó thì rất xứng đáng với những gì ta đã hy sinh. Lúc đó, ta dám mạnh dạn thốt lên những lời của thánh Phaolô ‘Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi’ (Gl 2,20).

Tập Sinh

popup

Số lượng:

Tổng tiền: