Diễn Văn Của ĐTC Trong Buổi Gặp Gỡ Các Nạn Nhân Bạo Lực

Thứ Th 5,
02/02/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Trong buổi gặp gỡ các nạn nhân bạo lực ở phía đông của Cộng hoà Dân chủ Congo, Đức Thánh Cha bày tỏ đồng cảm với những đau khổ của các nạn nhân, lên án bạo lực, kêu gọi loại bỏ tận gốc bạo lực. Ngài khuyến khích mọi người nói "không" với bạo lực, cam chịu, và nói "có" với hoà bình và hy vọng.


Anh chị em thân mến!

Cám ơn Ladislas, Bijoux, Désiré, Emelda, cám ơn những lời chứng của anh chị em. Chúng tôi tiếp tục bị sốc khi nghe biết về bạo lực vô nhân mà anh chị em đã tận mắt chứng kiến và trải qua. Chúng tôi không thể nói lên lời; chúng tôi chỉ biết khóc trong thầm lặng. Bunia, Beni-Butembo, Goma, Masisi, Rutshuru, Bukavu, Uvira: đây là những nơi mà giới truyền thông quốc tế hầu như không bao giờ đề cập đến. Ở những nơi này và ở những nơi khác, anh chị em của chúng ta, những đứa con của cùng một nhân loại, bị bắt làm con tin bởi sự độc tài của kẻ mạnh nhất, bởi những kẻ nắm trong tay những vũ khí tinh vi nhất, những vũ khí vẫn tiếp tục được lưu hành. Hôm nay, tâm hồn tôi ở tại phía đông của đất nước rộng lớn này, nơi sẽ không có hòa bình cho đến khi hoà bình ngự trị ở đó, ở phần phía đông đất nước.

Với anh chị em, những cư dân ở phía Đông thân mến, tôi muốn nói rằng: Tôi ở gần anh chị em. Nước mắt của anh chị em là nước mắt của tôi, nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Với các gia đình đang đau buồn hoặc phải di dời do các ngôi làng bị đốt cháy và các tội ác chiến tranh khác, với những người sống sót sau bạo lực tình dục, với các trẻ em và người lớn bị thương, tôi nói: Tôi ở bên anh chị em, tôi muốn mang đến cho anh chị em sự âu yếm của Thiên Chúa. Người nhìn anh chị em bằng sự dịu dàng và lòng trắc ẩn của Người. Trong khi kẻ bạo hành coi anh chị em như đối tượng, thì Cha trên trời nhìn thấy phẩm giá của anh chị em và nói với từng người: “Trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43, 4). Anh chị em thân mến, Giáo hội đang và sẽ luôn đứng về phía anh chị em. Thiên Chúa yêu thương anh chị em; Người không quên anh chị em. Nhưng mọi người cũng phải nhớ đến anh chị em.

Nhân danh Thiên Chúa, cùng với các nạn nhân và những người đang hoạt động cho hòa bình, công lý và tình huynh đệ, tôi lên án bạo lực vũ trang, các vụ thảm sát, hãm hiếp, phá hủy và chiếm đóng các làng mạc, cướp bóc ruộng đồng và gia súc vẫn tiếp diễn tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cũng như việc giết người, khai thác bất hợp pháp sự giàu có của đất nước này, và những nỗ lực chia cắt đất nước để kiểm soát nó. Thật phẫn nộ khi biết rằng tình trạng mất an ninh, bạo lực và chiến tranh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều người lại được thúc đẩy một cách đáng xấu hổ không chỉ bởi các thế lực bên ngoài, nhưng còn từ bên trong, vì mục đích cá nhân. Tôi hướng về Cha trên trời, Đấng muốn tất cả chúng ta là anh chị em với nhau dưới thế: Tôi khiêm nhường cúi đầu và đau lòng, xin Người tha thứ cho bạo lực của con người đối với con người. Xin Cha thương xót chúng con. Xin Cha ủi các nạn nhân và những người đau khổ. Xin hoán cải tâm hồn những người thực hiện những tội ác tàn bạo, mang lại vết nhơ cho toàn thể nhân loại! Và xin mở mắt những người từ chối, quay lưng lại với những điều ghê tởm này.

Những cuộc xung đột này buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, phá vỡ cơ cấu kinh tế - xã hội, gây ra những vết thương khó chữa lành. Chúng là những cuộc đấu tranh đảng phái trong đó các động lực dân tộc, lãnh thổ và nhóm đan xen với nhau; những cuộc xung đột liên quan đến quyền sở hữu đất đai, với sự vắng mặt hoặc yếu kém của các thể chế, những hận thù được đánh dấu bằng sự báng bổ bạo lực nhân danh một vị thần giả. Nhưng trên hết, đó là một cuộc chiến được kích động bởi lòng tham vô độ đối với nguyên liệu thô và tiền bạc, thứ nuôi sống một nền kinh tế vũ trang, đòi hỏi sự bất ổn và tham nhũng. Thật là một điều gây tai tiếng và đạo đức giả, khi mọi người đang bị cướp đoạt và giết chết trong khi các doanh nghiệp gây ra bạo lực và chết chóc tiếp tục phát triển!

Tôi chân thành kêu gọi toàn thể người dân, các tổ chức bên trong và bên ngoài, những người dàn dựng chiến tranh ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhằm cướp bóc, gây bất ổn cho quốc gia. Quý vị đang làm giàu qua việc khai thác bất hợp pháp tài sản của đất nước này và sự hy sinh đẫm máu của những nạn nhân vô tội. Quý vị hãy nghe tiếng máu của họ (St 4,10), lắng nghe tiếng Thiên Chúa, Đấng mời gọi quý vị hoán cải, và lắng nghe tiếng lương tâm quý vị: hãy bỏ vũ khí, hãy chấm dứt chiến tranh. Đủ rồi! Hãy ngừng làm giàu bằng cái giá của người nghèo, ngừng làm giàu bằng tài nguyên và đồng tiền vấy máu!

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm gì? Chúng ta bắt đầu từ đâu? Chúng ta phải hành động như thế nào để thúc đẩy hòa bình? Hôm nay tôi muốn đề nghị anh chị em bắt đầu lại với hai cách nói “không” và hai cách nói “có”.

Trước hết, nói không với bạo lực, luôn luôn và trong mọi trường hợp, không có “nếu” và không có “nhưng”. Yêu thương dân mình không có nghĩa là nuôi lòng hận thù người khác. Ngược lại, yêu nước là từ chối dính líu đến những kẻ xúi giục sử dụng vũ lực. Đó là một sự lừa dối bi thảm: hận thù và bạo lực không bao giờ được chấp nhận, không bao giờ có thể biện minh, không bao giờ có thể dung thứ được, đặc biệt đối với những ai là Kitô hữu. Thù hận chỉ sinh ra thù hận và bạo lực tạo thêm bạo lực. Rồi phải nói “không” rõ ràng và mạnh mẽ với những người truyền bá chúng nhân danh Thiên Chúa. Anh chị em Congo thân mến, đừng để mình bị dụ dỗ bởi những người hoặc nhóm kích động bạo lực nhân danh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chúa của hòa bình và không phải Chúa của chiến tranh. Rao giảng sự thù ghét là báng bổ, và sự thù hận làm hư hỏng tâm hồn con người. Thực tế, những người sống bằng bạo lực không bao giờ sống tốt: họ nghĩ rằng họ đang cứu mạng sống nhưng họ lại bị nhấn chìm trong vòng xoáy tội ác khiến họ phải chiến đấu với những anh chị em đã cùng lớn lên và chung sống trong nhiều năm, và cuối cùng giết chết họ từ bên trong.

Nhưng nếu chỉ nói “không” với bạo lực thì không đủ để tránh các hành vi bạo lực; cần phải loại bỏ tận gốc rễ của bạo lực: tôi nghĩ đến lòng tham, sự ghen tỵ và trên hết là sự oán hận. Khi cúi đầu kính trọng trước những đau khổ mà rất nhiều người phải chịu đựng, tôi muốn yêu cầu mọi người hãy cư xử như anh chị em đã gợi ý cho chúng tôi, những nhân chứng can đảm, những người có can đảm để giải trừ vũ khí khỏi trái tim. Tôi xin mọi người nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người vào thập giá: xin hãy giải trừ vũ khí khỏi trái tim quý vị. Điều này không có nghĩa là ngừng phẫn nộ trước cái ác và không tố cáo nó, điều này phải làm! Cũng không có nghĩa là không trừng phạt và dung túng cho hành vi tàn ác, tiếp tục như thể không có chuyện gì xảy ra. Điều yêu cầu chúng ta, nhân danh hòa bình, nhân danh Thiên Chúa hòa bình, là phi quân sự hóa khỏi trái tim: loại bỏ chất độc, loại bỏ hận thù, tham lam, xóa bỏ oán giận. Nói “không” với tất cả những điều này có vẻ làm cho chúng ta trở nên yếu đuối, nhưng trên thực tế, nó giải phóng chúng ta, bởi vì mang lại cho chúng ta sự bình an. Đúng vậy, hòa bình được sinh ra từ những tâm hồn không hận thù.

Nói “không” với cam chịu. Hòa bình đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh với sự chán nản, nản chí và ngờ vực khiến chúng ta tin rằng tốt hơn không tin tưởng mọi người, sống xa cách nhau hơn là đưa tay ra và cùng nhau bước đi. Một lần nữa, nhân danh Thiên Chúa, tôi lặp lại lời kêu gọi những người đang sống ở Cộng hòa Dân chủ Congo đừng buông xuôi, nhưng hãy dấn thân xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương lai hòa bình sẽ không từ trên trời rơi xuống, nhưng nó có thể đến nếu thuyết định mệnh cam chịu và sợ dính líu đến người khác được loại bỏ khỏi tâm hồn. Một tương lai khác sẽ đến nếu nó vì tất cả mọi người chứ không phải chỉ cho một số ít, nếu nó dành cho tất cả mọi người và không chống lại người khác. Một tương lai mới sẽ đến nếu chúng ta nhìn những người khác, dù là người Tutsi hay Hutu, không còn là đối thủ hay kẻ thù nữa, nhưng là anh chị em, và nếu chúng ta tin rằng trong tâm hồn họ cũng ấp ủ một khát vọng hoà bình, dù có bị ẩn giấu. Ngay cả ở phía Đông, hòa bình là có thể! Chúng ta hãy tin vào điều đó! Và chúng ta hãy làm việc vì điều này, không ủy thác cho người khác!

Tương lai không thể được xây dựng bằng cách tiếp tục đóng mình với những lợi ích cá nhân, thu mình vào các nhóm, các nhóm sắc tộc và thị tộc của chính mình. Một ngạn ngữ Swahili dạy: “jirani ni ndugu” [người hàng xóm là anh chị em]; vì thế, anh chị em thân mến, tất cả những người lân cận đều là anh chị em, cho dù họ là người Burundi, Uganda hay Rwandan. Tất cả chúng ta đều là anh chị em, vì chúng ta là con của cùng một Cha: đức tin Kitô giáo, mà một bộ phận lớn dân chúng tuyên xưng, dạy chúng ta như thế. Hãy ngước nhìn Trời Cao và đừng giam mình trong sợ hãi: điều ác mà mọi người phải gánh chịu cần phải được biến thành điều tốt cho tất cả mọi người; hãy để sự chán nản làm tê liệt nhường chỗ cho một niềm đam mê mới, cho một cuộc đấu tranh can đảm vì hòa bình, cho những quyết tâm dũng cảm của tình huynh đệ, cho vẻ đẹp của việc cùng nhau kêu lên rằng không bao giờ nữa: không bao giờ bạo lực nữa, không bao giờ có thêm hận thù, không bao giờ cam chịu nữa!

Và sau cùng hãy nói “có” cho hòa bình. Trước hết, nói có với hòa giải. Thật tuyệt vời những gì anh chị em sắp làm. Anh chị em muốn tha thứ cho nhau và từ chối chiến tranh và xung đột để giải quyết khoảng cách và sự khác biệt. Và anh chị em muốn làm điều đó bằng cách cùng nhau cầu nguyện, sớm tập hợp quanh cây Thánh giá, dưới đó, với lòng can đảm, anh chị em mong muốn đặt những dấu hiệu của bạo lực mà anh chị em đã chứng kiến và chịu đựng: những đồng phục, dao rựa, búa, rìu, dao... Thập giá cũng là một công cụ đau đớn và chết chóc, khủng khiếp nhất vào thời Chúa Giêsu, nhưng được tình yêu Chúa biến đổi, thập giá đã trở thành một khí cụ hòa giải phổ quát, cây sự sống.

Tôi muốn nói với anh chị em: anh chị em cũng là những cây sự sống. Anh chị em hãy làm như cây xanh, hấp thụ sự ô nhiễm và trả lại oxy. Hay như tục ngữ có câu: “Ở đời, hãy làm như cây cọ: nhận đá, trả quả”. Đây là lời ngôn sứ Kitô: lấy điều thiện đáp lại sự dữ, lấy tình yêu đáp lại hận thù, hòa giải đáp lại chia rẽ. Đức tin mang trong mình một ý niệm mới về công lý, không bằng lòng với việc trừng phạt và từ bỏ trả thù, nhưng muốn hòa giải, xoa dịu những xung đột mới, dập tắt hận thù, tha thứ. Và tất cả những điều này còn mạnh hơn cả cái ác. Anh chị em có biết tại sao không? Bởi vì nó biến đổi thực tại từ bên trong thay vì phá hủy nó từ bên ngoài. Chỉ bằng cách này, sự dữ mới có thể bị đánh bại, như Chúa Giêsu đã làm trên Thánh giá, vác lấy và biến đổi nó bằng tình yêu của Người. Như thế nỗi đau biến thành niềm hy vọng. Anh chị em thân mến, chỉ có sự tha thứ mới mở ra cánh cửa cho ngày mai, bởi vì nó mở ra cánh cửa cho một nền công lý mới, một nên công lý, mà không được quên rằng, phải tháo gỡ vòng luẩn quẩn của sự trả thù. Hòa giải là tạo ra ngày mai: đó là tin tưởng vào tương lai hơn là bám chặt vào quá khứ; nó đang đặt cược vào hòa bình hơn là cam chịu chiến tranh; đó là thoát khỏi nhà tù của những lý do của chính mình để mở lòng với người khác và cùng nhau hưởng tự do.

Cuối cùng, nói “có” mang tính quyết định: có với hy vọng. Nếu có thể ví hòa giải như một cây, như một cây cọ cho hoa trái, thì hy vọng là dòng nước làm cho nó sinh sôi nảy nở. Niềm hy vọng này có một nguồn và nguồn này có một tên, mà tôi muốn công bố ở đây với anh chị em: Chúa Giêsu! Chúa Giêsu: với Người, sự dữ không còn là lời cuối cùng trên sự sống; với Người, Đấng đã làm cho ngôi mộ, điểm cuối của cuộc hành trình nhân loại, trở thành khởi đầu của một lịch sử mới, những khả năng mới luôn mở ra. Với Người, mọi nấm mồ đều có thể biến thành cái nôi, mọi phiền sầu thành vườn Phục Sinh. Với Chúa Giêsu, niềm hy vọng được sinh ra và không ngừng tái sinh: cho những người đã phải chịu đựng sự dữ và ngay cả cho những người đã gây ra nó. Anh chị em của phía đông đất nước, hy vọng này là dành cho anh chị em, anh chị em có quyền đối với hy vọng này. Nhưng hy vọng cũng là một quyền cần phải chinh phục. Làm cách nào? Gieo hy vọng mỗi ngày, với sự kiên nhẫn. Tôi trở lại với hình ảnh cây cọ. Tục ngữ có câu: “Khi bạn ăn hạt cọ, bạn thấy cây, nhưng người trồng cây thì đã trở về với đất từ lâu”. Nói cách khác, để đạt được những thành quả như mong đợi, người ta phải làm việc với tinh thần giống như những người trồng cọ, nghĩ đến thế hệ tương lai chứ không phải kết quả ngay lập tức. Gieo điều tốt là một việc tốt: nó giải thoát chúng ta khỏi mối bận tâm hẹp hòi của lợi ích cá nhân và trao cho mỗi ngày ý nghĩa: nó mang hơi thở cho cuộc sống và làm cho chúng ta ngày nên giống Chúa hơn, người không bao giờ mệt mỏi nhưng kiên nhẫn gieo hạt hy vọng.

Hôm nay tôi cám ơn và chúc lành cho tất cả những ai gieo hòa bình đang làm việc trong nước: những người và các tổ chức làm hết sức mình để giúp đỡ và đấu tranh cho các nạn nhân của bạo lực, bóc lột và thiên tai, những người đang sống ở đây vì mong muốn đề cao phẩm giá con người. Một số đã hy sinh mạng sống khi phục vụ hòa bình, như Đại sứ Luca Attanasio và hai người cùng bị sát hại với ông hai năm trước ở miền đông đất nước. Họ là những người gieo hy vọng và sự hy sinh của họ sẽ không bị mất đi.

Anh chị em, những người con của Ituri, Bắc và Nam Kivu, tôi gần gũi với anh chị em, tôi ôm lấy anh chị em và chúc lành cho tất cả anh chị em. Tôi chúc lành cho tất cả trẻ em, người lớn, người già, mọi người bị thương tích vì bạo lực tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đặc biệt là mọi phụ nữ và các bà mẹ. Và tôi cầu nguyện để mọi phụ nữ được tôn trọng, bảo vệ và đánh giá cao: vi phạm bạo lực đối với một phụ nữ và một người mẹ là chống lại chính Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy thân phận con người từ một người phụ nữ, một người mẹ. Chúa Giêsu, người anh em của chúng ta, Thiên Chúa của sự hòa giải đã trồng cây thánh giá sự sống trong lòng bóng tối tội lỗi và đau khổ, Thiên Chúa của niềm hy vọng, Đấng tin tưởng anh chị em, tin tưởng đất nước và tương lai của anh chị em, xin Người chúc lành và an ủi anh chị em; xin Người ban bình an cho tâm hồn, gia đình anh chị em và toàn thể Cộng hòa Dân chủ Congo.

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-02/dien-van-dtc-gap-nan-nhan-bao-luc.html
popup

Số lượng:

Tổng tiền: