Phát biểu tại buổi khai mạc Cuộc Hành hương quân nhân quốc tế lần thứ 64 tại Lộ Đức, từ ngày 24 đến 26/5 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nói ngoại giao của Toà Thánh là một nền ngoại giao phục vụ hoà bình, con người, một ngoại giao thương xót.
Vatican News
Trước sự hiện diện của các vị chỉ huy quân sự, dân sự và tôn giáo khắp nơi trên thế giới, Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng, trên trường quốc tế, Toà Thánh luôn khích lệ nhân đức “can đảm hoà bình”. Bởi vì, cần nhiều can đảm để tạo dựng hoà bình hơn là gây chiến, chiến tranh luôn là một sự thất bại. Can đảm chọn gặp gỡ hơn là đối đầu, đối thoại hơn là bạo lực, đàm phán hơn là thù địch, chân thành hơn là đạo đức giả. Tuy nhiên, đôi khi tình hình địa chính trị quá căng thẳng và phân cực đến nỗi rất khó thúc đẩy và gieo trồng hòa bình trong tâm trí và con tim. Đặc biệt là vì các nhà sản xuất vũ khí hỗ trợ và châm ngòi cho xung đột, và những tiến bộ công nghệ góp phần tạo nên một cách tiếp cận ngày càng lạnh lùng và tách biệt trước thảm kịch chiến tranh lan rộng.
Đề cập đến khía cạnh thứ hai của ngoại giao Toà Thánh, đó là phục vụ con người, Đức Tổng Giám Mục chỉ ra rằng đằng sau tất cả những xung đột, những căng thẳng, những tình huống nhân đạo bi thảm này là những con người, có tên và họ. Ngài nhấn mạnh, bằng cách đặt con người vào trung tâm các hoạt động, ngoại giao Toà Thánh tìm cách theo đuổi ơn gọi của mình, hướng đến những ai đang tìm kiếm hòa bình, phát triển và tôn trọng nhân quyền. Vai trò này không được truyền cảm hứng từ những mối quan tâm tạm thời, nhưng từ một cách tiếp cận thần học thực sự đối với ngoại giao, như một phương tiện để đạt được hòa bình, tình yêu và tình huynh đệ.
Ngài tuyên bố: “Nhờ sứ mệnh cao cả là loan báo Tin Mừng và phát huy các giá trị công lý, sự thật và sự tốt lành, Tòa Thánh đã đồng hành với các quốc gia trong việc xây dựng hòa bình và tình huynh đệ giữa các cá nhân, cũng như giữa các dân tộc. Vô tư, không quan tâm đến lợi ích cá nhân, Tòa Thánh có thể dễ dàng trở thành người hòa giải và người đối thoại hơn. Thoát khỏi mọi tham vọng chính trị, kinh tế hay quân sự, Toà Thánh có thể biến điểm độc nhất của mình thành sức mạnh và tiếng nói của mình thành la bàn hướng dẫn lương tâm vượt qua những bi kịch của thế giới này”.
Về khía cạnh thứ ba, Đức Tổng Giám mục nhắc lại, trong lịch sử Giáo hội, có nhiều tín hữu, người thánh hiến hay các chính trị gia đã thực hiện hành động chính trị hoặc ngoại giao của mình nhân danh lòng thương xót. Vì vậy, đối với Giáo hội, lòng thương xót cũng đã trở thành một phạm trù chính trị và ngoại giao, và trên hết, chính Đức Thánh Cha là người ủng hộ con đường này, cho phép đạt được hình thức công lý cao nhất bằng cách bảo vệ những gì đúng và lên án sự bất công. Khi đó sẽ có thể xây dựng những mối liên kết cá nhân và xã hội sâu sắc của con người để xây dựng nền văn minh tình yêu và cổ vũ “nền văn hóa gặp gỡ”.
Vì vậy, nền ngoại giao Toà Thánh “như đã phát triển và được Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện một cách sáng tạo”, có thể được gọi là “ngoại giao lòng thương xót”.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-05/tgm-gallagher-toa-thanh-nhan-duc-can-dam-hoa-binh.html