Giáo Hội Có Thể Ngăn Chặn Chiến Tranh Không?

Thứ Th 4,
20/09/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Vai trò cũng như sứ mạng của Giáo hội trong việc ngăn chặn chiến tranh được nhà báo Piero Damosso của đài truyền hình Tg1 nói đến trong cuốn sách “Giáo hội có thể ngăn chặn chiến tranh không?”, được nhà xuất bản nhà xuất bản San Paolo giới thiệu hồi tháng 8/2023.


Vatican News

Công lý, tình liên đới, việc chăm sóc trái đất, sự bao gồm, hay tình huynh đệ nói chung, là thông điệp hòa bình của Giáo hội, được thực hiện với sự kiên quyết mạnh mẽ bởi ĐTC Phanxicô và những vị tiền nhiệm của ngài. Một sự dấn thân đặc biệt đã khiến nhà báo Piero Damosso đặt câu hỏi: Liệu Giáo hội có thể ngăn chặn chiến tranh không?

Nội dung “cuốn sách đối thoại” này gồm hơn 50 cuộc phỏng vấn, là một cuộc điều tra của nhà báo Piero Damosso, được thực hiện sau sáu mươi năm thông điệp Pacem in terris - Hòa bình dưới thế.

Đặc biệt tập trung vào cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina, tác giả đặt câu hỏi cho hơn 50 người đối thoại và đi đến nhận thức rằng “điều đó là có thể”, được viện dẫn bởi rất nhiều lý do, trong đó đi từ chính cuộc đối thoại đến thẩm quyền của các bên tham gia, đặc biệt là Đức Thánh Cha Phanxicô, người có vai trò được nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị công nhận.

Trong một cuộc phỏng vấn với Radio Vatican - Vatican News, nhà báo Damosso khẳng định: “Ngày nay, Giáo hội là ảnh hưởng duy nhất trên thế giới thực sự có khả năng ngăn chặn cuộc xung đột ở Ucraina. Đối mặt với sự bế tắc của cuộc chiến này, Giáo hội có thể kiến tạo các mối quan hệ ngoại giao, có thể biến nó thành một điểm quy chiếu thực sự, cũng bởi vì đây là cuộc chiến giữa các Kitô hữu”.

Đối thoại và đại kết

Tác giả nhấn mạnh rằng con đường đối thoại giữa các tôn giáo và phong trào đại kết đã được Đức Gioan XXIII đón nhận trước, được bắt đầu bởi Công đồng Vatican II, được Đức Phaolô VI đón nhận (hãy nghĩ đến cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Athenagoras) và được mở rộng bởi Đức Gioan Phaolô II và từ tinh thần của Assisi, được Đức Biển Đức XVI tiếp tục và được Đức Phanxicô phát triển hơn nữa. Đại kết khi đó trở thành “ngoại giao kiến ​​tạo hòa bình” và đối thoại là mấu chốt của nó.

Ký giả Damosso nói: “Đối thoại là tiền đề cơ bản và bắt đầu từ sự công nhận lẫn nhau. Chúng ta phải có khả năng hoán cải, nếu chúng ta muốn cứu nhân loại, trước một câu hỏi rất đơn giản: người kia có phải là một người anh em hay không? Đây là sự cấp bách mà Đức Phanxicô thúc giục chúng ta với thông điệp Fratelli tutti”, và ông cảnh báo trước thực tế rằng “chúng ta đang quên đi nỗi kinh hoàng của chiến tranh”.

Cầu nguyện cũng đóng một vai trò trung tâm. Nhà báo Damosso nói: “Tôi nhắc lại, đây là cuộc chiến giữa các Kitô hữu. Đối với tất cả các Kitô hữu, việc cầu nguyện là rất quan trọng, nó thay đổi cuộc sống. Chúng ta có một truyền thống yêu kính Đức Mẹ cách đặc biệt, cả ở Nga và Ucraina. Nếu chúng ta tin tưởng hướng về Mẹ Maria, Nữ vương Hòa bình, tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm kiếm những con đường hòa bình với quyết tâm cao hơn.

Tính hiện thực của Thông điệp Pacem in terris

Chương đầu tiên của cuốn sách của nhà báo Damosso nói về thông điệp Pacem in terris - Hòa bình dưới thế -, được Đức Gioan XXIII ban hành cách đây 60 năm. Nó được định nghĩa là “Sao Bắc Đẩu” vì tính chất trỗi vượt của các chủ đề được đề cập, trong một văn bản được viết không chỉ cho các tín hữu mà còn cho tất cả những người có thiện chí. Một khái niệm, trong số nhiều khái niệm được nêu bật, mang tính thời sự cao, đó là giải trừ quân bị toàn diện. “Thông điệp kỳ diệu này làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không thể ở trong thế giới mà không có những giới hạn, và quan điểm giải trừ quân bị toàn diện này là cụ thể, đã dẫn đến sự tiến bộ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, ngày nay - tác giả thừa nhận - có vẻ như chúng ta đang đầu hàng khi đối mặt với thực tế khủng khiếp của chiến tranh. ĐTC Phanxicô đang chỉ cho chúng ta thấy Thông điệp Pacem in terris và cách đây 8 năm, khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc vào năm 2015, ngài đã cảnh báo nhân loại về việc không thể tôn trọng những giới hạn nhất định. Ngài đã phát biểu trong dịp đó về những giới hạn của quyền lực như một ý tưởng hàm chứa khái niệm về quyền”.

Đề án hòa bình và tinh thần của Helsinki

Sau khi nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của châu Âu đối với một tương lai hòa bình ở mức độ toàn cầu, bằng cách phân tích chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến của Putin và công việc cần thiết để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài, chương thứ tư nói về việc quản trị thế giới, bắt đầu từ tinh thần Helsinki. Tài liệu tham khảo là các thỏa thuận Helsinki năm 1975, giữa cuộc Chiến tranh Lạnh, sau hai năm hoạt động nỗ lực ngoại giao, Vatican được nhìn thấy là một trong những nhân vật chính và mở ra cánh cửa cho kỷ nguyên tan băng trên khắp lục địa châu Âu giữa Tây và Đông. Từ đó Tổ chức An ninh và Hòa bình ở Châu Âu (OSCE) ra đời. Ngày nay OSCE có 57 quốc gia thành viên và liên quan đến hơn một tỷ công dân.

Nhà báo Damosso kết luận: “Ngày nay, châu Âu có thể nói cùng một tiếng nói và hàng trăm ngàn người trẻ châu Âu tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon cho chúng ta thấy một trong những gương mặt đẹp nhất của lục địa, của những người làm việc vì một tương lai hòa bình”. Trong cuốn sách, tác giả nói rằng các kế hoạch hòa bình “là một vấn đề cấp bách”.

Ba người phụ nữ đối thoại

Cuốn sách cũng trình bày về ba đóng góp của những người nữ: Paola Severino, cựu bộ trưởng Cộng hòa Ý; Edith Bruck, nhà văn, người sống sót trong các trại tập trung của Đức Quốc xã và Dacia Maraini, nhà văn. Piero Damosso đã thực hiện ba cuộc phỏng vấn sâu rộng, đặt nhiều câu hỏi khác nhau, bao gồm cả câu hỏi đặt tên cho cuốn sách. “Ba người phụ nữ trong cuộc đối thoại” là tiêu đề của chương cuối.

Bà Severino nói: “Tôi nghĩ rằng Giáo hội của Giáo hoàng Phanxicô có thể làm rất nhiều để ngăn chặn chiến tranh” và nhấn mạnh cách “Giáo hoàng thể hiện lòng dũng cảm phi thường” và “chúng ta phải lấy cảm hứng từ ý chí mạnh mẽ thúc đẩy hòa bình của ngài”. Đối với bà Bruck, “Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm những gì tốt nhất có thể, ngài đang cử người đến để tạo hòa bình”, nhưng “chúng ta thấy rằng một Giáo hoàng không đủ để tạo hòa bình”. Cuối cùng, đối với bà Maraini, “Giáo hội của Đức Thánh Cha Phanxicô đang cố gắng, nhưng phải đối mặt với sức nặng của một số quốc gia” nên sự thành công của nỗ lực này “sẽ rất khó khăn”.

Hòa bình và các thỏa thuận có thể

Trong số rất nhiều nhân vật được phỏng vấn còn có nhà kinh tế học Stefano Zamagni, người đề xuất một thỏa thuận 7 điểm có thể có giữa Nga và Ucraina, hy vọng có một sự huy động của xã hội để thành lập “Liên minh vì hòa bình”, và nhà tâm lý học Franco Vaccari, chủ tịch của tổ chức quốc tế Rondine-Cittadella della pace, người có phương pháp làm việc dựa trên xác tín rằng để xây dựng các mối quan hệ, người ta không thể bỏ qua những căng thảng, là điều không bao giờ đồng nghĩa với chiến tranh. Ông Vaccari nói: “Những căng thẳng thể hiện sự khác biệt, từ đó nảy sinh sự gặp gỡ để lắng nghe và hiểu nhau, giống như các sinh viên làm ở Rondine”, một ngôi làng ở tỉnh Arezzo, nơi ngày nay có cả người trẻ Ucraina và Nga, Israel và Palestin sống cùng nhau. Đại sứ Pasquale Ferrara cũng đang đề xuất một thỏa thuận hòa bình, kêu gọi phương Tây, châu Âu xây dựng “một hệ thống cùng tồn tại mới giữa các quốc gia”. Ông Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Sant'Egidio, nhận định: “Từ ngữ ‘hòa bình’ đã bị xóa khỏi từ vựng nhưng không bị xoá khỏi mong đợi của con người”. Ông nói thêm: “Hòa bình là mục tiêu của mọi chính sách và mọi xung đột, nhưng ngày nay chúng ta có nguy cơ đánh mất chân trời này”. 

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-09/giao-hoi-co-the-ngan-chan-chien-tranh-khong.html
popup

Số lượng:

Tổng tiền: