Chúa Nhật Chúa Hiển Dung

Thứ Th 7,
05/08/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Chúa Nhật Chúa Hiển Dung. 
Lời Chúa: Đn 7,9-10. 13-14; 2 Pr 1,16-19; Mt 17,1-9
Tấm áo trắng như tuyết, như ánh sáng.


Màu trắng thường là biểu tượng cho sự tinh khiết. Mỗi lần nhắc đến màu trắng, người công giáo có thể liên tưởng đến tấm vải trắng biểu tượng trong ngày Rửa tội. Khi trao áo trắng, vị chủ sự mời gọi: “chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con.” Cùng với nến sáng, người được rửa tội mặc lấy Đức Kitô và trở nên người Kitô hữu, người con yêu dấu của Thiên Chúa. 

Trong Kinh Thánh, hình ảnh một người mặt áo trắng như tuyết được liên tưởng đến và được tìm thấy trong sách Đanien. Đoạn trích về áo trắng như tuyết đã được chọn đọc trong ngày lễ Chúa Hiển Dung hôm nay. Hình ảnh đó gắn liền với Đấng Lão Thành với những chiếc ngai. Và những chiếc ngai cùng những ngọn lửa là những hình ảnh biểu tượng cho vương quyền và vinh quang. Vương quyền và vinh quang đó đã được trao lại Người Con. Người Con đó chính là Chúa Giêsu Kitô.

Quả thế, Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay thuật lại biến cố hiển dung. Biến cố đó gắn liền với việc y phục Người trở nên trắng tinh, không chỉ như tuyết mà còn như ánh sáng. Kèm theo sự biến đổi đó là sự xuất hiện của Môsê và Êlia. Hai vị này đại diện cho Lề Luật và Tiên Tri. Trong biến cố hiển dung, y phục trắng có thể hiểu Chúa Giêsu được thừa hưởng từ Thiên Chúa Cha. Người chính là Chúa Con, là một vị vua không ngai. Tất cả những hình ảnh xuất hiện trong biến cố hiển dung như sự hòa trộn của chức vụ Tư Tế, Vương Đế và Ngôn Sứ.

Nhớ lại khi được Rửa Tội, những người tín hữu được tham dự vào ba chức vụ Ngôn Sứ, Tư Tế và Vương Đế của Chúa Giêsu. Sự hòa trộn các chức vụ này đã được miêu tả trong biến cố hiển dung của Chúa Giêsu. Khởi đi từ tấm áo trắng được thanh tẩy trắng sáng như tuyết, như ánh sáng. Mỗi người Kitô hữu cũng được biến đổi trong đời sống Đức Tin của mình cả hồn lẫn xác. 

Tấm vải biểu tượng đó có người đã thêu tên, có người gìn giữ cẩn thận. Trong một dịp lễ an táng gần đây, tấm vải trắng đó đã được phủ lên quan tài người qua đời. Người đó đã giữ gìn sự trong trắng không chỉ là biểu tượng bên ngoài mà còn cả cuộc đời nội tâm nữa.

Thế nhưng tiếc thay, chúng ta đã quên mất sự tham dự của mình vào ba chức vụ, quên mất mình đã được biến đổi. Chúng ta tưởng rằng, chỉ cần được rửa tội là đủ, là có thể được tẩy sạch mọi sự rồi. Thế là, chúng ta không giữ gìn tấm áo trắng mà để nó bị vấy bẩn, bị lãng quên. Chúng ta cũng quên mất mình có thể nhớ lại, có thể tẩy sạch bằng máu Con Chiên. Bởi lẽ, Chúa Giêsu đã đổ máu mình ra không chỉ một lần để tẩy rửa rồi thôi. Nhưng Người đã hiến tế mỗi ngày trong thánh lễ, qua Bí tích Thánh Thể.

Vậy mà sao chúng ta không biết chạy đến với Chúa mỗi ngày? Vì biến cố hiển dung không chỉ xảy ra một lần trên núi rồi thôi, nhưng biến cố ấy được thể hiện mỗi ngày. Chính khi hình bánh trắng được biến đổi trở nên Mình Thánh Chúa, những giọt rượu đỏ trở nên Máu Thánh Chúa, thì cũng là lúc Chúa Hiển Dung.

Chúa thay đổi y phục không chỉ gia tăng Đức Tin cho các môn đệ nhưng còn cho mỗi người anh chị em chúng ta. Chúa biến đổi không chỉ y phục bên ngoài của Người nhưng Người biến đổi cả con người của chúng ta. Chúng ta được biến đổi để thấy rõ một sự như lời chứng của thánh Phêrô tông đồ trong thư của ngài. Ngài đã được soi rõ như đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, như ngày bừng sáng tỏ lộ tất cả.

Nguyện ước sao, chúng ta luôn nhớ về hình ảnh tấm áo trắng ngày rửa tội. Tấm áo đó trong con mắt thường có thể không được trắng như tuyết, như ánh sáng; nhưng với con mắt đức tin tấm áo đó đã được thanh tẩy, được biến đổi. Để rồi, chúng ta biết luôn giữ gìn tấm áo trắng tinh tuyền đó. Và lỡ đâu, tấm áo đó bị lãng quên, bị vấy bẩn thì chúng ta cũng tin tưởng rằng tấm áo đó sẽ được nhắc nhớ, sẽ được tẩy sạch nhờ sự biến đổi, sự tự hiến của Chúa Giêsu. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: