Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B

Thứ Th 6,
26/04/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B
(Cv 9, 26-31; 1 Ga 3, 18-24; Ga 15, 1-8)


Thầy là cây nho, các con là nhành.” (Ga 15, 5)


Trong văn hóa Việt, lúa nước là hình ảnh gắn bó với đời sống và cảm thức của bao thế hệ người dân Việt. Từ đó, nhiều hình ảnh ẩn dụ thân thuộc về lúa nước đã đi vào trong thơ ca, văn chương, hội họa, âm nhạc. Một trong những hình ảnh ẩn dụ đẹp về lúa nước tượng trưng cho văn hóa Việt chính là tính cộng đồng, văn hóa làng xã gắn kết yêu thương. Rõ ràng, chỉ khi nhắc tới hình ảnh này, ít nhiều người dân Việt Nam cảm thấy sự kết nối. Đó là một sự kết nối vào trong tinh thần dân Việt.

Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh hôm nay, thánh sử Gioan đưa chúng ta tới một hình ảnh rất thân thuộc trong văn hóa Do Thái. Đó chính là “cây nho”. Đối với người Do Thái, cây nho không chỉ mang lại giá trị kinh tế, hay một biểu tượng trong văn hóa Do Thái, nhưng hình ảnh cây nho còn có ý nghĩa tôn giáo. Nhiều lần Kinh Thánh dùng hình ảnh vườn nho để nói về dân Ítraen (Is 5,7 ; Hs 10,1 ; Gr 2,21 ; 5,10 ; Ed 15,1-8 ; 17,3-10 ; Tv 80). Ngôn sứ Isaia nói : “Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh chính là nhà Ítraen đó !” (Is 5,7). 

Cụ thể, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ví mình là cây nho và Chúa Cha là người trồng nho, tất cả con người là những cành nho gắn liền với cây nho. Nếu khi nhắc tới hình ảnh lúa nước của dân Việt, chúng ta có một cảm thức của sự kết nối với tinh thần dân Việt, thì hình ảnh cây nho mà Chúa Giêsu ẩn dụ hôm nay đưa chúng ta vào một kinh nghiệm tôn giáo, mà cụ thể là tương quan nối kết với Chúa.

Chúa nói: “Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn…. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy…Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì”.

Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự “ở trong” –“nhành nào ở trong Thầy” – “Ai ở trong thầy và Thầy ở trong người ấy”. Hình ảnh này cho thấy một tương quan hai chiều: chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta. Chúa luôn mời gọi chúng ta ở trong Ngài. Vậy ở trong Thiên Chúa là như thế nào? Làm sao chúng ta biết chúng ta ở trong tương quan với Chúa và Chúa ở trong chúng ta?

Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, ngài đã viết: “Giới răn của Người chính là chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta.”

Vì vậy, để có thể triển nở trong tương quan với Chúa, để có thể ở lại, ở trong tình yêu của Chúa một cách thân mật, trọn vẹn, chúng ta được mời gọi giữ giới răn yêu thương của Ngài. Đó chính là mến Chúa và yêu tha nhân.

Ước mong, mỗi chúng ta tiếp tục sống đức tin của mình một cách sống động giữa đời, một đức tin gắn chặt với Chúa và lan tỏa tới tha nhân. Amen.

Sỹ Đoàn, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: