Mồng Hai: Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

Thứ CN,
11/02/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Tết Nguyên Đán – Năm Giáp Thìn
Mồng Hai: Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ
Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6
Tâm tình kính nhớ


Trong dịp tang chế, giỗ chạp, đôi khi có người nhắc đến câu ca dao: 

“Lúc sống, thời chẳng cho ăn.
Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi.”

Nội dung câu này có thể phản ánh một thực tế giả tạo mà nhiều người con cháu bày ra. Đó là lúc cha mẹ còn sống thì không biết chăm lo phụng dưỡng, tới lúc cha mẹ không còn thì khóc than, đám tang linh đình, hay lễ giỗ vô tiền khoán hậu. Nhìn một cách khác, câu ca dao này nhắc nhở về chữ Hiếu, về cách thức làm người trong tâm tình kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, còn sống cũng như qua đời. Một cách cân bằng, chúng ta không những biết sống trọn chữ Hiếu với những người đang còn sống mà còn nhớ đến những người đã về với Chúa.

Quả là thế, khi nói về ký ức hay kỉ niệm, chúng ta có thể tưởng tượng là một người đi ngược dòng sông. Có thể, người này khó có thể biết được mình đi đến đâu, nhưng người này có thể biết được con đường từ đâu mà mình đến. Chính con đường này nhắc nhớ mỗi người về cội nguồn của mình để rồi biết được mình sẽ đi đâu về đâu. Đây có thể là một trong những tâm tình kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã về với Chúa của người công giáo Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Ngược dòng với những kỉ niệm, tác giả sách Huấn Ca mời gọi mỗi người hãy ca ngợi những vị danh nhân, là tổ tiên ông bà qua các thế hệ. Bởi lẽ, các ngài là những vị đạo hạnh và công đức của các ngài không bao giờ bị lãng quên. Những công đức các ngài để lại là lũ cháu đàn con và đời sống trung thành theo giao ước. Có thể nói, các ngài đã chết về mặt thân xác nhưng vẫn còn sống trong tâm tình kính nhớ của mọi người

Tâm tình kính nhớ đã được trình thuật trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, khi Chúa Giêsu trả lời chất vấn của người Pharisêu và mấy kinh sư. Chúa khẳng định và cũng nhắc nhở mọi người rằng, điều răn của Thiên Chúa cần được tuân giữ và không thể dựa vào truyền thống mà vi phạm. Truyền thống cần được hiểu là lời của tiền nhân hay là những lời dạy tỉ mỉ của giới lãnh đạo Do Thái. Truyền thống đó không thể đảo lộn giá trị mà được coi ngang hàng hay vượt qua các điều răn. Một trong các điều răng chính là “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.”

Để làm rõ hơn lời dạy của mình, Chúa Giêsu đã nhắc đến truyền thống hay lời dạy dâng lễ phẩm thay vì giúp đỡ trực tiếp cho mẹ. Chính vì làm theo hành động này đã tạo nên lối sống đạo đức giả, một lối sống quan trọng danh tiếng, tổ chức bề ngoài mà quên mất nội dung bên trong. Điều này đòi buộc một sự cân bằng được thể hiện trong đời sống giữ trọn chữ Hiếu cho người sống lẫn người đã về với Chúa. Vì tất cả đều đang sống dù trong thân xác thể lý hay trong k‎ý ước của mọi người.

Để thực hiện điều đó, thánh Phaolô dạy chúng ta hành động trong bổn phận làm con cháu. Đó là vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa vì đó là điều phải đạo. Mỗi người con cháu hay tôn kính ông bà tổ tiên qua lối sống hạnh phúc bình an lâu dài. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở về bổn phận làm ông bà cha mẹ. Đó là sống dung hòa với con cháu, tránh sự tức giận, nhưng biết cách giáo dục khôn ngoan. Vì ông bà cha mẹ được thay mặt Chúa mà khuyên răn, sửa dạy con cháu.

Nguyện ước sao, trong dịp năm mới này, chúng ta ý thức được cha mẹ đang còn sống là một phúc lành để rồi chúng ta biết sống trọn chữ Hiếu với các ngài. Còn những ai không còn cha, đã mất mẹ, chúng ta cũng hy vọng trong niềm tin thác rằng các ngài đã về với Chúa và sẽ sống mãi trong lòng con cháu. Và chữ Hiếu được thể hiện khi chúng ta không giết các ngài một lần nữa khi lãng quên các ngài. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: