Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm A

Thứ Th 7,
25/02/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm A

 St 2,7-9; 3,1-7; Rm 5, 12-19; Mt 4,1-11
Con Người vượt qua cám dỗ!!!


Mùa Chay đã bắt đầu từ ngày Thứ Tư Lễ Tro. Từ đó, một hành trình chay thánh 40 ngày bắt đầu để giúp người tín hữu chuẩn bị bước vào Sự Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Hành trình đó được Đức Thánh Cha mời gọi hãy sống khổ chế. Khổ chế để nhận ra những dục vọng làm đổ vỡ những mối tương quan; để sống trong tương quan với Chúa, với anh chị em và với chính mình.

Tương quan đó đổ vỡ và đã được nhắc đến trong bài đọc I, khi con người nghe theo dục vọng mà không vâng lời Thiên Chúa. Khởi đi từ trình thuật tạo dựng, con người đã được Thiên Chúa ban cho sự sống và được đặt trong môi trường tốt nhất. Trong đó, hình ảnh cây biết điều thiện điều ác được dùng để biểu thị sự tự do lựa chọn của con người. Chính khi con người lựa chọn hành động theo dục vọng thì cũng là lúc con người bẻ gãy các mối tương quan, đã mất đi tự do thực sự.

Tự do thực sự đó được Chúa Giêsu khẳng định là giữ vững mối tương quan với Thiên Chúa. Chúa đã giữ vững nhờ 40 ngày ăn chay. Vì mang thân phận con người, Chúa Giêsu cũng đối mặt với những ước muốn như bao người khác. Người cũng đói, nhưng Người được no đầy bởi lời Chúa chứ không phải thỏa mãn bởi bánh ăn. Người cũng muốn thể hiện mình, nhưng Người để cho Ý Cha được thực hiện chứ không phải ý riêng mình. Người cũng muốn uy quyền, nhưng quyền năng của Người là phục vụ chứ không phải để người ta phục vụ. 

Cuộc sống có quá nhiều điều giúp con người tự yêu mình một cách sai lạc. Một cuộc sống hưởng thụ, một cách sống thực dụng, một xã hội tiêu thụ đang dần dần ru ngủ con người. Nhiều người chúng ta không còn cảm thấy mình bị cám dỗ gì nữa. Tương quan dường như chỉ là để lợi dụng nhau chứ không phải để gắn kết trong tình yêu đồng loại. Thế là, con người mất đi các mối tương quan mà không hề hay biết gì nữa.

Vì thế, tâm tình Mùa Chay mời gọi chúng ta nhìn lại các mối tương quan của mình trong tinh thần khổ chế. 

Khổ chế để không đắm mình vào sự thỏa mãn bản thân. Chúa muốn chúng ta âm thầm làm việc bác ái nhưng chúng ta lại muốn khoe trương công đức của mình. Người nghèo bỗng trở nên miếng mồi ngon cho chúng ta thể hiện ham muốn thể hiện của mình.

Khổ chế để nhận ra mình cần đang chạy theo ý riêng mình mà quên mất Ý Chúa. Chúa muốn chúng ta âm thầm cầu nguyện nhưng chúng ta lại muốn thể hiện, muốn cho cả thế giới biết mình đang cầu nguyện. Thế là, chúng ta tạo ra hòa nhoáng bên ngoài mà tâm hồn vắng Chúa.

Và khổ chế là để nhận ra mình yếu đuối như thế nào. Vì nhiều khi, quyền lực chỉ làm cho chúng ta xa nhau, chỉ là chúng ta đàn áp nhau. Còn lời dạy của Chúa là tinh thần yêu thương phục vụ, chỉ cúi đầu trước Chúa chứ không cúi mình trước quyền lực thế gian.

Chúng ta còn đó những yếu đuối trong đời, khởi đi từ tổ tông loài người. Nhưng chúng ta thật đầy ân sủng vì có Chúa ở cùng, vì Con Thiên Chúa đến cứu chuôc. Thánh Phao lô đã khẳng định, vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

Ước mong sao, mỗi người đều được trở nên công chính nhờ biết nhận ra các mối tương quan đang dần bị bẻ gãy và mau chóng trở về cùng với Chúa. Amen.

Lm. J.D. Nguyễn Ngọc Tân C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: