Thứ Th 7,
17/02/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B
Lời Chúa: St 9, 8-15; 1 Pr 3, 18-22; Mc 1, 12-15
Năm 2019, trước khi chính thức trở thành một tu sĩ Thương Khó qua lời khấn dòng, tôi bước vào tĩnh tâm 28 ngày và được chia làm 4 tuần. Tuần thứ nhất, tôi cám thấy rất thích thú, rất hào hứng cho đợt tĩnh tâm dài này. Cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn, đọc kinh, cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ. Tôi được mời gọi không nói chuyện khi không cần thiết, không dùng mạng xã hội, không làm những thứ không cần thiết trong 28 ngày đó. Nhiều điều này nhằm tôi giúp đi vào tương quan với Thiên Chúa cách mật thiệt hơn.
Tuần thứ nhất trôi qua rất sốt sáng. Tuy nhiên, tuần thứ hai tôi bắt đầu cảm thấy khó khăn. Tâm trí mình bắt đầu náo động. Nhiều cảm xúc, nhiều suy nghĩ tiêu cực tới khiến tôi chia trí. Tuần thứ ba, cảm giác chán nản tràn ngập tâm trí tôi. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải chiến đấu với những cám dỗ. Những suy nghĩ như bỏ đọc kinh, bỏ cầu nguyện, ngủ nhiều hơn, làm điều mình muốn đến với mình càng lúc càng nhiều. Lúc đó tôi nhận ra mình yếu đuối thế nào. Tuần thứ 4, tôi thấm thía hành trình theo Chúa chưa bao giờ dễ dàng. Hành trình này không thể chỉ vì một chút hào hứng ban đầu, một sự thích thú nhất thời. Nhưng hành trình này cần sự nghiêm túc nỗ lực, cần hi sinh và cần bám chặt vào Chúa nhiều hơn.
Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay, thánh Máccô đưa chúng ta vào câu chuyện tĩnh tâm 40 ngày của Chúa Giêsu. Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đã lui vào nơi thanh vắng trong sa mạc 40 ngày để ăn chay và cầu nguyện, chịu ma quỷ cám dỗ. Tại sao Chúa vào sa mạc thanh vắng để ăn chay cầu nguyện và chịu sự cám dỗ?
Khi nhắc tới sa mạc, cảm giác đầu tiên mà chúng ta liên tưởng tới là nơi bao phủ bởi thinh lặng. Trong Kinh Thánh, sa mạc là nơi “khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước” (Đnl 8:15). Đây còn được xem là nơi của ma quỷ (Is 13,21), nơi của thử thách (thử thách về đức tin, về sự trung thành với Thiên Chúa) (Đnl 6-8). Tuy nhiên, sa mạc cũng là nơi được Thiên Chúa ủi an, chăm sóc (1K 19:4, Kh 12,6), nơi hi vọng một sự sống mới, một tương lại mới, một điều gì đó tốt đẹp hơn.
Như vậy, Chúa Giêsu đã lui vào sa mạc là nơi của thinh lặng, của nghèo đói. Ở đó, Chúa Giêsu để mình bị tước đoạt mọi sự nâng đỡ vật chất, và phải đối diện với những vấn đề cơ bản của con người. Nhưng, trong vâng phục và trung tín, Chúa Giêsu đã đi vào hoang địa để chịu thử thách. Đây là một cuộc thử thách mà Chúa Giêsu sẵn sàng đón nhận với sự tín thác trọn vẹn vào thánh ý của Chúa cha, thử thách dành cho Con Thiên Chúa.
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay Thánh, từ kinh nghiệm của Chúa Giêsu, việc Chúa vào sa mạc để cầu nguyện và chịu những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng ý thức rằng đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thoả mãn những khao khát của thể xác và để những nỗi thèm thuồng vật chất có chỗ trong tâm hồn thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ của ma quỷ. Chính hình ảnh “sa mạc” và “tên cám dỗ” là những biểu tượng cho thấy không có gì đảm bảo cho một cuộc sống dễ dàng nhưng chúng ta luôn phải đối mặt những sự dữ, những cám dỗ. Cám dỗ luôn ở gần kề, xuất hiện lặp đi lặp lại và chờ thời cơ để cám dỗ khi chúng ta yếu đuối và “không tỉnh thức”.
Vậy Mùa Chay Thánh này chúng ta được mời gọi sẵn sàng để chiến đấu. Chúng ta hãy biết tìm kiếm sức mạnh, sự khôn ngoan và sự dẫn dắt nơi Đức Kitô để vượt qua cám dỗ trong cuộc sống của mình. Đồng thời, cám dỗ thường xuất phát từ chính sự tự kiêu, lòng kiêu ngạo. Cho nên, chúng ta được mời gọi dddons nhận những giới hạn cũng như điều kiện sống của mình với một tâm tình phó thác đời mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Cuối cùng, Thiên Chúa cũng sẽ không bỏ rơi chúng ta, nhưng Người luôn sai Thánh Thần Chúa hướng dẫn và chăm sóc chúng ta, nhất là dẫn dắt chúng ta theo đường hướng, theo Thánh ý của Thiên Chúa. Như ý nghĩa thực sự của Thánh Vịnh 91, phần thưởng cho sự tin tưởng trọn vẹn trong câu: “ai tuân theo thánh ý Thiên Chúa, sẽ biết rằng trong mọi cơn khủng hoảng, mình sẽ không bao giờ mất sự che chở cuối cùng của Thiên Chúa.”
Sỹ Đoàn, C.P.