Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C

Thứ Th 7,
30/11/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C
Lời Chúa: Gr 33,14-16. 1 Tx 3,12-4.2. Lc 21,25-28. 34-36

Thức mà không tỉnh, cầu mà chẳng nguyện

Chuyện về các cha dòng hay được các cha xứ mời đến chia sẻ mục vụ qua các thánh lễ. Vì có nhiều lúc cha xứ bận, nên cha dòng lại có dịp đến thường xuyên. Nhiều người thấy cha dòng đến lại đùa vui rằng, cha lại đến ạ? Vâng, chuyện cha lại đến như chuyện của Chúa đã, đang và sẽ lại đến vậy! Như khởi đầu của năm phụng vụ, niềm hy vọng với sự tỉnh thức và cầu nguyện được nhắc đến. Thái độ và tâm tình này được nhắc đến để giúp mỗi người nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này, một cuộc đời còn lắm tang thương, xung đột, chiến tranh, loạn lạc. Có lẽ vì thế, một cha suy niệm rằng đây đó nhiều người thức mà không tỉnh, hay ngược lại, nhiều người tỉnh mà không thức?[1] Phải chăng có thể thêm vào câu “cầu mà chẳng nguyện, hay nguyện mà chẳng cầu?”

Dựa theo tư tưởng suy niệm, thức mà không tỉnh nghĩa là mê: mê lầm, mê muội, mê đắm mà chạy theo danh lợi thú mà mê đến nỗi quên tất cả. Những người mê này “quên cả Chúa, quên cả người, quên cả bà con ruột rà anh em và nhất là quên cả nhân cách, quên luôn cả linh hồn mình.” Ngược lại, tỉnh mà không thức có thể gọi là ‘ngơ,’ ngơ không ao ước và thực hiện điều lành phúc đức. Ngơ cũng bởi vì sợ phải cố gắng, phải hy sinh, phải bỏ mình.  

Như thế, cầu mà không nguyện thì như con vẹt, chỉ lặp đi lặp lại những câu chữ, những lời kinh mà chưa để những lời đó thấm nhập vào lòng mình. Như có người xin nghỉ xả hơi khi cãi nhau để đi nhà thờ vậy. Còn nguyện mà không cầu thì như con rồng, chỉ nằm trong tư tưởng, chỉ đáng để chiêm ngưỡng mà dường như không có lợi ích gì nhiều trong thực tế. Ví như đức tin cần đi liền với hành động với việc làm cụ thể vậy.

Qua một chút tâm tình, tỉnh thức và cầu nguyện bổ sung cho nhau như thế, mỗi người được nhắc nhớ về giao ước của Thiên Chúa với dân người. Giao ước đó là một điều tốt lành xảy ra trong lịch sử cứu độ như đông qua xuân đến, muôn vật đâm chồi nảy lộc, thì một chồi non cũng xuất hiện đem lại sự sống, đem lại niềm hy vọng cho muôn người. Mỗi người sống trong tâm tình tỉnh thức và cầu nguyện nhận ra rằng, chồi non này chính là Đấng Công Chính, là Đấng thi hành điều công bình chính trực. Đấng ấy sẽ cứu thoát muôn người và dẫn đưa về một lối sống an cư lạc nghiệp. Đây là Đức Chúa Công Chính Của Chúng Ta mà muôn dân vẫn hằng mong chờ.

Trong sự mong chờ Đấng Công Chính này, nhiều người sẽ nhận ra những điềm thiêng dấu lạ, những điều bất chính vẫn cứ xảy ra trong cuộc đời. Chính những điều như biển gào sóng thét này khiến con người lo lắng hoang mang sợ hãi, hồn siêu phách lạc. Dường như con người đang rơi vào cảnh đảo điên, không lối thoát, không biết đi đâu về đâu. Chính lúc này, mỗi người mà đặc biệt là các tín hữu công giáo được mời gọi giữ vững niềm trong cậy của mình. Niềm trông cậy này được thể hiện qua sự đứng vững và ngẩng cao đầu, không phải là quỳ gối, gục ngã hay bay bổng, lơ lững. Một tư thế vững vàng trên đôi chân và sẵn sàng đón đợi tất cả.

Đây cũng là thái độ mà thánh Phaolô nhắc đến khi mời gọi mỗi người hãy luôn sống trong tình thương đậm đà thắm thiết để luôn bền tâm vững chí mà trở nên thánh thiện, không gì đáng chê trách. Lối sống này không phải chỉ được thực hiện ngày một ngày hai, những là mỗi ngày để tấn tới nhiều hơn, để đẹp lòng Chúa mỗi ngày mỗi hơn. Một lối sống không chỉ mê đắm hay lơ ngơ, một tâm tình không như con vẹt cũng chẳng phải con rồng, mà luôn tỉnh thức và cầu nguyện.

Nguyện ước sao, mỗi người anh chị em chúng ta đều nhận ra Chúa đã, đang và luôn đến trong cuộc đời của chúng ta mỗi ngày, để rồi tự vấn, Chúa đang ở đâu trong cuộc đời tôi, tôi có nhận ra Chúa đang bên cạnh tôi không, và tôi sẽ làm gì để đón Chúa mỗi ngày? Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.


popup

Số lượng:

Tổng tiền: