Thứ CN,
25/02/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Chay Năm B
Lời Chúa: St 22,1-18; Rm 31b-34; Mc 9,2-10
Trong đại gia đình, khi có một em bé chào đời, dường như tất cả đều vui mừng hoan hỉ vì có thêm sự sống mới, một thành viên mới. Thành viên đó lại đặc biệt thêm nếu đó là bé đầu tiên, và có thể nói bé này là người con, người cháu duy nhất rất yêu dấu. Điều này được nhận thấy rõ trong các gia đình có người con một.
Hình ảnh người con một yêu dấu cũng được nhận ra trong trình thuật của sách Sáng Thế nhưng với một bối cảnh đầy thử thách. Một Thiên Chúa thưởng phạt công minh đã được khắc họa với việc thử lòng ông Ápraham. Chúa thử để biết lòng tín trung của ông chứ không phải là ác tâm đòi buộc người con một của ông. Quả thế, Thiên Chúa đã gọi ông Ápraham và ông đã đáp lời. Chúa đã xác định đứa con của Ápraham là đứa con một yêu dấu. Xét theo bối cảnh tuổi già của ông thì Ixaác là đứa con thừa tự duy nhất. Đứa con này là toàn bộ gia tài về vật chất cũng như tinh thần của ông.
Với Ápraham, ông đã chẳng tiếc vì vâng lời Thiên Chúa mà xuống tay. Nhưng kết quả Chúa đã tiếc và không đòi buộc lấy đi sự sống người con một yêu dấu của Ápraham. Vì Đức Tin và quyết định dứt khoát của Ápraham, Thiên Chúa đã nhắc lại lời hứa của Người và thực hiện lời hứa đó. Ápraham đã trở nên cha của các kẻ tin và cho dòng dõi của ông đông như sao trên trời, như cát ngoài biển. Có thế nói, Thiên Chúa được khắc họa là một vị Thiên Chúa muốn biết lòng người và chủ động thiết lập giao ước.
Vị Thiên Chúa này cũng đã được nhắc đến trong Tin Mừng như là một người cha đầy lòng yêu thương dành người con của mình. Người Cha này đã xuất hiện và xác nhận, Chúa Giêsu chính là Người Con Ta yêu dấu. Chúng ta có thể hiểu thêm nhờ lời giải thích theo thánh Mátthêu là người con đẹp lòng Chúa Cha (Mt 17,5) hay theo thánh Máccô là người được tuyển chọn (Mc 9,35). Điều này nhắc nhớ lại biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa và Chúa Cha cũng đã xác nhận rằng Chúa Giêsu là Người Con Yêu Dấu và Chúa Cha hài lòng về Người.
Chính vị Thiên Chúa thấu tỏ tâm hồn và giàu lòng yêu thương đã chủ động đòi buộc chính Con Một của Người là Chúa Giêsu. Một sự đòi buộc được tính bằng cả mạng sống. Như lời thánh Phaolô, “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.” Quả thế, Người Con Một Thiên Chúa đã đón nhận xuống thế làm người, trải qua hành trình dương thế, bước vào cuộc Thương Khó và rồi Phục Sinh vinh hiển.
Như một phép so sánh, người tín hữu có thể hiểu Chúa đòi buộc, thử thách để hiểu thâm tâm con người và Người dừng lại ở giới hạn của họ. Chúa biết và luôn yêu thương con người nên không bao giờ đòi buộc điều gì quá sức. Về phần mình, Thiên Chúa không có giới hạn mà trao ban vô bờ bến, trao ban đến tận cùng. Người đã trao ban chính Người Con Một yêu dấu của Người. Vì lẽ đó, Thiên Chúa được khắc họa trong thư gởi tín hữu Rôma là một Thiên Chúa luôn ở cùng và yêu thương con người.
Nếu Thiên Chúa giàu lòng luôn yêu thương con người đã không tiếc Người Con Một yêu quí nhất thì có gì mà Chúa không thể ban tặng cho con người? Câu trả lời là không có gì mà Chúa không thể. Đó cũng là câu trả lời đem lại hy vọng cho mỗi người tín hữu.
Trong niềm hy vọng đó, Kitô hữu nhận ra rằng, mình cũng là người con yêu dấu của Thiên Chúa. Chỉ khác là, mỗi người đang trong hành trình trở nên đẹp lòng Chúa mỗi ngày một hơn. Như người nghệ sĩ nhận ra tác phẩm nghệ thuật từ một khúc gỗ sần sùi mà không ngừng chạm khắc, Thiên Chúa cũng không ngừng mời gọi mời gọi mỗi người được huấn luyện để trở nên hình ảnh Chúa mỗi ngày một hơn.
Nguyện ước cho hành trình Mùa Chay luôn là cơ hội thuận tiện để mỗi người chúng ta gột bỏ những gì không cần thiết, những gì che lấp đi hình ảnh Chúa. Và với niềm tin cậy mến, mỗi người sẽ nhận ra Chúa chắc tiếc gì mà trao ban tất cả cho con người để rồi con người cũng tận hiến cho Chúa. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.