Thứ CN,
10/12/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II-Mùa Vọng-Năm B
Lời Chúa: Is 40,1-5.9-11; 2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8
Những tiếng gọi trên con đường bình an!
Có bao giờ chúng ta thức dậy sau một đêm mưa gió, bỗng thấy cây cối ngã đổ, che chắn lối đi không? Nếu trường hợp đó xảy ra, chúng ta dường như hành động ngay lập tức là dọn dẹp cho sạch lối đi. Chúng ta muốn con đường vào nhà mình sạch sẽ, rộng mở và sẵn sàng cho những vị khách đến nhà. Từ hành động đó, nếu chúng ta dừng đủ thì sẽ cảm nhận được một tiếng nói trong mình. Tiếng nói đó mời gọi chúng ta hãy mở đường, hãy dọn đường để đón chờ một vị khách đặc biệt đến viếng thăm.
Nhận định về tiếng nói, tác giả sách ngôn sứ Isaia đã thuật lại hai tiếng nói khác nhau. Một tiếng nói là lời Chúa phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta.” Một tiếng nói như tiếng mời gọi ngọt ngào khuyên bảo, một tiếng nói mang lại sự an ủi bình an. Rồi có tiếng nói khác không rõ ràng đến từ ai, đó là tiếng hô trong sa mạc. Một lời mời gọi mở một con đường cho Đức Chúa, không phải nơi thành thị xa hoa, nhưng là nơi đồng hoang cỏ cháy. Đây là một con đường đặc biệt đi vào trong lòng người.
Bối cảnh bài đọc dường như có sự trao đổi giữa hai tiếng nói. Một bên là lời phán dạy người loan báo Tin Mừng hãy trèo lên núi cao, hãy cất tiếng mạnh mẽ mà không sợ hãi. Hãy công bố Đức Chúa đang ngự đến quang lâm hùng dũng, Người nắm giữ một sự như một Đấng Cứu Độ. Bên khác như đang lắng nghe và cảm nhận. Người ngự đến cũng là một mục tử nhân lành luôn chăn giữ đàn chiên của Chúa. Người ra tay quy tụ, bảo vệ, ấp ủ và tận tình chăn dắt. Đây cũng là sự bình an thật sự của dân Thiên Chúa khi nương ẩn trong vòng tay đầy uy quyền và cũng giàu tình thương của Thiên Chúa.
Những tiếng nói ủi an, khuyên giải này được chứng thực trong đoạn khởi đầu Tin Mừng theo thánh Máccô. Tiếng gọi trong hoang địa được xác nhận là đến từ Gioan Tẩy Giả. Đây là tiếng gọi chuẩn bị con đường cho người đến sau là Chúa Giêsu Kitô. Tiếng gọi đó được đưa đến việc thực hành khi mọi người lắng nghe và tỏ lòng sám hối. Mọi người từ khắp mọi miền đã đến thú tội và được Gioan làm phép rửa trong sông Giođan. Phép rửa này đã được thực hiện bằng nước với lời mời gọi mong chờ Đấng làm phép rửa bằng Thánh Thần. Đấng đó không ai khác mà chính là Đấng Cứu Thế, Đấng xóa tội trần gian.
Tin tưởng vào điều này, người tín hữu sẽ không thiếu phản tỉnh về tiếng gọi trong lòng mỗi người. Liệu rằng mình có thật sự nghe được tiếng lòng với sự an ủi và khuyên giải để giao hòa? Hay mình vẫn còn đó những thắc mắc những thung lủng, những núi đồi, hay những chốn gồ ghề cần được lấp đầy, cần được bạt xuống, cần được san phẳng không?
Thánh Phêrô trong thư thứ hai đã nhắc nhở mỗi người tín hữu đừng vội quên về nghịch lý thời gian của Chúa. Đối với Chúa ngàn năm hay một ngày đều có thể sánh ví với nhau. Vì thế, nhiều người có thể than thở vì sao Chúa chậm trễ, vì sao Chúa không thực hiện lời hứa. Và rồi, người kiên nhẫn sẽ nhận ra Chúa vẫn luôn đời chờ. Chúa muốn tất cả mọi người đều ăn năn hối cải và được cứu độ.
Thế nhưng, sự đợi chờ của Thiên Chúa đôi khi lại nằm trong nghịch lý thời gian. Nghịch lý này được thể hiện khi ngày của Chúa đến rất bất ngờ. Ngày đó như kẻ trộm đến mà không chủ nhà nào biết được. Do đó, mỗi người tín hữu được mời gọi hãy chuẩn bị con đường. Một con đường được xây dựng bằng đời sống đạo đức và thánh thiện, một con đường để Chúa đến trong đời mình. Con đường đó cũng có thể là lối dẫn cho mỗi người tiến về trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.
Ước mong sao, mỗi người anh chị em chúng ta sẽ luôn biết lắng nghe tiếng Chúa và tiếng lòng mình để luôn biết sống mong đợi. Đời sống mong đợi bình an đó được thể hiện là luôn tinh tuyền thánh thiện và cũng như không có chi đáng trách khi chúng ta ra diện kiến Chúa. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.