Thứ Th 7,
06/04/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: Cv 4:32-35; 1 Ga 5:1-6; Ga 20:19-31
Sự sống từ thân xác đầy thương tích
Một câu chuyện về cậu bé lấy đinh đóng vào cây như là một trò chơi. Khi bắt gặp cậu làm như thế, cha cậu đã yêu cầu cậu nhổ những cái đinh ra. Sau một thời gian, hai người cùng đến thăm lại cái cây đó thì nhận ra những thương tích trên cây đang dần hồi phục nhưng vẫn còn đó những dấu ấn. Từ đó, cậu bé học biết rằng không nên làm tổn thương người khác vì dù có được chữa lành thì dấu ấn của thương tích vẫn còn đó.
Cũng học từ bài học này, liệu rằng chúng ta có thầm nghĩ về những thương tích trên thân thể Chúa Giêsu không? Người đã không những mang lấy những dấu đinh mà còn cả cạnh sườn bị đâm thâu nữa. Chính từ những thương tích đó, máu và nước đã chảy ra như là dấu chỉ của sự sống, một sự sống mới của chứng nhân và trao ban.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ với một thân thể đầy những thương tích. Người đã không ngần ngại chia sẻ và mời gọi các môn đệ đụng vào những thương tích đó. Điều này xem ra rất đặc biệt vì chỉ có Chúa Giêsu cũng như một số những người đã hồi phục các thương tích mới có thể làm được. Bởi lẽ, những người mang trong mình thương tích hay những người bị tổn thương không dễ dàng gì chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Điều này đòi hỏi nhiều nổ lực đầy cản đảm. Cùng với đó, những giọt lệ thường tuôn rơi khi chia sẻ những câu chuyện đầy những tổn thương này.
Trong bối cảnh của những kinh nghiệm đón nhận tổn thương, chúng ta có thể thử đặt câu chuyện hiện ra của Chúa Giêsu và hiểu hành động của Người rất có giá trị. Việc Chúa hiện ra với những dấu tích tổn thương cho thấy Phục Sinh không có nghĩa là xóa bỏ tất cả những gì đã xảy ra trong Sự Thương Khó. Đúng hơn, một thân thể phục sinh hoàn hảo lại có những thương tích. Những dấu tích tổn thương lại là chứng tích Chúa Giêsu đã thật sự trỗi dậy từ cõi chết. Để rồi, chính Tôma, một môn đệ cứng lòng tin khi gặp thân thể này đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 21:28).
Như thế, Chúa Giêsu đã không chối bỏ những thương tích. Người lại còn hiện diện luôn mãi trong thế gian. Một thế gian đầy rẫy những thương tổn vì thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh. Một thế gian còn đó bao nhiêu người bị tổn thương vì mất gia đình, mất nhà cửa và mất cả quốc gia. Diễm phúc thay, một số người tìm được một gia đình, một mái âm mới. Nhưng những sự kiện gây tổn thương vẫn còn khắc ghi trong lòng mỗi người. Còn đó biết bao người mang lấy sự tổn thương trong mình và tiếp nối chúng trong các gia đình cũng như các thế hệ về sau.
Trong bối cảnh cộng đoàn Gioan, tổn thương đến từ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Một học giả đã bình luận, tổn thương là một vết thương hở, một kinh nghiệm về sự chết vẫn chưa kết thúc. Học giả này giới thiệu Tin Mừng của Kitô giáo cho những ai đã và đang trãi nghiệm tổn thương. Đây là một trãi nghiệm không chỉ dừng lại ở thập giá hay phục sinh những là một sự biến chuyển giữa hai biến cố này. Và như thế, cái chết và phục sinh không thể bị tách rời như hai mặt của một đồng tiền.
Nhưng một kinh nghiệm về Thánh Giá, nhiều người vẫn kiên tâm nên ‘thánh’, muốn thuộc về Chúa mỗi ngày nhưng quên mất còn phải trả ‘giá’. Một hay nhiều cái ‘giá’ như là một phần tất yếu của đời sống con người trong trần gian này. Những cái ‘giá’ đã tạo nên những khoảng trống, những tổn thương trong đời nhiều người. Những tổn thương dẫu có được chữa lành thì vẫn còn đó những dấu vết.
Từ những vết thương đó, mỗi người chúng ta có thể nhận ra mình đang thuộc về một gia đình, một cộng đoàn bị tổn thương. Mỗi người dường như vẫn mang trong mình những kinh nghiêm thương tổn mà nhiều lúc thật khó để có thể sẻ chia hay sống cùng với chúng. Nhưng rồi chúng ta cũng nhận ra, Chúa đã chết và sống lại cho tất cả mọi người. Người mang lại sự sống mới, sự sống tròn đầy cho chúng ta.
Vậy thì sao chúng ta không đến với Chúa và đến với nhau qua chính những tổn thương của mình để rồi được chữa lành, được tròn đầy bằng chính cơ thể mang nhiều thương tích của Chúa Phục Sinh? Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.