Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm A

Thứ Th 7,
15/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm A
Cv 2,42-47; 1 Pr 1,3-9; Ga 20,19-31
Hợp nhất nơi cạnh sườn


Sự hợp nhất có thể được hiểu theo nhiều ý tưởng khác nhau. Sự hợp nhất có thể được hiểu trong nghĩa tương phản là không chia rẻ, hay được hiểu theo kiểu hoàn toàn giống nhau như đồng phục. Một ý nghĩa khác, sự hợp nhất là cùng nhìn về một hướng, cùng chung chia, cùng thu góp từ sự đa dạng của sự khác biệt. Nếu thế, hướng nhìn của người Kitô hữu là cạnh sườn bị đâm thâu, đón nhận Lòng Thương xót từ mạch nước vọt ra từ cạnh sườn của Đấng đã chết và sống lại, hiệp thông với nhau trong một tấm bánh Thánh Thể. 

Trong bài đọc I, tác giả sách Công vụ Tông đồ diễn tả sự hợp nhất của cộng đoàn tín hữu sơ khai. Các Tông đồ thì chăm lo giảng dạy, các tín hữu thì chăm chú lắng nghe, cùng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện. Và không dừng lại ở đời sống thiêng liêng, các tín hữu hợp nhất cùng thu góp mọi sự làm của chung. Tất cả đồng tâm nhất trí với nhau trong tinh thần đơn sơ vui vẻ khi đặt Thánh thể qua Thánh lễ làm trung tâm sinh hoạt. Qua đó, cộng đoàn sơ khai đã thực hiện lời thầy Giêsu trong bữa tiệc ly là làm những việc đó mà nhớ đến Người.   

Quả thế, sau sự Thương Khó, các môn đệ vẫn còn sống trong sự hãi; nhưng điều đó mau qua đi khi mọi người gặp Chúa Giêsu, đụng chạm đến thân xác Phục Sinh của Người. Thân xác đó vẫn có những dấu đinh, có cạnh sườn bị đâm thâu. Điều đó nhắc nhớ các môn đệ về Nước và Máu đã tuôn trào ra từ thân thể Chúa Giêsu. Và đó không chỉ là một hình ảnh biểu tượng mà sự thật, Chúa đã trao ban tất cả, trao ban đến những giọt nước và máu cuối cùng từ trong trái tim. Chính từ đó biểu lộ Lòng Thương Xót Chúa và mang lại sự vững tin cho những ai chiêm ngắm.

Chiêm ngắm ảnh tượng lòng Thương Xót Chúa, mỗi người anh chị em chúng ta có thể dễ dàng trãi nghiệm dấu chỉ Máu và Nước cùng dấu chỉ ban bình an. Điều đó không chỉ giúp chúng ta cảm nghiệm được sự bình an đến từ Chúa và còn nhớ đến cái chết đau thương của Người trên thánh giá. Đó cũng là điểm mời gọi chúng ta luôn quy chiếu về trong tinh thần hợp nhất yêu thương.

Vậy mà sao chúng ta còn chia rẽ? còn sống cho riêng mình?

Phải chăng vì mỗi người còn giới hạn trong tư tương và tầm nhìn vì chưa lên cao, chưa đi xa? Phải chăng chúng ta chỉ gói gọn trong vỏ bọc an toàn tạm thời? Phải chăng trái tim của chúng ta còn chai đá mà chưa đón nhận sự đâm thâu để trao ban?
Dường như đó là thực tế của đời sống con người khi bị vây bủa bởi những tư tưởng, lợi ích nhóm mà ẩn đằng sau là lợi ích cá nhân. Chúng ta lầm tưởng mình đang an toàn nhưng thực tế lại rất bất an, không niềm hy vọng vào tương lai. Trái tim của chúng ta ngày càng bị chai đá mà thiếu đi sự rung động, thiếu đi sự cảm thông chia sẻ. Sống trong bối cảnh đó, con người như sống giữa trăm chiều thử thách.

Nhận ra sự chia rẻ, bất đồng, chúng ta thường thấy mình chán nản, bất an. Nhưng nhờ vào Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta được mời gọi có một thái độ vui mừng và bình an. Vui mừng vì chúng ta còn biết nhận ra được những biến đổi đang xảy ra. 
Những biến đổi đó như một phần bình thường trong đời sống mà lắm lúc bị lãng quên. Bình an vì chúng ta tin vào Lòng Thương Xót Chúa đã dẫn đưa chúng ta về đích điểm hòa hợp. Và đích điểm đó không đâu khác chính là Mình Máu Thánh Chúa, là Máu và Nước đã tuôn trào từ trái tim Chúa Giêsu Kitô.

Nguyện ước cho mỗi người anh chị em chúng ta không chỉ biết chạy đến với ảnh tượng Lòng Chúa Thương Xót qua những cuộc hành hương, những giờ cầu nguyện; nhưng còn thật sự trãi nghiệm được sự mở ra, sự  gột rửa từ Máu và Nước đang tuôn trào từ trái tim Chúa để cùng nhau đi đến sự hợp nhất yêu thương. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: