Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B

Thứ Th 7,
02/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B
Lời Chúa: Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25


Khi trò chuyện, người nói hay dùng câu “đi guốc trong bụng” để thể hiện sự thấu hiểu người đang trò chuyện. Người đối thoại có khi trào phúng theo nghĩa đen mà đáp lại rằng, “trong đó bốc mùi lắm,” hoặc là “đừng đi guốc mà lủng bụng mất thôi.” Một cách giao tiếp như thế cho thấy phần nào tính đa nghĩa của lời nói và mục đích truyền đạt khác nhau. Cùng một lời nói, hay câu chuyện được hiểu theo những mục đích khác nhau. Lời đã nói ra là thế, vậy còn những điều từ trong lòng con người thì sao hiểu thấu?

Trong câu chuyện Kinh Thánh, lòng người được Thiên Chúa thấu tỏ cách nào đó qua các hành động nhờ vào chuẩn mực Lề Luật. Một cách cụ thể là những gì Chúa phán dạy qua ông Môsê. Theo tác giả sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã nhắc lại việc Người đưa dân ra khỏi Ai Cập, giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ. Và để cho dân biết mình phải sống như thế nào, Thiên Chúa đã đưa ra những điều răn. Lời răn dạy có thể dài ngắn, khác biệt về ngôn từ nhưng được tóm lại và được biết đến rộng rãi qua Mười Lời hay Mười Điều Răn (Xh 34). Đây có thể được xem là chuẩn mực để biết lòng người qua những hành động tuân theo Luật Chúa truyền.

Rồi vào thời Chúa Giêsu, dường như dân Chúa không còn nhớ đến những gì Chúa đã thực hiện và chỉ tuân giữ lề luật theo hình thức bề ngoài. Thay vì thờ phượng Thiên Chúa từ tâm thì họ lại lo lắng, chăm chút và hưởng lợi từ việc buôn bán lễ vật. Đền Thờ dường như đã trở thành nơi trao đổi vật phẩm làm của lễ như là chiên, bò, bồ câu và tiền dùng trong đền thờ. Chính vì những hành động như thế đã đi ngược lại chuẩn mực, ngược lại với những gì Chúa muốn. Cũng vì thế, Chúa Giêsu đã phản đối bằng hành động “đổ tung”, “lật nhào” và tuyên bố thẳng thắn rằng: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Ở đây, Chúa Giêsu không chỉ lật đổ chuyện buôn bán mà lật đổ luôn lối thờ phượng sai lạc của giới lãnh đạo Do Thái.

Đặt trong bối cảnh Nhất Lãm, các tác giả Tin Mừng không giải thích mà chỉ nhấn mạnh lời Chúa Giêsu là biến đền thờ thành “sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21,13; Mc 11,17; Lc 19,46). Trong khi đó, tác giả Tin Mừng Gioan trích dẫn Thánh Vịnh (Tv 69,10) và khéo léo đổi động từ để báo trước kết quả cho hành động của Chúa Giêsu. Vì khi xưa, dân chúng nhiệt tâm lo tái thiết đền thờ còn khi nay, Chúa Giêsu nhiệt thành thanh tẩy đền thờ. Động từ được biến đổi từ “thiệt thân” đã được đổi thành thì tương lai để báo trước về cái chết của Người. Một cái chết không chỉ thay đổi bề ngoài mà còn toàn bộ nội tâm bên trong, một sự hy sinh để lòng người lộ ra.

Với sự tưởng nhớ của các môn đệ, điều thầm kín trong lòng Chúa Giêsu đã được hiểu thấu phần nào. Không được như các môn đệ, người Do Thái không những không hiểu mà còn tra vấn Người. Họ đòi dấu lạ để cho thấy quyền năng của Người. Đáp lại họ, Chúa Giêsu đã đưa dẫn chứng về sự tái thiết đền thờ, không phải đền thờ vật chất mà chính là thân thể Người. Để rồi sau này, khi Chúa Giêsu Phục Sinh, cộng đoàn Gioan nhận ra đền thờ thật sự chính là Giáo Hội và Chúa Giêsu chính là người nhiệt tâm thiết lập đền thờ đó. 

Đáng tiếc thay, người Do Thái cứ mãi tìm những điềm thiêng dấu lạ, hay người Hy Lạp mãi tìm kiếm lẽ khôn ngoan. Họ không như các tín hữu, những người được Thiên Chúa kêu gọi, chuyên tâm rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh. Họ chỉ biết cười nhạo thập giá là ô nhục, là điên rồi mà chưa nhận ra sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thế mới biết lòng người tưởng mình khôn ngoan nhưng chẳng bằng cái điên rồ của Thiên Chúa, tưởng mình mạnh mẽ nhưng không bằng cái yếu đuối của Người. Con người đôi khi quên mất giới hạn của mình, quên nhận ra lòng mình.

Vậy lòng dạ của anh chị em chúng ta như thế nào? Chúng ta có như người Do Thái quên mất luật Chúa truyền, quên mất sự thờ phượng xuất phát từ tâm hồn mà mãi chạy theo luật thế gian, chạy theo hình thức buôn thần bán thánh không? Hay chúng ta cứ mạnh mẽ đòi những dấu lạ mà không nhận ra mầu nhiệm Thương Khó – Phục Sinh không? Chúng ta có tưởng mình khôn ngoan biết rõ mọi sự mà không biết mình là ai, mình thuộc về Đấng nào không? Đâu là bức tường giữa mình với Chúa trong mùa Chay này?

Ước mong sao, trong hành trình tôi luyện đức tin, chúng ta nhận ra Chúa đã cho chúng ta luật yêu thương để thể hiện lòng nhân ái của mình cũng như luôn biết mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh mỗi ngày qua thánh lễ. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: