Thứ Th 7,
13/04/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Phục Sinh Năm B
(Cv 3, 13-15. 17-19; 1 Ga 2, 1-5a; Lc 24, 35-48)
“Thầy đây, đừng sợ!” (Lc 24, 35)
Tháng 07 năm 2023, tôi đặt chân tới Úc và giúp xứ tại Marrickville. Tôi còn nhớ cảm giác lo lắng, sợ hãi khi lần đầu tiên đứng trước giáo xứ giảng lễ ngày Chúa Nhật. Tôi đã dành nhiều thời gian suy tư, soạn giảng và tập trước để bài giảng của mình diễn ra tốt đẹp.
Hơn nữa, tôi phải giảng, phải diễn tả điều tôi muốn chia sẻ với cộng đoàn bằng tiếng Anh, nên tôi cố gắng luyện tập phát âm và nhờ cha xứ sửa bài giảng cho mình rất nhiều lần.
Thật sự, khi đứng trước mọi người, tôi đã mất tự tin, sợ hãi, không kiềm chế được dòng suy nghĩ của mình. Tim tôi đập rất nhanh. Dường như tôi chỉ đọc bài giảng, chứ không phải giảng lễ. Nhưng có một hành động của cha xứ đã khiến tôi nhớ mãi. Sau khi kết thúc bài giảng, và trở về chỗ ngồi, cha xứ đã quay qua, cám ơn tôi. Ngài nở một nụ cười và nắm chặt tay tôi như một hành động động viên, trấn an và chia sẻ nỗi sợ với tôi lúc đó. Hành động đó thật quý giá và có ý nghĩa với tôi lúc bấy giờ.
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng cho chúng ta thấy nỗi sợ của các môn đệ khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các ông. Rõ ràng, biến cố phục sinh chưa định thần được tâm hồn các môn đệ. Các ông không chỉ chưa hiểu chuyện gì đang xẩy ra mà các ông còn cảm thấy hoang mang lo sợ trước những chuỗi sự kiện xẩy ra sau khi Chúa Giêsu phục sinh.
Đặc biệt, khi đứng trước Chúa Giêsu Phục Sinh, các ông không những không nhận ra Ngài, mà các ông còn tường Ngài là ma. Là những người đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng tin chắc các ông chưa hề có một khái niệm nào về Chúa Giêsu Phục Sinh với một thân xác phục sinh, một con người phục sinh.
Thật sự, khi các ông chưa được Chúa Giêsu khai sáng, chưa được Ngài mạc khải và củng cố lòng tin của họ, thì họ vẫn còn rất mù tối, bối rồi, lo lắng, hoảng sợ, dù có gặp Chúa Giêsu Phục Sinh bao nhiêu lần đi chăng nữa, họ vẫn nghĩ Ngài là ma.
Biết rõ tâm thức và sự sợ hãi của các môn đệ, mỗi lần hiện ra Chúa Giêsu Phục Sinh luôn nói với họ: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ” (Lc 24, 35). Đây là một lời nói có sức biến đổi. Nó không chỉ là một lời động viên, một sự trấn an và chia sẻ nỗi sợ với các môn đệ, nhưng đây là một lời mạc khải, một sự củng cố đức tin mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Đây quả là một lời nói đưa các môn đệ từ bối rối, hoảng sợ tới một tình trạng bình an và tin tưởng. Có thể nói, lời nói của Chúa Giêsu đưa các môn đệ vào trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Đó là một tương quan giữa Đấng Phục Sinh và con người đức tin.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, đứng trước bao biến cố cuộc đời, đặc biệt là những thách đố về đức tin, về thực hành đức tin Kitô giáo, lắm khi chúng ta sợ hãi, chúng ta bối rối. Thực sự, nói cho con người thế giới, rao giảng cho mọi người về một Đức Kitô yêu thương đã chịu đau khổ, chịu chết và đã phục Sinh như cách các Tông đồ năm xưa đã làm, thực sự chưa bao giờ là dễ dàng. Không những thế Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta làm chứng về Ngài qua những hành động cụ thể trong thế giới này.
Tuy nhiên, “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”, đây là lời nói chứa đựng sức mạnh và củng cố đức tin của bao nhiêu con người mà Chúa Giêsu Phục Sinh dành cho chúng ta. Vì thế, dù trải qua bao thăng trầm, Giáo hội chúng ta vẫn tiếp tục hiện diện cách sống động trong thế giới này để làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh.
Ước mong, mỗi chúng ta luôn có được bình an của Chúa và luôn ở trong tương quan với Chúa. Để rồi, hành trình sống đức tin của mỗi chúng ta luôn can đảm, không sợ hãi làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh và sống đức tin cách tích cực và nhiệt thành. Amen.
Sỹ Đoàn, C.P.