Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa Kitô

Thứ Th 7,
01/06/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa Kitô Năm B
Lời Chúa: Xh 24:3-8; Hr 9:11-15; Mc 14:12-16; 22-26

Cho nhiều người, muôn người hay mọi người!

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi máu giao ước đã đổ ra cho nhiều người, muôn người hay tất cả mọi người? Bởi lẽ, trong sách lễ, Kinh Tạ Ơn sử dùng từ ‘nhiều người’; bản dịch Tin Mừng theo thánh Mátthêu và Máccô trình thuât lời Chúa Giêsu là ‘muôn người’ (Mt 26:28; Mc 11:24); thần học thì khẳng định ơn cứu độ dành cho “tất cả mọi người.” Vậy người tín hữu nên hiểu Mình và Máu Thánh Chúa dành cho ai?

Trình thuật Xuất hành ghi nhận lại giá trị của máu như là một lời giải thích. Máu ở đây không phải là máu bình thường là máu giao ước. Chính nhờ máu này mà dân Chúa được kết nối với Đức Chúa qua giao ước. Trong bối cảnh Giao Ước ‘Cũ’ – Cựu Ước, máu là biểu tượng của sự sống đã trở nên máu thánh về thuộc về Chúa là Đấng ban sự sống. Máu thánh này được rảy trên dân chúng và trên bàn thờ trong sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và Dân Chúa. Nếu đặt trong bối cảnh này thì dường như, máu của con vật hiến tế chỉ đổ ra cho một số người chứ không phải cho tất cả mọi người.

Thư gởi tín hữu Híp ri cũng gợi lên một câu trả lời khi nhấn mạnh đến Máu Chúa Kitô đổ ra thanh tẩy lương tâm chúng ta. Máu ở đây không phải là từ con vật hiến tế mà chính là Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô. Máu này cũng đã kết nối con người với Thiên Chúa trong một giao ước. Thế nhưng, trong bối cảnh Giao Ước ‘Mới’ – Tân Ước, máu không dừng lại ở biểu tượng sự sống thể lí mà sâu rộng hơn là biểu tượng của sự sống thần linh. Máu thánh này không dùng để rảy trên muôn người và bàn thờ nhưng được đón rước lấy để đem lại sự sống vĩnh cửu.

Ở đây, chúng ta có thể hiểu Máu Thánh Chúa không chỉ dành riêng cho những ai được tuyển chọn nhưng dành cho tất cả mọi người. Bởi lẽ, giao ước mới không có nghĩa là một giao ước hoàn toàn mới nhằm thay thế giao ước cũ, mà đúng hơn, là một giao ước được kiện toàn. Lúc này, Mình Thánh Chúa không bị giới hạn vào thân xác thể lí mà sâu rộng đến đời sống tâm linh. Chính Mình Thánh Chúa này thanh tẩy lương tâm của tất cả mọi người. Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào về Lời Chúa Giêsu được trình thuật trong Tin Mừng?

Lẽ dĩ nhiên, thời Chúa Giêsu không có máy ghi âm hay điện thoại mà lưu giữ hay phát trực tiếp như xã hội hiện nay. Thế nhưng, căn cứ vào trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 22:19) và thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô ( 1 Cr 11:24), chúng ta có thể ghi nhận sự tập trung nhấn đến lời sự tưởng nhớ hay hiện tại hóa. Trong khi đó, Tin Mừng theo thánh Mátthêu và Máccô thì nhấn đến lợi ích cho muôn người hơn là chỉ dành cho các muôn đệ, dành cho anh chị em của Người.

Trên phương diện cá nhân, mỗi người có thể trả lời việc Chúa trao ban Thánh Thể không quan trọng ở việc cho hay vì nhiều người, muôn người hay tất cả mọi người. Đúng hơn, điểm quan trọng là cách hiểu của mỗi người về những hạn từ này. Các cách hiểu có thể được diễn tả qua hình ảnh của một món quà nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng. 

Như có người nói, món quà dù có quí giá đến đâu cũng không phải là một món quà thật sự cho đến khi có người đón nhận. Điều này cũng có thể đúng với món quà Thánh Thể. Vì Thánh Thể được trao ban cho tất cả mọi người, nhưng món quà này cho thành hiện thực cho một số người mở lòng đón nhận mà thôi. Vì thế, mọi người đều được mời gọi đến tham dự thánh lễ, nhưng chỉ có nhiều người thật sự đến tham dự. Chúng ta có thể nói tất cả mọi người đều đáng được đón rước Thánh Thể nhưng thực tế thì chỉ nhiều người đón rước món quà vô giá nhưng không này.

Vâng, chúng ta biết rằng tất cả mọi người đều là dân Thiên Chúa và lãnh nhận Thánh Thể một cách thiêng liêng để rồi chúng ta tiếp tục cầu nguyện và tin cậy tất cả sẽ cùng đến và lãnh nhận món quà vô giá và nhưng không này. Amen!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: