Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Phục Sinh
Lời Chúa: Cv 10,34a.37-43. Cl 3,1-4. Ga 20,1-9
Thấy và cảm nhận Chúa Phục Sinh
Chuyện kể về một bà cụ với đôi mắt bị mù lắng nghe một cha giảng lễ. Khi nhận thấy cụ chăm chú lắng nghe, vị giảng lễ đã tìm gặp sau thánh lễ và hỏi thăm về tình trạng của cụ. Cụ đã lên tiếng trả lời, con đâu có mù đâu cha, con vẫn thấy Chúa trong cuộc đời của con đó chứ.
Có lẽ, câu trả lời của bà cụ gợi lên cho chúng ta phần nào ý nghĩa của con mắt đức tin, nhất là trong mùa Phục Sinh này. Vì nếu chúng ta cứ mãi đi tìm một Chúa Giêsu Phục Sinh bằng xương bằng thịt, muốn biết Chúa đã phục sinh như thế nào thì thật không dễ tìm thấy được câu trả lời. Nhưng nếu chúng ta biết thấy và cảm nhận bằng con mắt đức tin thì chắc hẵn Chúa Phục Sinh luôn hiện diện bên cạnh chúng ta mỗi ngày.
Trong bài trích sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nghe thấy lời chứng của ông Phêrô. Ông đã đại diện cho các tông đồ mà làm chứng nhân về những gì ông đã xem thấy khi cùng đồng hành với Chúa Giêsu. Ông không chối bỏ mà xác nhận Chúa Giêsu đã bị treo trên cây gỗ mà giết đi. Và nhất là, ông đã xác tín Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa cho trỗi dậy và xuất hiện tỏ tường với các ông. Điểm đặc biệt ở đây là Người đã không tỏ mình ra cho toàn dân mà chỉ là những người được tuyển chọn. Đây cũng là khởi đầu đặc biệt của Đức Tin Công giáo được Tông truyền qua các thánh Tông Đồ. Đây là một phần của cái nhìn thể lý và được chứng thực qua các chứng nhân tông đồ.
Thừa hưởng từ cái nhìn này, thánh Phaolô mời gọi chúng ta biết nhìn về đâu, tập trung vào điều gì. Thánh nhân chứng thực chúng ta đã được trỗi dậy cùng với Chúa Phục Sinh thì hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới. Chúng ta không chỉ nên giới hạn thể lý của mình nơi những gì thuộc về hạ giới. Dẫu biết rằng, chúng có thể giúp chúng ta sống ở đời này nhưng chúng cũng dễ khiến chúng ta cứ mãi bám víu, mãi phụ thuộc. Chúng khiến chúng ta quên mất rằng, mình có một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu nơi Chúa Giêsu Kitô. Điều này cũng mời gọi chúng ta hãy có một cách nhìn mới, một cách nhìn vượt qua giới hạn thể lý mà hướng tới cách nhìn thiêng liêng, cách nhìn mang lại nhiều cảm nhận.
Và như thế, chúng ta sẽ hiểu hơn về hành trình đức tin được trình thuật trong bài Tin Mừng với động từ “thấy” được sử dụng bốn lần với ba động từ Hy Lạp khác nhau (Ga 20, 1; 5; 6; 8). Với động từ βλέπω (blepó – Ga 20, 1; 5), tác giả nhấn mạnh đến cách nhìn thể lý của bà Maria Mác-đa-la và người môn đệ kia. Tiếp đến là động từ θεωρέω (theóreó – Ga 20, 7) với cách nhìn có mục đích suy niệm, phân tích của Simôn Phêrô. Tác giả diễn tả thánh nhân có một cách nhìn khác khi bước vào trong mồ, chiêm niệm về băng vải và khăn che đầu của Chúa Giêsu để ở trong đó. Và cuối cùng, người môn đệ kia đã có cách nhìn thiêng liêng, cách nhìn tâm linh với động từ ὁράω (horaó – Ga 20, 8). Cách nhìn này không còn dừng lại ở thể lý hay suy tư mà đi vào trong cảm nhận.
Người môn đệ đã có cách nhìn thấu tỏ cả xác lẫn hồn và đã tin. Đây cũng là cách nhìn mà tác giả Tin Mừng mời gọi các tín hữu nên có khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Phục Sinh.
Qua những cách nhìn khác nhau đó, chúng ta nhận ra lắm lúc mình cũng đi tìm Chúa trong lúc trời còn tối như Maria Mác-đa-lê-na. Chúng ta cũng đã bắt gặp được những dấu chỉ tuy chưa rõ ràng bằng đôi mắt thân xác của mình. Lúc đó chúng ta sẽ hành động như thế nào? Phải chăng là than khóc, là u sầu, hay là tuyệt vọng?
Có lẽ tốt hơn, chúng ta nên biết chạy đi tìm những người đứng đầu như Phêrô, những người được nghe biết được Chúa thương như người môn đệ kia. Để rồi, chúng ta được mời gọi theo cách nhìn của hai môn đệ khi có sự biến đổi từ cách nhìn thể lý đến cách nhìn suy niệm và cảm nhận tâm linh. Dẫu Chúa Giêsu chưa thật sự hiện ra với các môn đệ trong bối cảnh Tin Mừng hôm nay, nhưng các ông đã có cách nhìn thiêng liêng và đã tin.
Ước mong sao, mỗi người anh chị em tín hữu sẽ luôn có được sự biến đổi trong cách nhìn, đặc biệt trong mùa Phục Sinh này, để rồi cảm nhận và tin rằng Chúa Giêsu đã Phục Sinh, để con mắt đức tin luôn sáng ngời. Amen.
Tslm Giuse Đa Minh Nguyễn Ngọc Tân, C.P