Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên B

Thứ CN,
28/01/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên B
Lời Chúa: Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28


Uy Quyền của Thiên Chúa

Câu chuyện về một giảng sư trẻ bước vào lớp học, các sinh viên tưởng lầm cô là một người thực tập nên đã lên tiếng bắt nạt. Các sinh viên tưởng rằng họ có quyền tự do làm gì thì làm. Thế là, vị giảng sư đã đặt vấn đề uy quyền là gì? Sau khi, các sinh viên ú ớ không biết trả lời thế nào thì vị giảng sư nhắc nhở rằng: cô có quyền ra quyết định, có thể đánh rớt và loại sinh viên ra khỏi lớp. Đó là quyền mà vị giảng sư có còn các sinh viên thì không.

Uy quyền hay quyền lực được thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Điều này dường như chỉ thuộc về những kẻ mạnh, những người chỉ huy, hay có trách nhiệm trỗi vượt hơn người khác. Vậy còn uy quyền của Thiên Chúa hay của những người tín hữu theo Chúa thì như thế nào?

Trong bài đọc I, tác giả sách Đệ nhị luật trình thuật về sự tuyển chọn của các ngôn sứ và uy quyền của những vị này. Các ngôn sứ không ở đâu xa lạ mà được chọn gọi và cho xuất hiện từ giữa dân chúng. Những người này xuất hiện để trợ giúp chứ không phải để cai trị dân. Chúa đặt Lời của Người vào trong miệng những người này và họ có uy quyền khi nói những gì Chúa truyền. Những vị này được Chúa cho quyền hạch tội những ai không nghe Lời Chúa. Thế nhưng, những kẻ nào dám nhân danh Chúa nói những lời sai lạc hoặc dựa vào các thế lực khác thì số phận của những kẻ ấy là cái chết.

Từ trong bài Tin Mừng, tác giả Mác cô sử dụng từ ἐξουσία (exousia) hai lần để diễn tả uy quyền của Chúa Giêsu. Người là Đấng giảng dạy có uy quyền. Nếu tách riêng ἐξ (ek) – xuất ra và ουσία (ousia) – bản chất, bản thể thì có thể hiểu uy quyền xuất ra bên ngoài từ bản chất bên trong. Khi sử dụng cho Chúa Giêsu có thể hiểu uy quyền phát xuất từ bản chất của Người. Khi sử dụng chung chung thì uy quyền giới hạn trong năng quyền được ban cho. Cụ thể trong Tân Ước thì uy quyền là quyền Thiên Chúa ban cho những ai thuộc về Người. 

Thế mà, nhiều lúc chúng ta lãnh trách nhiệm vào một vị trí lãnh đạo nào đó thì lại lầm tưởng mình có uy quyền từ chính mình. Chúng ta quên mất tự mình chúng ta chẳng có uy quyền gì. Nếu có, uy quyền của con người cũng là do Thiên Chúa ban cho. Hơn thế nữa, uy quyền của Thiên Chúa không phải là để cai trị, để áp bức nhưng là để phục vụ, là làm theo Ý Chúa. 

Uy quyền thật sự phải xuất phát từ bên trong, từ những gì tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Mọi uy quyền khác đến từ người đời, từ những thế lực trần gian thì không phải là uy quyền thật sự hay chỉ là giả tạo. Những uy quyền giả tạo đó chỉ đem lại sự khiếp sợ chứ không tạo ra sự sững sốt, không có gì mới mẻ và cũng chẳng có thế lực xấu xa ô uế nào chịu khuất phục. 

Uy quyền thật sự đôi khi đòi hỏi một đời sống chuyên lo việc Chúa và thuộc về Chúa cả hồn lẫn xác chứ không bận tâm về những điều gì khác. Như lời khuyên của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô đã nhắc đến chuyện vợ chồng. Khi sống trong đời sống hôn nhân, chồng sẽ bận tâm làm đẹp lòng vợ và vợ cũng tìm cách làm đẹp lòng chồng. Uy quyền phục vụ này dường như chỉ gói gọn trong đời sống hôn nhân gia đình nên cần phản tĩnh để mở rộng ra thêm và nên toàn vẹn nơi Thiên Chúa.

Ước mong sao, mỗi người theo Chúa dù sống trong bậc sống nào cũng biết nhận ra trách nhiệm của mình. Nhất là, nhận ra uy quyền thật sự đến từ Thiên Chúa từ trong thâm tâm mỗi người và để rao giảng Lời Chúa qua lời nói và hành động phục vụ mỗi ngày. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: