Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay B

Thứ Th 7,
16/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay B
Lời Chúa: Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33

Giao ước mới với một tâm hồn xao xuyến

Khi nay, hai bên đối tác thường ký kết các hợp đồng để thống nhất và tạo sự ràng buộc trong một số các mối tương quan. Một bản hợp đồng xem ra chắc chắn, có sự đồng thuận hai bên nhưng vẫn không tránh khỏi có những lúc phá hợp đồng. Khi xưa, trong tương quan với Thiên Chúa, thuật ngữ giao ước đã được sử dụng để thiết lập mối ràng buộc giữa Thiên Chúa với con người. Giao ước đó có thể được Chúa phán qua các trung gian và cũng có lúc rất quan trọng được chính tay Ngài viết ra (Xh 12,24; 31,18; Gr 31,33).

Nói về giao ước, tác giả sách ngôn sứ Giêrêmia, đã nhắc đến một giao ước mới. Giao ước này không giống như những gì đã kí kết với cha ông. Bởi vì những giao ước trước đó đã bị vi phạm, đã có khả thể bị hủy bỏ. Về nội dung, giao ước mới không đổi so với giao ước trước đó là: “Chúa là Thiên Chúa của dân, và dân chúng là dân của Thiên Chúa” (Gr 31,33). Điểm khác biệt là giao ước này không thể bị hủy bỏ. Bởi vì, giao ước được Thiên Chúa chính tay viết và ghi khắc vào lòng dạ, vào tâm khảm mỗi người.

Thêm một l‎ý do khác là Thiên Chúa đã sẵn sàng tha thứ tội ác cho dân và không còn nhớ đến lỗi lầm của dân nữa. Kết quả là dân không còn phải dạy bảo nhau theo kiểu khuyến khích phải học biết về Đức Chúa nữa. Có lẽ là vì, hết thảy mọi người đều biết Chúa, không phải biết về Chúa từ bên ngoài mà là thấu hiểu, cảm nhận Chúa từ trong tâm hồn. Nếu quả đúng như thế thì một giao ước mới, tốt đẹp và không thể bị hủy bỏ được thực hiện như thế nào?

Một trong những câu trả lời có thể được tìm thấy từ Tin Mừng theo thánh Gioan. Trong đó, Chúa Giêsu được trình thuật như một nhân vật quy tụ tất cả mọi người. Một trong những dấu hiệu sự quy tụ là có mấy người Hy Lạp, những người được xem lại dân ngoại đã đến tìm gặp Chúa Giêsu. Để trả lời cho sự tìm kiếm của muôn dân, Chúa Giêsu nhấn mạnh “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Sự tôn vinh của Con Người này được thực hiện một cách đặc biệt qua hình ảnh hạt lúa mì. 

Quả là thế, một hạt lúa mì khi rơi xuống đất có hai lựa chọn, thối đi hoặc giữ lại. Kết quả, thay vì giữ lại những gì đang có để rồi trơ trọi một mình, Chúa Giêsu đã đón nhận thối đi, chết đi để biến đổi, tái sinh và sinh nhiều bông hạt. Bông hạt của Người là sự sống vĩnh cửu cho muôn người. Đây cũng là vinh quang đặc biệt của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu được tỏ lộ khi giờ của Người đến. 

Trong giờ đó, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng mình, một tâm hồn xao xuyến đến nỗi không biết nói gì. Người chỉ biết cầu xin khỏi thời điểm đặc biệt, một thời điểm thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Nhưng rồi, nguyện ước đón nhận tất cả để danh Cha cả sáng, để tôn vinh danh Cha đã trỗi vượt lên. Có thể nói, Chúa Cha đã xác nhận ước muốn tự nguyện đón nhận của Chúa Giêsu. Một nguyện ước khởi đi từ sự yếu đuối, từ sự mõng manh, từ sự xao xuyến không thể diễn tả của con người. 

Thế mới hiểu hơn về thư gởi tín hữu Híp-ri khi nhấn mạnh đến thần tính của Chúa Giêsu và nhẹ nhàng khẳng định sự hòa hợp với nhân tính của Người. Tác giả thư này xác định vị trí thượng tế của Chúa Giêsu. Thế mà sao một vị Thiên Chúa, một vị Thượng tế tối cao như thế lại mặc lấy thân phận nhân loại, sống một kiếp phàm nhân? 

Chính vị cao cả này đã lớn tiếng kêu van khóc lóc với lời khẩn nguyện để được cứu, để khỏi chết. Đây là điểm nhấn đáng kinh ngạc mà cộng đoàn tín hữu tiên khởi hiểu và cố gắng trình bày về Chúa Giêsu. Một sự đối nghịch về một Thiên Chúa đã học biết về vâng phục qua đau khổ. Một Thiên Chúa hoàn hảo lại trở nên thập toàn trong sự yếu đuối của con người. 

Và chúng ta, người theo Chúa cũng học biết điều này là sự sống vượt qua cái chết, bài học vâng phục trong sự đau khổ, sự thập toàn đến từ trong sự yếu đuối. Và như thế, giao ước mới được kiện toàn và không bị hủy bỏ lại đến từ một tâm hồn xao xuyến. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: