Thứ Th 7,
04/05/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B
Lời Chúa: Cv 10:25-26. 34-35. 44-48. 1 Ga 4:7-10. Ga 15:9-17
Ở lại trong tình yêu cao cả
Thiên Chúa là tình yêu là một định nghĩa quen thuộc với người Kitô hữu. Tuy nhiên, nhiều người có thể lầm tưởng câu Kinh Thánh nổi bật này được trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan. Thật ra, câu này được ghi nhận trong thư thứ nhất của thánh Gioan tồng đồ (1 Ga 4,8). Xác nhận như thế giúp chúng ta nhận ra, lắm lúc mình nghĩ là mình hiểu, mình biết Chúa, biết Kinh Thánh khá rõ, nhưng xem ra còn nhiều thiếu xót. Điều này cũng mời gọi chúng ta cảm nhận nhiều hơn về Thiên Chúa và nhất ở lại trong tình yêu cao cả của Người qua việc đọc và học hỏi Lời Chúa.
Khởi đi từ bài trích sách Công vụ Tông Đồ, tình yêu của Thiên Chúa được trao ban cho tất cả mọi người. Tình yêu đó không phân biệt địa vị cao thấp, sang hèn như thánh Phêrô xác nhận qua chính hành động và lời nói của mình. Thánh nhân không đồng tình cho người khác phủ phục dưới chân mình vì ngài cũng là người phàm như bao người khác. Thánh nhân còn xác nhận rõ ràng là “Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10,34). Quả là thế, bất cứ ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa qua việc kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành đều được tiếp nhận.
Hơn thế nữa, lời nói và hành động của thánh Phêrô còn được minh chứng qua hình ảnh Thánh Thần ngự xuống trên tất cả mọi người. Quả là thế, tất cả mọi người dù là gốc dân ngoài Do Thái hay Do Thái chính gốc, chưa cắt bì hay đã cắt bì, đều được lãnh nhận phép rửa và trở thành Kitô hữu chính thức. Đây cũng là ân sủng của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người chứ không phải dành riêng cho một số người, hay một số nhóm ưu tuyển nào cả.
Xác nhận như thế, người Kitô hữu cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu cao cả của Chúa Cha dành cho Chúa Con, của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Vậy thử hỏi, tình yêu này có gì đặc biệt không mà Chúa Giêsu lại mời gọi tất cả anh chị em hãy ở lại trong tình thương đó?
Có lẽ, nói về tình yêu thì nhiều người cũng đã cảm nhận được phần nào trong cuộc sống. Tình yêu thương trong gia đình đến từ ông bà cha mẹ giành cho con cái, tình yêu đôi lứa dành cho nhau, hay tình yêu bạn hữu trong các mối tương quan khác. Tình yêu đó dù đẹp đến đâu, tốt lành đến thế nào cũng không tránh khỏi những lúc đổ vỡ hay thậm chí có nhiều người còn không có được tình yêu đó.
Từ thực tế bất toàn như thế, chúng ta nhận ra ý nghĩa đặc biệt của lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy đến và ở lại trong tình thương của Người. Bởi lẽ, tình yêu con người dù sâu đậm, đẹp đẽ đến đâu cũng không bằng tình yêu của Thiên Chúa. Chắc chắn rằng, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới thật sự đang lại niềm vui, mới thật sự trở nên trọn vẹn. Cũng vì thế, chúng ta không khỏi ngạc nhiên hay bất ngờ vì chuyện bất toàn xảy ra trong đời sống con người.
Lẽ dĩ nhiên, không phải vì sự bất toàn, sự đỗ vỡ mà chúng ta tạm dừng hay không biết yêu và chấp nhận mình cũng cần được yêu. Vì nếu chúng ta không biết yêu và được yêu thì chúng ta không biết Thiên Chúa, không biết bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Lúc đó, chúng ta chỉ biết đam mê chiếm hữu, chỉ biết đòi buộc người khác hy sinh cho mình mà thôi. Và như thế, chúng ta đang rời xa Thiên Chúa hay chưa ở lại trong tình thương của Người.
Hành động này xem ra có thể nhưng cũng thật khó xảy ra, bởi vì Thiên Chúa luôn là người đi bước trước, luôn là người chủ động mời gọi. Như thánh Gioan khẳng định, điều cốt yếu của tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa là chính người đã yêu thương chúng ta. Tình yêu của Người không dừng lại ở một lời hứa xuông, một lời chót lưởi đầu môi mà được thực hiện cụ thể qua chính người Con Một yêu dấu. Chính Người Con đã thực hiện qua chính hành động hy sinh tính mạng vì người bạn hữu, vì người mình yêu.
Cảm nhận được phần nào tình yêu hy sinh cả tính mạng của Chúa qua việc đi bước trước của Người, chúng ta hãy cũng nguyện xin cho mỗi người chúng ta cũng biết đến và ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta cũng sẵn sàng thể hiện tình yêu đó trong đời sống hằng ngày cùng với anh chị em chung quanh. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.