Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên Năm C

Thứ CN,
16/02/2025
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên Năm C
Lời Chúa: Gr 17,5-8; 1 Cr 15,12.16-20; Lc 6,17.20-26

Heraclitus, một Triết gia Hy lạp thời cổ đại đã từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Câu nói này ám chỉ rằng giống như dòng sông luôn tuôn chảy không ngừng, nước trôi đi và không bao giờ trở lại như cũ, thì vạn vật trong thế giới này cũng không ngừng đổi thay. Dường như không có gì vững bền trên thế gian này cả. Điều không thay đổi chính là sự thay đổi. Tuy nhiên, sống giữa quy luật vạn vật biến đổi, con người chúng ta lại khao khát sự vĩnh cửu trường tồn. Chúng ta không chấp nhận quy luật vô thường này. Các dấu ấn của các nền văn minh trên trái đất cho chúng ta thấy niềm khao khát bất diệt này của con người. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ta tìm đâu ra sự vĩnh cửu đích thực giữa thế biến dịch? Đâu mới là nơi nương tựa vững bền ở nơi gian trần tạm bợ này? 

Các bài đọc Chúa Nhật tuần thứ sáu chỉ ra cho chúng ta thấy chính Chúa là sự trường tồn, vĩnh cữu, là Đấng, và là nơi con người có thể đặt niềm tin và hy vọng vào. 

Trong bài đọc một, tiên tri Giê-rê-mia dạy dân Chúa nhận biết ai mới là người xứng đáng để họ đặt niềm tin cậy vào. Mọi thứ trên đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, và nếu chúng ta đặt mạng sống của chúng ta vào những điều chóng qua này, thì chúng ta sẽ mất tất cả. Bởi một ngày nào đó, những gì chúng ta đang bám vào trên thế gian này, sẽ tan thành mây khói. Chúng ta bước trên thế gian này “như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is, 38,12). Tiên tri thúc đẩy người nghe hãy đặt niềm cậy trông vào Thiên Chúa vì Ngài là Đấng Hằng Hữu Hiện Hữu. Ở nơi Ngài chúng ta có thể tìm thấy nơi nương tựa vững bền. Ngài chính là cội nguồn của sự sống. Khi chúng ta đặt niềm cậy trông vào Ngài, thì điều đó giống như thể cây trồng nơi bờ suối được bám rễ vào nơi ẩm ướt là nguồn sống nó vậy. Đặt cuộc đời của chúng ta vào Thiên Chúa mới là chìa khoá dẫn đến sự hạnh phúc đích thực. “Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa” 

Trong bài đọc hai, thánh Phao-lô tiếp tục nhấn mạnh quy luật biến đổi của cuộc sống này. Con người chúng ta đến với thế giới này, bước đi cùng nhau trên một hành trong khoảng thời gian nào đó, rồi mỗi người chúng ta lại rời bỏ thế giới này mà đi. Chết như là một dấu chấm hết cho cuộc hành trình thế gian. Tuy nhiên, giữa sự vô thường của cuộc sống, thánh Phao-lô thúc đẩy chúng ta hãy tin tưởng vào lời hứa ban sự sống đời đời của Thiên Chúa. Vì vậy, thánh Phao-lô khẳng định rằng nếu Chúa Đức Ki-tô không sống lại thì lòng tin của chúng ta là hão huyền, và đời sống ở trần gian này là vô nghĩa. Nếu Chúa Đức Ki-tô không sống lại, thì sẽ không có ơn cứu độ nơi trần gian này,  con người được sinh ra chỉ để chết mà thôi. Nhưng Đức KI-tô đã sống lại từ cõi chết, và đó là trở thành niềm hy vọng cho chúng ta. Vì “Thầy sống và anh em cũng sẽ sống”.    

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy chúng ta về các mối phúc thật. Những điều chúng ta nên làm để được chúc phúc và để có được hạnh phúc đích thực. Tuy nhiên, các mối phúc mà Chúa Giê-su dạy chúng ta đi ngược lại những điều mà con người vẫn tưởng chừng là hạnh phúc. Phúc cho ai là kẻ nghèo khó; phúc cho ai là những kẻ đói ăn; Phúc cho ai bị ghét bỏ và bị bách hại; Phúc cho ai khóc lóc nghiến răng. Theo tiêu chuẩn con người, thì những điều Chúa dạy không phải là phúc, nhưng chúng là hoạ. Thực vậy, con người thường nghĩ rằng tiền bạc, quyền quý, lợi danh có thể mang lại hạnh phúc. Cho nên, rất nhiều người vẫn đang chạy theo những tiêu chuẩn hạnh phúc mà con người đưa ra. Tuy nhiên hãy nhìn thực tại đời sống này qua lăng kính của triết gia Heraclitus, thì chúng ta thấy rằng vinh hoa phú quý chỉ là mộng ảo. Quyền quý lợi danh chỉ tựa cánh hoa mỏng manh, chỉ một cơn gió nhẹ đi qua, hoa sẽ lìa cành. Đâu mới là hạnh phúc vững bền cho chúng ta? Chỉ có Thiên Chúa mới là vững bền là nơi ta có thể đặt niềm hy vọng cuối cùng. Các mối phúc giúp chúng ta nhận ra thân phận mỏng giòn của con người, nhờ đó chúng ta biết phó thác vào Thiên Chúa. Để đặt tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta cần tập từ bỏ những giá trị trần thế, vốn dĩ chỉ là ảo mộng chóng qua, để dần hướng lên bám lấy và cắm rễ vào các giá trị Thiêng Liêng. Chúng ta dám bỏ đi những gì chóng qua để nương vào những giá trị vĩnh cửu, trường tồn trong vương quốc của Thiên Chúa.  

popup

Số lượng:

Tổng tiền: