Thứ Th 7,
01/03/2025
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường Niên – Năm C
Lời Chúa: Hc 27,4-7; 1 Cr 15,54-58; Lc 6,39-45

Đầy cái chi, nói cái gì?
Chuyện về một giáo sư chia sẻ với các thầy rằng, anh em hãy để ý xem, có bao nhiêu vị linh mục sẽ giảng về lòng thương xót Chúa trong ngày Chúa Nhật hôm nay? Một câu hỏi như một gợi ý đưa các thầy vào bối cảnh của đoạn Tin Mừng để cùng nhau suy niệm. Đây cũng là một cách thức đặc biệt để cho Lời Chúa đi vào trong lòng mình, không chỉ qua câu chữ, mà còn tự đặt mình vào trong ngữ cảnh đặc biệt của bản văn. Vậy phải chăng, đây cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, khi có người tự hỏi hãy để lòng mình đầy cái chi rồi mới mở miệng nói cái gì?
Từ bốn câu ngắn gọn từ sách Huấn Ca, chúng ta có thể nhận ra phần nào giá trị của lời nói. Lời nói có suy nghĩ một được sàng lọc cẩn thận. Câu chuyện được chọn lọc như là bình gốm được nung trong lò lửa. Như thế, những lời nói, câu chuyện phản ánh sự suy tư và tinh luyện của người nói. Đây không phải là một chuẩn mực tuyệt đối nhưng cũng phần nào phản ánh thực tế tâm tư của nhiều người. Những phát ngôn, những câu chuyện có giá trị được lưu lại để làm phần ghi chú, để trích dẫn như một phần không thể thiếu trong việc nghiên cứu. Những gì lạ, những gì có giá trị thoáng qua, thì đôi khi chỉ đáng để làm trào lưu, để làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Chúng rồi cũng giống như trấu sẽ bị gió thổi bay, cũng như bình gốm tưởng chắc chắn nhưng rồi cũng nứt vỡ mà thôi. Thế nên, chúng ta hãy cận trọng với lời nói, nhất là hãy biết dùng lời nói mà tỏ lòng yêu thương, chăm sóc đến nhau chứ đừng dùng chúng mà gây chia sẻ, ghanh ghét rồi tổn thương nhau.
Điều này cũng thể hiện qua chính lời dạy của Chúa Giêsu cho môn đệ theo trình thuật Tin Mừng Luca. Trong bối cảnh lòng thương xót, Người đã kể dụ ngôn qua câu hỏi tu từ và khẳng định về người mù chỉ đường và người học trò tưởng mình là thầy. Những người này đang còn chưa tỏ mà lại đi hướng dẫn, chưa chu toàn mà đã tưởng mình biết tuốt. Và như thế, họ quên mất mình đang cần được hướng dẫn, được lấp đầy bởi tình yêu trước khi có thể tỏ lòng thương xót đến anh chị em chung quanh. Thế mới hiểu, lòng thương xót của Chúa được thể hiện bằng sự chữa lành nơi chính mỗi người, trước khi thể hiện hay lan toả đến những anh chị em chung quanh. Cũng như lời yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu, chứ lời chữa lành khó có thể đến từ những người vẫn còn đang bị tổn thương.
Như câu hỏi đặt ra, làm sao mình có thể yêu thương người khi chính mình chưa biết yêu thương mình cho đúng, hay chưa biết để cho Chúa chữa lành chính mình? Có chăng, người đang còn tổn thương sẽ có một tấm lòng cảm thông, một sự chia sẻ đặc biệt đến với những người có cùng chung hoàn cảnh với mình. Nhưng rồi, sự chữa lành sẽ thật sự xảy ra qua những lời nói và hành động cụ thể khi người tổn thương biết để mình được hướng dẫn, được lấp đầy bởi tình yêu của Thiên Chúa. Nếu không, người đang bị tổn thương dễ có những lời nói và hành động gây ra thương tổn đến người chung quanh. Có lẽ cũng bởi vì đang bị tổn thương nên lòng còn chất đầy những oán ghét, giận hờn, nên vô tình hay cố ý lấy ra những điều đó từ lòng mình. Đôi khi, đó có thể là những nọc độc, thay vì được chế biến để thành thuốc, thì vẫn giữ nguyên trạng mà gây nguy hại đến anh chị em chung quanh.
Vì thế, chúng ta được mời gọi đụng chạm đến tình yêu Chúa và để Người chữa lành chúng ta. Điều này đòi hỏi một đời sống kiên tâm bền chí và ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa. Chúng ta hãy phó thác mọi sự khó nhọc, mọi nọc độc thế gian cho Chúa để rồi nhờ trong Người, chúng ta được biến đổi và chữa lành. Khi đó, chúng ta không chỉ được đón nhận Lời Chúa mà còn đầy tràn chan chứa với lòng Thương Xót của Người. Chính sự đầy tràn đó sẽ toả lan đến những anh chị em chung quanh, nhất là những người cũng đang tổn thương đang cần lòng Chúa thương xót.
Nguyện ước sao, mỗi người chúng ta sẽ luôn nhận ra mình đang thiếu xót gì để được Chúa lấp đầy, và khi đã được đầy tràn, chúng ta sẽ không ngừng chia sẻ và trao ban đến những anh chị em chung quanh, với những lời nói và hành động thể hiện lòng thương xót của Người. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.