Thứ Th 7,
08/06/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật X Thường Niên Năm B
Lời Chúa: St 3:9-15; 2 Cr 4:13-5:1; Mc 3:20-35
Trở về nhà với Chúa
Đối với nhiều người mà cách đặc biệt là giới tu sĩ, cảm xúc thường rất xúc động khi thưa chuyện về gia đình. Nhân dịp Chúa Giêsu trở về nhà trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng như một số các tu sĩ nam nữ được về nhà trong dịp hè (hay dịp Tết sau này), chúng ta có thể sẽ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra trong những dịp thuận tiện như thế?
Đối với Chúa Giêsu, có vẻ như là Người khá là nổi tiếng nên nhiều người đã đến và lắng nghe. Dường như với lòng hiếu kỳ, họ đến đông khiến Chúa và các môn đệ không thể ăn uống. Nếu sự việc này xảy ra ở Việt Nam thì sao nhỉ? Nếu ở Việt Nam thì Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ được vui mừng chào đón với những bữa tiệc linh đình, từ nhà này qua nhà khác với đủ mọi thành phần dân Chúa. Bởi lẽ thường, ai ai cũng tự hào về những người con trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ của mình.
Song le, chuyện xảy ra có chút khác biệt đối với Chúa Giêsu. Người nhà của Người đã đi bắt và nói rằng Người đã mất trí. Điềy này cần được giải thích sao cho hợp lí?
Một vài người chuyên môn Kinh Thánh giải thích rằng, người nhà đang muốn bảo vệ Chúa Giêsu. Số khác thì dựa vào bối cảnh “danh dự, tủi nhục, và danh tiếng đám đông” mà đề nghị rằng Chúa Giêsu đã đem đến tiếng xấu cho gia đình thay vì danh dự cho nên gia đình muốn giấu người đi. Một cách chung, dù là vì lí do gì đi chăng nữa, tác giả Tin Mừng theo thánh Máccô đã trình thuật về gia đình Chúa Giêsu không mấy tích cực và họ đang cản trở sứ vụ của Người.
Theo cấu trúc ‘bánh mì kẹp’ thì trình thuật kết thúc với gia đình ruột thịt của Chúa Giêsu. Gia đình này bao gồm mẹ, anh chị em Chúa Giêsu đã xuất hiện và đứng bên ngoài. Họ đã không thể đến gần Chúa Giêsu nên đã nhờ gọi Người.
Trong bối cảnh này, thay vì trả lời thì Chúa Giê su lại hỏi một câu hỏi xem ra có phần cắc cớ về vấn đề: ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi? Để rồi, chính Người lại tự mình trả lời câu hỏi đó rằng, tất cả mọi người đều có thể là mẹ, là anh chị em của Chúa nếu họ thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Chính đằng sau câu trả lời này là lời khẳng định, không ai có thể cản trở sứ vụ của Chúa ngay cả gia đình của Người.
Vậy chúng ta nghĩ gì khi mình là thành viên gia đình của Chúa?
Là người nhà Chúa, có khi nào chúng ta cản trở anh chị em khác khi họ đang cố gắng thi hành thánh ý Thiên Chúa không? Hay chúng ta thường ẩn dấu mình cũng như người anh chị em vì chúng ta đang trần truồng như tổ tông loài người khi xưa? Thật ra, chúng ta khó có thể ẩn dấu mình hay ẩn dấu anh chị em mình với lí do danh dự, xấu hổ, hay danh tiếng cộng đồng. Bởi vì, mỗi người khi đã là thành viên trong gia đình Chúa thì luôn cố gắng thi hành Thánh ý mặc dù người nhà mình có cố gắng ngăn cản đi chăng nữa. Nói cách khác, ý Chúa thì không ai có thể ngăn cản được.
Khẳng định như thế nhắc nhớ về một kinh nghiệm của một anh chàng sinh viên trẻ thi vào học viện. Cha giám đốc đã phỏng vấn rằng, “cậu có điên không mà đi tu vậy?” Trả lời câu hỏi đó, chàng trai trẻ chỉ có thể cười và nói cho qua chuyện. Về sau, cậu nghĩ lại rằng, có lẽ mình có thể trả lời rằng, “Vâng, con cũng điên giống như cha vậy ạ!”
Câu trả lời đó cho chúng ta thiết nghĩ rằng, trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa không khó lắm, chẳng qua chỉ cần ‘điên’ một tí là được. Như thánh Phaolô truyền đạt, chúng ta đã được huấn luyện để gánh lấy cả một khối vinh quang vô tận. Cho nên, một chút gian truân, thử thách tạm thời thì có kể là gì? Tất cả rồi cũng qua đi mà thôi.
Sau tất cả, chúng ta đều có thể trở về nhà đích thực và tự hào rằng mình là thành viên, là anh chị em của Chúa Giêsu Kitô. Dẫu sự việc có xảy ra thế nào, là chào đón hay cản trở, đều không có là gì nếu chúng ta mãi thi hành thánh ý Chúa. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.