Thứ Th 7,
22/06/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B
Lời Chúa: G 38:1. 8-11; 2 Cr 5:14-17; Mc 4:35-41
Chúa giúp sức vượt qua sóng gió cuộc đời
Ai đó có dịp ra biển mà gặp phải gió lớn thì chắc cũng cảm nhận được thế nào gọi là sóng to gió lớn. Nó trở thành một nỗi ám ảnh khó thể phai nhòa đối với người thuyền nhân. Anh chị được gọi là thuyền nhân vì là những người tị nạn vượt biển bằng thuyền, những người đã rời khỏi quê cha đất mẹ bằng cách đối diện với sóng biển. Đó là sóng gió trên biển cả còn sóng gió cuộc đời thì sao?
Hình ảnh sóng cao cũng đã được trình thuật trong sách Gióp khi tác giả trình thuật lời Đức Chúa. Dường như trong Lời của Đức Chúa không chỉ có sóng cao mà còn sóng ngầm từ đáy vực sâu. Tất cả dù sống nổi hay sóng ngầm, dù có cao lớn thế nào, tuôn trào ra sao đều bị đánh tan, đều được tay Chúa khép lại. Trong trình thuật này, Thiên Chúa được tái hiện là một Đấng đầy uy quyền và rõ ràng trong việc bảo vệ và phân chia ranh giới. Tất cả mọi sự dù có diễn ra nguy hiểm và phức tạp đến đâu đều có điểm dừng, đều không thể tiến xa hơn nữa.
Hình ảnh uy quyền trước bão táp, cuồng phong đó đã được thể hiện rõ qua hành động Chúa Giêsu Kitô. Đối với Chúa, sóng có ập vào thuyền, nước có đầy trong khoang thì cũng không thể ngăn cản được giấc ngủ của Người. Việc Chúa dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ thể hiện sự bình thản của Người trước những khó khăn thử thách trong chiếc thuyền trên biển đời bấp bênh. Thế nhưng, Chúa lại thức dậy khi các môn đệ chạy đến với Người.
Điều này nhắc nhớ người Chúa rằng, những thảm họa hay đại dịch vốn xảy ra như là những hiện tượng tự nhiên do có sự mất cân bằng. Những lúc đó, Thiên Chúa dường như ngủ quên trong sự im lặng. Thế nhưng, Người luôn lắng nghe và quan tâm đến con người khi con người biết chạy đến với Chúa. Hiểu như thế không có nghĩa Chúa chỉ yêu thương, chăm sóc con người khi con người cần đến nhưng đúng hơn, con người thường quên mất sự quan phòng của Chúa. Để rồi, khi gặp khó khăn thử thách, khi nhát sợ vì thiếu lòng tin, con người mới nhận ra uy quyền của Người.
Thiên Chúa luôn ra tay vạch sẵn những điểm dừng, khép lại những vực sâu, cũng như ngăm đe gió phải câm nín và truyền cho biển phải tắt lặng. Điều đó cũng xảy ra trên chiếc thuyền của mỗi người khi lênh đênh trên biển đời. Thiên Chúa luôn có điểm dừng cho mỗi người và sẵn sàng mang bình an đến cho những ai đang gặp khó khăn thử thách. Lúc đó, mỗi người bỗng nhận ra mình thật là nhát gan, lòng tin của mình vẫn còn chưa đong đầy.
Chính lúc đó người theo Chúa nhận ra quyền năng Thiên Chúa thật cao vời khôn ví và thốt lên rằng Thiên Chúa là Đấng mà gió và biển cũng tuân lệnh. Vâng, lệnh truyền của Chúa thì có ai có thể ngừng lại được? Nhất là lệnh truyền của Chúa xuất phát từ sự yêu thương và quan phòng của Người.
Như lời của thánh Phao lô khẳng định rằng, “tình yêu Đức Ki tô thôi thúc chúng tôi.” (2 Cr 5:14). Đây là một sự thôi thúc đến từ chính thập giá qua cái chết của Người. Người không chết để rồi mọi người đều chết nhưng Chúa Giêsu đã chết và đã phục sinh. Chính cái chết và phục sinh của Người đã đem lại sự sống cho muôn người. Một sự sống mới không xóa bỏ mà kiện toàn. Chính từ sự kiện toàn đó mà mỗi người tín hữu có thể bình an trên thuyền khi đối diện với biển đời.
Nguyện ước sao, mỗi người chúng ta luôn nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Cách đặc biệt, nhận ra tình yêu của Thiên Chúa để luôn kêu cầu Người và đủ sức mạnh vượt qua sóng gió cuộc đời. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.