Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm B

Thứ Th 7,
29/06/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Kn 1:13-15; 2:23-24; 2 Cr 8:7.9.13-15; Mc 5:21-43

Ranh Giới Giữa Sống Và Chết

Khi nhìn vì những tổn thương xảy ra trong cuộc sống, nhất là những biến cố lớn mà nguy hiểm đến tính mạng, con người dường như sẽ thấu tỏ thế nào là ranh giới sống-chết. Điểm đặc biệt xảy ra khi biến cố thập tử nhất sinh xảy đến, rồi qua đi nhưng nó để lại những dấu ấn. Những gì đã qua dường như không quan trọng cho bằng những gì còn xót lại. Xót lại sau những tổn thương thật là điều cần thấu tỏ.

Sách Khôn ngoan trình thuật lại những gì còn sót lại khi khẳng định Thiên Chúa không làm ra cái chết và sự chết chẳng phải là niềm vui của Người. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Chúa của người sống. Người là Đấng Tạo Dựng, Đấng ban sự sống cho muôn loài để tất cả hiện hữu và mang lại lợi ích cho nhau. Trong Chúa, mọi sự không chỉ có sự sống mà còn có sự trường tồn bất diệt. Nhất là con người, là tạo vật được diễm phúc mặc lấy hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Thế mà, con người với sự tự do lựa chọn của mình đã tìm về sự chết hơn là sự sống. Vậy liệu có gì còn sót lại sau cái chết?

Tác giả Tin Mừng theo thánh Máccô trình thuật lại sự trỗi dậy sau cái chết với cấu trúc bánh mì kẹp quen thuộc. Đoạn mở đầu và kết thúc đề cập đến sự nguy kịch và sự trỗi dậy của đứa con gái ông trưởng hội đường Gia-ia (Mc 5:21-24; 35-43). Đoạn giữa lại là trình thuật về một bà băng huyết được chữa lành (Mc 5:25-34). 

Lướt qua bản văn, dường như hai câu chuyện không có gì liên quan với nhau. Để rồi khi đi sâu vào tìm hiểu, hai câu chuyện có những chi tiết đặc biệt. Như là cả hai đối tượng được cứu và trỗi dậy đều là nữ giới, con số mười hai là số năm đau khổ của bà kia cũng là số tuổi của bé gái, và cái quả cả hai điều được Chúa chữa lành và cho trỗi dậy. Có thể nói, sau sự đau khổ thì có sự ũi an, chữa lành; sau cái chết lại có sự chỗi dậy.

Đó là điều đã xảy ra trong trình thuật Tin Mừng, còn trong đời sống chúng ta thì sao? Liệu rằng chúng ta có nhận ra được sự an ũi, có lắng nghe được lời mời gọi trỗi dậy không? Câu trả lời thật khó, nhất là cho những ai đã trãi qua những kinh nghiệm đau khổ, mất mát khi phải đối diện với sự đau bệnh hay sự ra đi của người thân. Nhiều người chỉ biết thốt lên, con phải làm gì đây, nên làm gì bây giờ? Người đi thì đã về với Chúa, còn người ở lại thì sao?

Vâng, sự thật thì vết thương dù có được chữa lành thì vẫn còn lại sẹo, Chúa Giêsu có phục sinh vẫn mang trên mình năm dấu thánh. Nên chăng, ranh giới giữa sống và chết thật không thể phân biệt và đôi lúc không nên tách biệt. Đúng hơn, đó là một thực tế mà con người luôn phải đối diện. Để rồi, lắng nghe Lời Chúa mời gọi mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình.

Như trong thư gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đề nghị một lối sống khó nghèo và bác ái. Có thể suy gẫm khó nghèo mà thánh nhân đề cập đến không chỉ dừng lại ở đời sống vật chất mà còn là đời sống tinh thần. Bởi lẽ, còn đó rất nhiều anh chị em có đời sống dư giả, đủ ăn đủ mặc nhưng vẫn mang trong mình những tổn thương, những thiếu thốn. Nên chăng, khi ai có sự trỗi vượt về đức tin, về bác ái thì hãy biết bác ái mà quãng đại sẻ chia. Để rồi, người có nhiều thì không dư mà người có ít cũng chẳng thiếu thốn chi.

Nguyện ước sao, mỗi người chúng ta sẽ có thể đến với những ai đang bị tổn thương, đang chịu đau khổ vì những gì còn lại sau cuộc chia ly. Và nếu ai trong chúng ta đang mang lấy những vết thương thì cũng nhận ra rằng, Chúa đã, đang và luôn đến để cứu chữa, để nói với chúng ta rằng: “Ta-li-tha-kum” – Này con, ta ngõ lời cùng con, hãy chỗi dậy đi! Đó phải chăng là những gì còn sót lại? Amen!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: