Thứ Th 7,
06/07/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Ed 2:2-5; 2Cr 12:7-10; Mc 6:1-6
Trở Về Dù Bị Nghi Ngờ, Rẻ Rúng
Khi nghĩ về quê hương, về nơi mình sinh ra và lớn lên, một số người sẽ thốt lên: “Chúng ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để trở về.” Lời nói đó chứa đựng tâm tình của những người con xa xứ, những người phải rời xa quê cha đất tổ vì nhiều lí do khác nhau. Thế mà, không phải sự trở về nào cũng được chào đón, cũng cảm nhận được những tâm tình “ở nhà.”
Quả là thế, trong bài trích sách ngôn sứ Êdêkien, vị ngôn sứ được sai đến với dân Chúa như một cuộc trở về chính nhà mình, nhà Ít-ra-en. Cuộc trở về này thật không dễ dàng gì bởi lẽ con cái Ít-ra-en được trình thuật khá tiêu cực. Họ được gọi là dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Họ đã có thái độ như thế qua các thế hệ khác nhau. Họ được gọi là những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá. Thế nhưng, điều đặc biệt là Thiên Chúa không ruồng bỏ họ, vẫn đến với họ qua các ngôn sứ của Người dù họ có nghe hay không.
Sự hiện diện của Thiên Chúa với dân người được trình thuật một cách cụ thể qua việc Chúa Giêsu trở về quê quán. Sự trở về của Chúa được trình thuật trong các Tin Mừng khác nhau và nó không còn xa lạ nữa. Vậy mà, người nghe biết về sự trở về của Chúa lại rất ngạc nhiên và đặt ra nhiều nghi vấn. Chính trong sự ngạc nhiên lại ẩn chứa một sự vấp ngã. Nhiều người vấp ngã vì họ lầm tưởng rằng họ biết rõ về Chúa. Họ biết Chúa là bác thợ, biết tên của thân mẫu và anh chị em.
Có thể nói, những người hàng xóm của Chúa Giêsu biết những thông tin bên ngoài của Người không thật sự thấu hiểu Người. Họ không biết bởi đâu mà bác thợ Giêsu lại có sự khôn ngoan, có thể làm được những phép lạ. Những nghi vấn được lặp đi lặp lại là bởi đâu? Nghĩa là làm sao? Nghĩa là gì? Và rồi, kết cuộc chính Chúa Giêsu lại lấy làm lạ vì họ không tin mà đi qua các làng chung quanh.
Đặt trong bối cảnh trở về nhà, có lẽ ai hy vọng càng nhiều sẽ càng thất vọng khi mang trên mình sứ vụ ngôn sứ. Khi mỗi người được Chúa sai trở về để nói Lời Chúa chứ không phải lời của mình. Và Lời Chúa đôi khi không hợp với ước muốn của bà con họ hàng lối xóm nên chuyện bị rẻ rúng cũng không có chi lạ lùng.
Điểm lạ lùng có thể là những điều vượt qua trí hiểu thông thường của mỗi người. Vì nếu cả một cộng đoàn đều nghĩ là mình đúng thì người nói sự thật lại là người sai. Như trong một thế giới mà tất cả mọi người đều hỏa thân thì người mặc quần áo lại là người dị hợm. Trong một thế giới vô thần, thì người theo Chúa có thể sẽ trở nên lạc lõng. Trong một xã hội dưng dưng, thì tôn giáo liệu còn có giá trị để chiêm niệm?
Thế mới biết, đôi khi đời người Kitô hữu cần có những cái dằm đâm vào để nhận ra mình đang còn nhiều thiếu xót. Như chính thánh Phaolô đã học biết mình tránh được thói tự cao tự đại khi bị vả mặt bởi mưu gian thuốc độc của tà thần. Điều Ngài tự hào không phải là những mặc khải phi thường mà chính là sự yếu đuối. Chính trong sự yếu đuối, đau khổ mà thánh nhân đã nhận ra, Ơn Chúa đủ cho ngài. Ngài đã vui sướng khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì tất cả đã xảy ra vì danh Đức Giêsu Kitô.
Vâng, chỉ khi nào con người thật sự nhận ra sự yếu đuối của mình thì lúc đó sức mạnh Thiên Chúa mới được thực hiện. Chính cái yếu đuối của con người đã được Thiên Chúa cho trở nên mạnh mẽ qua chính uy quyền của Người. Chính như ô nhục thập giá đã được suy tôn qua chính Thánh Giá khi Con Thiên Chúa được tôn vinh.
Ước mong sao, dù đi thi hành sứ vụ hay trở về nhà, mỗi người chúng ta sẽ luôn là ngôn sứ của Chúa. Chúng ta sẽ luôn trở về nhà dù có phải đối diện với những nghi ngờ, với sự rẻ rủng. Để rồi, trên tất cả, sự trở về của chúng ta sẽ không dừng lại ở đời này mà còn ở đời sau nữa. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.