Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm B

Thứ Th 7,
10/08/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm B
Lời Chúa:  Xh 16:2-4. 12-15; Ep 4:17.20-24. Ga 6:41-51

Được bánh hằng sống, còn xì xầm điều chi?

Đôi khi giới trẻ vẫn còn sử dụng câu nói: “Được voi đòi hai bà trưng” và có người còn chêm vào, “đòi thêm người quản tượng nữa.” Điều này đôi khi phản ánh một thái độ sống thiếu chấp nhận những gì mình đang có và luôn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Một sự đòi hỏi xem ra tích cực vì sự cầu tiến vươn lên, nhưng lắm lúc cũng thật là quá đáng vì thiếu trân trọng những gì đang có. Lắm lúc còn tệ hơn là ‘xì xầm’ to nhỏ mà không giám nói rõ ra. Phải chăng điều đó cũng diễn ra trong Tin Mừng hôm nay?

Trong một loại các bài diễn văn về chủ đề bánh hằng sống, Chúa Giêsu đã xác nhận, “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.” Đây là một lời khẳng định rõ ràng, Chúa Giêsu không tự mình mà đến. Chúa đến là do bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, là Cha ở trên trời. Chính quyền năng của Thiên Chúa đã ban chính Chúa Con làm bánh hằng sống cho muôn người. Một sự kết hợp đặc biệt, hay đúng hơn là kiện toàn, từ bánh từ trời này trở thành bánh hằng sống. Một loại bánh dưỡng nuôi xác hồn các tín hữu.

Thế mà sao, người Do Thái lại xì xầm? Có phải là họ biết rõ tên Chúa là Giêsu và cũng chỉ là con ông Giuse? Dường như họ khẳng định mình biết rõ về Người, biết cha dưới đất mà quên mất Cha trên trời nên ‘xì xầm’ về sự thật là bánh hằng sống từ chính Chúa Cha. Hay là họ chưa thỏa mãn với những gì mắt thấy, tay nghe mà còn đòi hỏi nhiều hơn thế nữa?

Thật ra, người Do Thái đòi hỏi cũng không quá đáng lắm, vì ai có thể hiểu được một loại bánh mang lại sự sống đời đời, một loại bánh được trao ban từ chính thân thể người trao tặng? Mặc dù, cha ông của họ đã từng được trãi nghiệm về lương thực đem lại sức sống lâu dài nhưng trí hiểu của họ về còn rất giới hạn về sự sống đời đời.

Nhớ lại khi xưa, chính dân Ít-ra-en đi trong nơi hoang vắng cũng đã ‘xì xầm.’ Họ xì xầm vì thiếu tin tưởng vào Đức Chúa, họ muốn nổi lên chống lại Môsê, chống lại Chúa. Như hiểu được nhu cầu của dân chúng, chính Thiên Chúa đã ban bánh và chim cút để họ đủ sức, đủ khả năng vượt qua sự thanh luyện suốt 40 năm mà bước vào Đất Hứa.

Ý nghĩa nuôi ăn để có sức mạnh trong hành trình Đức Tin đó cũng được nhắc đến trong trường hợp của Ê-li-a. Tiên tri này không chỉ ‘xì xầm’ mà còn lên tiếng xin được an nghĩ. Bởi vì ông nhận ra thân phận mình cũng như cha ông của mình mà thôi. Và rồi, chính nhờ lương thực bánh và nước từ Đức Chúa mà ông vững bước trong hành trình 40 ngày tiến tới núi của Thiên Chúa.

Nhìn vào hành trình Đức Tin của dân Is-ra-el, của người Do Thái, và của mỗi người chúng ta, dường như việc ‘xì xầm’ là không tránh khỏi. Dân xì xầm vì thiếu tin tưởng, người Do Thái xì xầm vì tưởng mình biết rõ mọi sự, còn mỗi người Kitô hữu thì sao? Có phải nhiều tín hữu vẫn còn xì xầm vì ăn chưa no, ngủ chưa ấm; hay ăn chưa ngon, mặc chưa đẹp? Phải chăng Ơn Chúa chưa đủ cho mỗi người sao?

Phần nào nhận ra sự ‘xì  xầm’ của người théo Chúa, thánh Phaolô nhắc nhở anh chị em chúng ta rằng: đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ mà phiền đến lòng Thánh Thần của Thiên Chúa. Trái lại, mỗi người được mời gọi tránh những hành vi gian ác mà đối xử với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau. Có như thế, mỗi tín hữu sẽ ngày càng giống Chúa hơn khi được yêu và biết yêu những anh chị em chung quanh. 

Ước mong sao, mỗi người chúng ta luôn tập từ bỏ thái độ ‘xì xầm’ vì những giới hạn của mình. Để rồi, mỗi người anh chị em chúng ta luôn biết hài lòng mà tin tưởng lãnh nhận bánh hằng sống cũng chính là thân thể của Chúa Giêsu Kitô. Amen!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: