Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên Năm B

Thứ Th 7,
13/07/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Am 7:12-15; Ep 1:3-14; Mc 6:7-13

Buông bỏ mà vẫn còn quan tâm

Nói về đời sống thánh hiến, dường như ai cũng nghĩ đến một đời sống buông bỏ tất cả. Người thánh hiến buông bỏ gia đình, tài sản, và cả ‘người thương’ để theo Chúa Giêsu. Sự buông bỏ xem ra tuyệt đối nhưng lắm lúc vẫn còn những mối quan tâm. Quan tâm như thế thì liệu có được gọi là buông bỏ thật sự chưa?

Liên quan đến vấn đề này, ngôn sứ A-mốt trả lời với sự buông bỏ của mình. Sự buông bỏ dù không hoàn toàn tự nguyện được sánh ví qua hình ảnh người chăn nuôi được bắt ra khỏi đàn vật, người nông dân được tách ra khỏi nông trại. Khi đặt trong bối cảnh mục vụ, sự buông bỏ này được hiểu như mục tử nhân lành bị tách ra khỏi ràn chiên, như giám mục phải rời khỏi giáo phận của mình. Có thể nói, sự tách biệt này đòi buộc một sự buông bỏ nhưng vẫn còn quan tâm. Sự quan tâm chính là Lời Chúa phán: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta.” 

Như thế, chúng ta có thể hiểu rằng Thiên Chúa luôn có kế hoạch cho những ngôn sứ của Người và khi kế hoạch đã được thiết lập thì hãy thi hành. Để thi hành, người theo Chúa được mời gọi buông bỏ tất cả để chỉ còn quan tâm đến kế hoạch và Thánh Ý Chúa. 

Điều này cũng được thể hiện trong trường hợp của Chúa Giêsu khi bà con lối xóm tò mò tìm đến và cuối cùng từ chối Người. Họ đã không tin vào Chúa Giêsu nên dường như Người cũng buông bỏ họ mà đi qua các làng lân cận. Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn còn quan tâm đến sứ vụ của Người và sai các nhóm Mười Hai ra đi từng hai người một. Người chỉ thị các ông với tâm tình buông bỏ khi ra đi không mang gì theo. Cụ thể là không mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, không mặc hai áo và không bận tâm đến chỗ ở. Thế nhưng, với sự quan tâm, Chúa cho phép các ông được mang theo gậy, được đi dép và được vào bất cứ nhà nào.

Điểm thú vị trong trình thuật Tin Mừng là Chúa mời gọi buông bỏ nhưng vẫn quan tâm. Quan tâm đến sứ vụ Cha trao, quan tâm đến sự thiết yếu cho đời sống và cũng quan tâm đến sự chào đón và ruồng bỏ của mọi người. Chúa quan tâm vì chính Chúa cũng đã trải nghiệm kinh nghiệm bị nghi ngờ, rẻ rúng. Để rồi, Chúa đề nghị một hành động như là một dấu chỉ cảnh báo là “giũ bụi đất dưới chân” (Mc 6:11).

Đặt trong bối cảnh giao ước cũ, đây là  một hành động phản ứng mạnh mẽ. Bởi lẽ, hành động này có thể được xem là cử chỉ của một ngôn sứ cảnh báo về sự phán xét. Vì đây là hành động của người Do Thái khi trở về Đất Thánh từ vùng dân ngoại. Họ giũ bụi đất để không mang theo bất cứ gì ‘ô uế’ từ dân ngoại với họ. Như thế, nơi nào không đón nhận môn đệ của Chúa thì được cảnh báo có nguy cơ trở thành vùng ‘ô uế’. Đây cũng là lời cảnh báo đến từ sự quan tâm của Chúa cho những ai được mời gọi đón tiếp các môn đệ của Người. 

Trong bối cảnh giao ước mới, lời chỉ thị của Chúa là một sự buông bỏ để sứ vụ loan báo Tin Mừng trở nên nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng khi không phải bận tâm đến những điều không cần thiết, những thứ làm cho cuộc sống thêm nặng nề. Để rồi, sự buông bỏ thật sự vẫn còn sự quan tâm hay đúng hơn là sự tập trung. Tập trung vào sứ vụ Chúa trao, quan tâm đến những vấn đề thiết yếu của đời sống và nhất là, vai trò cảnh báo của các ngôn sứ.

Nguyện ước sao, người theo Chúa không phải là để buông bỏ lối sống nghèo khó, gia đình, người thân, người thương để rồi được một lối sống giàu sang, và anh chị em nơi cộng đoàn. Hay nhiều người chối bỏ đời sống đau khổ, thử thách mà chiếm lấy cuộc sống hạnh phúc, bình an nơi các hội dòng. Đúng hơn là, người theo Chúa từ bỏ thanh xuân của mình để dấn thân vào đời phục vụ mục vụ, để ‘nhẹ gánh’ với những chỉ thị của Chúa mà ‘gánh nặng’ với các sứ vụ Chúa trao. Và ước mong sao, mỗi người đều có thể buông bỏ để đi theo Chúa mà vẫn quan tâm đến mọi người, để cảnh báo chứ không phải phán xét. Amen!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: