Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B

Thứ Th 7,
27/07/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B
Lời Chúa:  2 V 4:42-44; Ep 4:1-6; Ga 6:1-15

Ăn No Thỏa Thích Sao Còn Thu Lại?

Trong một dịp đi ăn, một vị tu sĩ thấy thức ăn còn thừa nên đã xin hộp để đem về. Trong cách nói tiếng Anh thì hành động đó được gọi là ‘take-away’. Nó không chỉ có nghĩa là đem đồ ăn thừa về mà đúng hơn là mua thức ăn rồi đem đi một nơi khác để ăn. Nơi đó có thể là nhà hay một nơi thuận tiện nào khác. Hành động xin hộp và đem thức ăn thừa này ra khỏi quán đã làm cho vài người suy nghĩ với những cách nhìn khác nhau, nhất là những vị ‘du khách.’ Đối diện với những cách nhìn khác nhau như thế, liệu mỗi người có phân vân vì sao mà đã ăn no thỏa thích lại còn đi thu góp lại không?

Câu trả lời xem ra khá đơn giản từ Lời Chúa Giêsu dành cho các muôn đệ đó là, “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Đặt trong bối cảnh giao ước cũ, cách đặc biệt là sách các Vua quyển thứ hai, hành động thu lại không được trình thuật. Một cách cụ thể, tình trạng nạn đói đã xảy ra thế mà vẫn có người đem bánh đầu mùa đến biếu ông Êlisa. Ông đã nhận được hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm vì ông là người của Thiên Chúa. Để rồi, ông không giữ riêng cho mình mà phân phát cho mọi người. Dù có gặp chút cản trở từ các môn đệ nhưng ông vẫn quyết tâm chia sẻ. Sự chia sẻ của ông không bị mất mát mà ngược lại còn đầy dư như lời Đức Chúa đã phán.

Thật ra, sự lạ này không quá lạ lẫm vì chính Môsê qua lời Đức Chúa cũng đã ban phát lương thực cho dân trong sa mạc. Đó chính là bánh từ trời hay manna được cung cấp mỗi ngày cho dân đi trong sa mạc. Hành động này lại trở nên quen thuộc hơn khi chính Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Điểm thú vị là hành động của Chúa Giêsu lặp lại sáu bước khác nhau của Êlisa. Đó là có người cung cấp bánh, vị ngôn sứ truyền lệnh, các môn đệ đặt vấn đề, ngôn sứ truyền lệnh lại, thức ăn được cung cấp và cuối cùng còn dư đầy.

Mặc dù các bước có phần khác nhau về thứ tự nhưng Chúa Giêsu cũng đã thực hiện các bước đó. Người truyền lệnh với một câu hỏi nhẹ nhàng, mời gọi mỗi người tham dự, để mọi người ngồi nghỉ ngơi. Chính Người thì đón nhận bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho mọi người. Điểm khác lạ trong hành động của Chúa Giêsu chính là dâng lời tạ ơn được trình thuật trong cả bốn Tin Mừng, và lời mời gọi thu lại những gì đầy dư kẻo phí đi chỉ có trong Tin Mừng Gioan. 

Phải chăng, Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở một vị mục tử nhân lành, một vị chạnh lòng thương đàn chiên bơ vơ lạc lõng mà còn cho ăn? Có lẽ hơn như thế, Chúa Giêsu biết mình đến từ đầu và bánh Chúa trao không chỉ là bánh từ trời, bánh mau hư mất không thể để qua ngày mà Chúa con trao ban chính thân thể mình, là Bánh Trường Sinh. 

Quả là thế, nếu so sánh các con số thì Êlisa có hai mươi chiếc bánh và cốm cũng chỉ đầy dư cho trăm người. Còn Chúa Giêsu, người chỉ võn vẹn nhận được năm chiếc bánh và hai con cá từ một em bé cũng đủ cho năm ngàn người. Một sự so sánh rất chênh lệch mà phần dư còn cụ thể đầy được mười hai thúng đầy, một con số biểu tượng cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Nếu không thu lại thì quả là phí, phí cho cho một dân tộc, phí cho dân được Chúa chọn làm dân riêng của Người.

Một cách nhìn như thế giúp chúng ta cảm nhận được phần nào khi chúng ta đã, đang và có thể sẽ ‘phí’ hoài Ơn Chúa. Đối với Chúa, Người lo lắng cho mỗi người cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, sẵn sàng chăm lo ban phát mọi ơn lành. Thiên Chúa không phí khi ban chính người Con Một và ban luôn chính cả thân xác của mình làm của ăn. Vậy mà sao chúng ta lại phí hoài? 

Nguyện ước cho mỗi người đều can đảm ‘take away’ để đem của ăn sẵn có về không chỉ cho mình và cho mọi người. Chúng ta sẵn sàng hy sinh quảng đại để thu góp với Chúa, để trao ban đến tất cả những anh chị em chung quanh. Và ước mong sao, mỗi người đều được đầy dư và không phí hoài của nuôi thể xác lẫn tâm hồn. Amen!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: