Thứ CN,
18/08/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XX Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Cn 9:1-6; Ep 5:15-20; Ga 6:51-58
Từ Xì Xầm đến Tranh Luận, Từ Gần đến Xa Sự Thật?
Chuyện kể về thời Giáo Hội sơ khai, nhiều người chống đối và bách hại các Kitô hữu đã đưa ra nhiều tin đồn. Một trong những tin đồn đó là các tín hữu tụ tập lại với nhau để giết trẻ em rồi ăn thịt uống máu. Những người tín hữu này không cảm thấy ghê tởm, hối lỗi mà ngược lại còn vui mừng và bình an vì đã làm việc đó. Nếu sự thật là như thế thì đúng người Kitô hữu thật sự rất máu me, rất hiếu chiến chứ có yêu thương, tha thứ gì đâu. Điều đáng tiếc là, tin đồn đôi khi chỉ phản ánh một phần sự thật, hay đúng hơn là hoàn toàn sai sự thật khi người tung tin thiếu hiểu biết, thiếu tâm tình biết mình biết người.
Tiếp tục loại bài diễn văn về chủ đề bánh hằng sống, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục xác nhận, “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.” Thêm vào đó, Chúa lại công bố rõ ràng, bánh Người ban chính là thân thể của Người, là thịt bởi thịt Người và máu bởi máu Người. Lương thực này không chỉ ban cho riêng một ai mà cho cả thế gian. Bánh này không dừng lại ở thể xác mau hư mất mà dưỡng nuôi sự sống đời đời.
Cũng vì những khẳng định rõ ràng như thế, người Do Thái không còn xì xầm với nhau nữa mà tranh luận sôi nổi với nhau. Lần này, họ không còn cậy dựa vào hiểu biết của mình về nguồn gốc trần thế của Chúa Giêsu mà tập trung vào một chuyện không tưởng. Chuyện một người cho ăn chính thịt mình và cho uống chính máu mình. Thiết tưởng, kết quả của sự tranh luận là sự trồi lên của sự thật, hay đến gần với sự khôn ngoan hơn; thì sao lại không tranh luận?
Phải chăng, người tranh luận đang còn ngây thơ khờ dại, vẫn còn chưa biết trên con đường hiểu biết. Nếu quả là thế, thì việc tranh luận thay vì xì xầm đã khiến người lên tiếng càng ngày càng đi xa chân lí, xa sự thật hơn là đến gần. Thế mới hiểu lời mời gọi của Đức Khôn Ngoan trong bài trích sách Châm Ngôn. Hỡi người ngây thơ, hỡi kẻ dại khờ hãy đến mà ăn, hãy đến mà uống. Sao lại mãi từ chối bánh đã được dọn, rượu đã được pha? Phải chăng, lòng người còn chai đá, còn cứng lòng mà chưa biết nhận ra những gì Đức Khôn Ngoan đã bày sẵn?
Đáng tiếc thay, sự thật đã xảy ra như thế với người Do Thái vì họ tranh luận không phải tìm ra sự thật mà đúng hơn nên hiểu thái độ ‘càu nhàu’ theo sau sự ‘xì xầm’, ‘lảm nhảm’ như cha ông họ khi xưa. Họ sôi nổi không phải để cố gắng hiểu và chấp nhận Chúa Giêsu nhưng ngược lại là để từ chối Người. Họ bị giới hạn nơi thể lí mà quên mất chỉ có cơ thể vật lí mới thật sự cung cấp thịt, mới tuôn trào ra máu mà thôi. Chính lời khẳng định như một giao ước này đã được thực hiện trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người.
Đến đây, Chúa Giêsu lập lại từ ‘Amen’ như một điệp khúc ‘Amen, amen,’ để khẳng định sự thật, khẳng định những gì Đức Khôn Ngoan thực hiện. Chính sự thật này cũng mời gọi sự đáp lời của người Do Thái, của người theo Chúa khi xưa và mỗi người chúng ta khi nay. Nhất là khi chúng ta lớn tiếng ‘sôi nổi’ càu nhàu để tạo ra những làn sóng dư luận, tạo ra những tin đồn thất thiệt. Khi đó, chúng ta quên mất chính Chúa Giê su mới ‘là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống’. Chúng ta tưởng rằng mình gần nhưng rồi lại ngày càng xa Chúa.
Có lẽ thế mà thánh Phaolô mời các tín hữu cộng đoàn Êphêxô cũng như mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng mãi khờ dại, nhưng hãy biết khôn ngoan, biết trân quí những giây phút hiện tại. Một cách cụ thể, thánh nhân mời gọi mỗi người chớ đừng trụy lạc theo thói say sưa rượu chè. Hay chúng ta có thể thêm vào là đừng mãi ồn ào càu nhàu, đừng phao tin đồn nhảm theo kiểu chút sự thật, hay hoàn toàn sai chân lí. Thay vào đó, chúng ta hãy năng nói lời hay ý đẹp, hãy Loan Báo Tin Mừng.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta sẽ luôn biết cẩn trọng trong lời nói và thái độ sống của mình, để chúng ta bớt bất xứng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Và nguyện ước cho mỗi người chúng ta luôn biết cảm tạ Thiên Chúa là Cha qua những gì Người đã ban tặng. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.