Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B

Thứ Th 7,
24/08/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Gs 24:1-2a. 15-17. 18b; Ep 5:21-32; Ga 6:54a. 60-69

Chướng tai gai mắt, ai đã chấp nhận?

Thử hỏi, một người đã trao ban tất cả, kể cả mạng sống cho người khác mà bị từ chối sẽ cảm thấy như thế nào? Đây có lẽ là một sự tổn thương rất lớn. Sự tổn thương này lại càng trở nên sâu rộng hơn khi người từ chối chính là những người thân thiết, những người đi bên cạnh mình. Sự tổn thương qua sự từ chối này như là một phần trong đời sống rao giảng của Chúa Giêsu. Vậy thì ai có thể chấp nhận Người?

Khởi đi từ những người Do Thái, những người được xem là Dân Thiên Chúa, là dân được Chúa ưu ái sai chính Người Con Một Duy Nhất đến cư ngụ cùng. Thế mà, thay vì chấp nhận, những người này lại xì xầm rồi ồn ào càu nhau với nhau như chính cha ông của họ vậy. Rồi sau đó, cả những người đi theo Chúa, những người được gọi là môn đệ cũng xì xầm, cũng chướng tai gai mắt vì những gì họ nghe được từ thầy mình. Họ đã phản ứng thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe được?” (Ga 6:60).

Vâng, Lời Chúa đôi khi thật chướng tai như thế nhưng vẫn còn đó những người đón nhận hay chấp nhận những điều này. Đó là những người gần gũi thân thiết, những người đi sát vị thầy của mình. Họ được gọi là Nhóm Mười Hai, là những Tông Đồ của Chúa, những cột trụ của Giáo Hội. Họ là những người, mà đại diện là Simôn Phêrô, đã thốt lên: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mời có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).

Lược lại lịch sử Cứu Độ trong bối cảnh Dân Chúa đã chinh phục đất Canaan. Đây là vùng Đất Hứa đã được chia cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Lúc này, Giôsuê đã quy tụ các kỳ mục, thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Những người được quy tụ này chính là những người đại diện cho toàn dân. Với vị thế là người đại diện, cũng là người đứng đầu, Giôsuê đã không ép buộc mà để cho toàn dân tùy ý lựa chọn một hay các vị thần cho họ. Phần Giôsuê, ông và gia đình chỉ lựa chọn phụng thờ Đức Chúa. Ngạc nhiên thay, toàn dân đã lựa chọn phụng thờ Đức Chúa vì nhớ lại những gì Người đã thực hiện. Hơn thế nữa, l‎ý do họ đưa ra cũng là một phần của giao ước. Đó là Đức Chúa là Thiên Chúa của dân. Có thể nói, Dân Chúa thay đổi với tâm tính bất thường, nhưng khi cần họ vẫn tuyên xưng lòng trung thành hướng về Thiên Chúa duy nhất.

Thế là mới vỡ lẽ ra, dù sự chối từ có diễn ra thế nào đi chăng nữa, dù Lời Chúa khiến nhiều người cảm thấy chướng tai gai mắt, thì vẫn còn đó những người vững tin, những người trung tín đón nhận và tuyên xưng. Những người này đã tin và nhận biết chính Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Để rồi, dù có phải đối diện với những khó khăn, thử thách, với những lúc gục gã và có khi chối cả thầy mình, người theo Chúa vẫn có thể đứng vững, gượng gậy và sẵn sàng chết để làm chứng nhân cho thầy mình. Để có thể vững tiến và trung tín như thế, người tín hữu được mời gọi bước vào và xây dựng một tương quan sâu đậm, thân mật với Thiên Chúa.

Tương quan đặc biệt này được thánh Phaolô diễn tả như tương quan hôn nhân, tương quan giữa chồng và vợ, giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh. Tương quan này mang tính biểu tượng nhưng cũng rất thực tế trong đời sống gia đình. Một tương quan đòi hỏi sự dung hòa và đầy tình yêu thương. Vâng, như một câu chuyện của bé trai [1] dù cũng chỉ giới hạn trong một cách nhìn thiếu xót mang tính một chiều; nhưng cũng phản ánh phần nào sự yêu thương của người nam dành cho người nữ, như Chúa Giêsu vẫn yêu thương, chăm sóc Hội Thánh. Còn nếu một số người chỉ đọc phần đầu mà thắc mắc người nữ lo phục tùng chồng mình thì có lẽ sẽ rất thiếu xót.  

Ước mong sao, mỗi người theo Chúa sẽ luôn đủ dung hòa và yêu thương để đón nhận những điều ‘chướng tai gai mắt’ mà mãi trung tín bước theo Chúa và năng nhận chính Mình Máu Thánh cũng là tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng. Amen!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.


[1] Chuyện về một bé trai nói chuyện với mẹ mình, em muốn sinh ra làm phái nữ hơn là phái nam. Nghe lời đó, người mẹ thắc mắc vì sao em lại muốn là nữ giới. Bé trai trả lời rằng, lúc sinh ra bé gái được cha yêu thương, chăm sóc; khi lấy chồng, được chồng yêu thương chiều chuộng; khi về già thì có con trai cạnh kề quan tâm. Còn bé nam, lúc nhỏ thì bị mẹ mắng; lấy vợ thì phải coi vợ như là ‘nóc nhà’ và lo đi làm việc vì ở nhà thì được coi là vô dụng, bất tài, đi làm nhiều quá thì bị trách không quan tâm gia đình; đến già thì không biết số phận như thế nào nữa?

popup

Số lượng:

Tổng tiền: