Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm A

Thứ Th 7,
09/09/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm A
Lời Chúa: Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
Quy tụ để yêu thương

Thực tế đời sống, ai cũng có lúc thành công và thất bại, ai cũng có lúc hành động đúng đắn và sai trái. Nhưng có lẽ, ai cũng muốn được yêu thương tha thứ hơn là bị xét đoán chỉ trích. Dẫu rằng, lắm lúc chúng ta nhận mình chỉ là đang suy tư để phản biện, tranh luận để tìm ra điểm chung, tìm ra chân lý; nhưng chúng ta cũng nên ý thức rằng, việc quy tụ là để yêu thương chứ không phải để phán xét. Chúng ta góp ý để xây dựng chứ không buông lời ‘thẳng thắn’ gây tổn thương nhau.

Trong bài đọc I hôm nay, ngôn sứ Êdêkien nhắc đến hình ảnh người canh gác và kẻ gian ác. Hai người này dường như có vai trò khác nhau và không liên quan đến nhau. Người canh gác có nhiệm vụ lắng nghe lời Đức Chúa và báo cho nhà Ítraen. Nhiệm vụ chính yếu người này là cảnh báo dù người khác có nghe hay không. Thế nên, người canh gác hoàn thành vai trò khi biết cảnh báo; ngược lại, người này sẽ bị đòi nợ máu nếu không biết cảnh báo.

Còn nhà Ítraen xem ra bị đánh đồng với kẻ gian ác khi bất trung với Đức Chúa. Họ như một kẻ gian ác không trở lại mà chịu tử vong thì đó là tội của họ. Có thể nói, vai trò chính yếu người gian ác là biết lắng nghe lời cảnh báo và từ bỏ con đường xấu xa. Nếu biết hối cải thì người này sẽ cứu lấy được mạng sống mình. Điều này nhắc nhở chúng ta là mình đang là kẻ gian ác hay người canh gác?

Vấn đề về việc cảnh báo cũng được nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Tiến trình xem ra khá đơn giản, từ gặp riêng một đối một đến hai nhân chứng kèm theo; và kết thúc là đưa người đó ra công khai. Cái kết sẽ dành cho người phạm tội không biết ăn năn trở lại dường như chỉ có một. Đó là sự cắt đứt tương quan với cộng đồng. Tương quan bị cắt đứt như người ngoại không liên quan gì đến cộng đoàn, như người mang đầy tội lỗi mà lẽ thường bị tránh xa.

Đọc lại đoạn Tin Mừng, chúng ta nhận ra độc giả chính yếu của thánh Mátthêu chính là tín hữu gốc Do Thái. Việc có hai hoặc ba chứng nhân là chuyện bình thường khi đưa một người ra xét xử. Việc kết án xem ra cũng không có gì xa lạ. 

Thế nhưng, sự lạ ở đây là việc Chúa Giêsu có cách nhìn kiện toàn. Sự kiện toàn của Chúa là nhấn đến việc hai người họp nhau lại để cầu xin, chứ không phải để xét xử. Việc hợp ý đó không chỉ dừng lại ở hai ba người mà còn có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Quả thế, Chúa đã khẳng định, “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Những điều này giúp chúng ta hiểu hơn về thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma khi ngài viết về giới luật yêu thương. Giới luật yêu thương người thân cận như chính mình là giới răn tóm gọn hết những lề luật. Giới răn này thật khác lạ vì những gì trong luật dạy là tập trung vào không được làm điều này, điều kia. Ví như là không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không ham muốn, … Còn điều răn yêu thường là một lời khích lệ, như một chu toàn bổn phận “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, người Công giáo thường xuyên quy tụ lại với nhau, nhất là quy tụ trong thánh lễ để làm gì không? Phải chăng, câu trả lời chỉ là để chu toàn luật buộc giữ lễ ngày Chúa nhật?

Có lẽ, chúng ta luôn ý thức rằng, thánh lễ hay những dịp chúng ta quy tụ là để phụng thờ Thiên Chúa và được Người thánh hóa. Không dừng lại ở đó, Chúa mời gọi chúng ta hãy quy tụ lại để nhận ra sự hiện diện của Chúa, nhận ra Chúa là tình yêu đang cư ngụ giữa chúng ta. Có như thế, chúng ta xác tín việc chúng ta đến với nhau và với Chúa là để yêu thương, để xây dựng chứ không phải để chỉ trích, xét đoán. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: