Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Năm A

Thứ Th 7,
16/09/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Năm A
Lời Chúa: Hc 27,30-28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35
Tha thứ cho người là cho chính mình

Thường tình, một người làm việc sai trái hay nhận ra mình đã phạm lỗi lầm thì sẽ mong được sửa sai, được tha thứ. Nguyện ước đó có những lúc thật mong manh, thật khó đạt được vì lỗi phạm quá lớn hay chính mình không thể tha thứ cho mình. Dường như, sự tha thứ không chỉ đến từ bên ngoài mà sự chữa lành còn đạt được từ trong tâm mỗi người. Mỗt người một khi học biết tha thứ cho tha nhân cũng chính là lúc thứ tha cho chính mình.

Trình thuật lại sự tha thứ và chữa lành, tác giả sách Huấn Ca trong bài đọc I khắc họa nhân vật có những biểu hiện tương quan có vấn đề. Người này dường như thân thuộc với đời sống oán hờn và giận dữ, thường xuyên tính kế báo thù, cầu xin sự tha thứ mà chẳng biết tha thứ và yêu thương. Điều được ghi nhận trong đời sống hận thù và tội lỗi lại là nguyện ước xin Chúa chữa lành, xin được thứ tha. Ước nguyện này có thể trở thành hiện thực khi người này biết chấm dứt hận thù, biết nhận ra những hậu quả của nó. 

Sự tha thứ cũng đã được Phêrô đề cập trong khi đối thoại với Chúa Giêsu. Đặt trong bối cảnh cộng đoàn Mátthêu chủ yếu là những người Kitô hữu gốc Do Thái, con số bảy hoàn hảo đã được đưa ra. Con số này trở nên chuẩn mực, hay giới hạn để một người có thể tha thứ cho người khác. Dựa trên con số hoàn hảo này, Chúa Giêsu đã kiện toàn với câu trả lời bảy mươi lần bảy. Chúa đã không dừng lại ở số lần hoàn hảo, nhưng mời gọi Phêrô bước thêm một bước vào trong hành trình của sự thứ tha.

Lời mời gọi đó được Chúa Giêsu thực hiện qua câu chuyện chỉ có trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Câu chuyện trình thuật về tương quan giữa ông vua và các đầy tớ. Ông vua là một người công minh và giàu lòng thương xót đã sẵn sàng tha thứ. Ông đã đã cho một người đầy tớ nợ ông mười ngàn yến vàng ra về và tha luôn món nợ khi người này sấp mình lạy lục van xin.

Câu chuyện sẽ không có gì đặc biệt cho đến khi người đầy tớ này bắt gặp người đồng bạn của mình. Chuyện xảy ra dường như ngay lập tức khi anh vừa ra bên ngoài, vừa được tha luôn món nợ. Anh đã quên ngay lập tức những gì tôn chủ đã tha cho anh. Anh quên mất anh chỉ là đầy tớ so với vị vua còn người van xin anh là người đồng bạn của anh. Anh cũng quên luôn món nợ của anh bằng cả đời người làm việc mới trả hết. Trong khi đó, người đồng bạn chỉ nợ anh vài tháng lương.

Xét trong tương quan lẫn sự chênh lệch số tiền đó, người đầy tớ đã có hành động không thể chấp nhận được. Quả thế, anh chẳng những không biết thứ tha mà còn tống bạn mình vào ngục chỉ vì món tiền nhỏ. Anh quên mất mình được tha thứ thì cũng biết cách thứ tha. Anh cũng đã không nhận ra, anh chỉ thật sự được tha thứ khi anh biết thứ tha cho người khác. Kết quả, người đầy tớ đã phải trả lẽ về những gì mình đã làm, anh đã không được tha thứ mà còn mang nợ cả đời.

Nhìn lại nhiều lúc trong cuộc sống, nhiều người không thể tha thứ hoặc dễ thù ghét anh chị em chung quanh là vì thấy mình trong người anh chị em đó. Thế nên, lòng ghen ghét thói hận thù và thiếu sự thứ tha cứ theo đuổi mỗi người trong đời sống. Điều đó có thể sẽ dừng lại khi mỗi người biết tha thứ cho mình cũng như thứ tha cho người anh chị em chung quanh. Xem ra, việc làm cho người anh chị em chung quanh lại chính là đang làm cho mình vậy.

Điều này giúp chúng ta hiểu hơn phần nào về thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma. Thánh nhân đã ghi nhận không ai trong chúng ta sống hay chết cho cho chính mình, mà sống và chết cho Chúa, thuộc về Chúa. Quả là thế, chúng ta tha thứ và được thứ tha khi chúng ta nhìn thấy Chúa, thấy mình nơi chính người anh chị em mình.

Nguyện ước cho mỗi người anh chị em chúng ta luôn biết tha thứ để được thứ tha, luôn biết tha thứ cho tha nhân là đang chính tha thứ cho mình vậy. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: