Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Is 50:5-9a; Gc 2:14-18; Mc 8:27-35
“Người ta nói Thầy là ai” - Thầy chính là hy vọng duy nhất của con người
Người ta nói Thầy là ai? Câu hỏi này của Chúa Giê-su khiến tôi chợt nhớ đến một người bạn không có cùng tôn giáo với tôi. Một lần nọ, người bạn đó hỏi tôi rằng: “tại sao những người công giáo lại thờ cây Thánh Giá? Tôi trả lời rằng: “Chúng tôi không thờ cây Thánh Giá, nhưng chúng tôi thờ Đấng đã chết trên Thánh Giá bởi vì chúng tôi tin rằng Đấng ấy có thể cứu chúng tôi. Tuy nhiên như thế nào một người chết tức tưởi trên cây Thánh Giá lại có thể cứu người khác? Tôi cố gắng trả lời người bạn đó một cách hời hợt, và rồi tìm cách lẩn tránh. Tuy nhiên, câu hỏi của người bạn đó đã giày vò tâm trí tôi rất nhiều năm trời. Khi tôi bắt đầu học thần học, tôi có cơ hội đọc Kinh thánh và các tác phẩm của các Giáo phụ, tôi nhận ra rằng các tông đồ, các giáo phụ trong thời kì đầu tiên cũng bị giày vò bởi cùng một câu hỏi “người ta nói Thầy là ai?” Chúa Giê-su là ai? Và Ngài là ai đối với mỗi người chúng ta.
Thực vậy, tuỳ vào những cách nhìn khác khác nhau, mà mỗi người sẽ có những câu trả lời khác biệt về căn tính của Chúa Giê-su. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rõ điều này. Rất nhiều người đã phủ định thần tính của Chúa Giê-su. Họ chỉ xem ngài như là một trong những ngôn sứ. Ngài chỉ là thụ tạo giống như Gio-an tẩy giả, hay các ngôn sứ khác. Họ cho rằng vì Thiên Chúa đã yêu thương Ngài một cách đặc biệt, cho nên Thiên Chúa đã ban cho ngài sức mạnh để ngài có thể thực hiện các phép lạ.
Tuy nhiên, qua lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô trong Tin Mừng hôm nay, các Ki-tô hữu trong cộng đoàn tiên khởi đã tuyên xưng đức tin của họ vào Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã bị đóng đinh trên thập giá. Qua con mắt đức tin, các tín hữu tiên khởi đã khẳng định rằng Chúa Giê-su chính là Đức Ki-tô, là Con Thiên Chúa hằng sống, Người đã xuống thế gian này, để giải thoát con người khỏi tình cảnh tội lỗi, và để nâng con người lên cùng với Thiên Chúa. Đặc biệt, sau biến cố Phục Sinh, các Ki-tô hữu tiên khởi tin rằng Chúa Giê-su thực sự là Thiên Chúa thật bởi vì Ngài đã chiến thắng cái chết, đó là giới hạn cuối cùng của bản tính con người. Qua kinh nghiệm Phục Sinh, các tín hữu tin rằng Chúa Giê-su không phải là thụ tạo như chúng ta bởi vì thụ tạo không thể cứu độ, và đưa con người ra khỏi kiếp người này để hướng lên bến bờ thần linh. Con người không thể cứu được con người, chỉ có Thiên Chúa mới có khả năng cứu độ chúng ta khỏi kiếp người; không một thụ tạo nào có sức mạnh kéo con người ta ra khỏi bản chất thụ tạo này, để nâng con người lên cùng Thiên Chúa ngoại chứ Đấng đã từ trời xuống để nâng con người lên với Thiên Chúa. Đấng ấy là Con Người từ trời cao. Đó là lí do tại sao Chúa Giê-su tự đồng hoá mình với danh xưng “Con Người”.
Trong khía cạnh khác, qua cây Thánh Giá, các Ki-tô hữu tiên khởi đã kinh nghiệm rằng Thiên Chúa không thể cứu được nhân loại nếu Ngài tách mình ra khỏi nhận loại. Như vậy, để cứu độ nhân loại, Ngài đã mặc lấy nhân loại này, trở nên phàm nhân, mang lấy hình hài nhân loại như chúng ta, nhờ đó mở ra cho con người một con đường để bước theo. Đó là con đường từ bỏ chính mình mà tuân theo thánh ý Thiên Chúa Cha, giống như Chúa Giê-su đã vâng lời cho đến chết. Thánh Giá chính là minh chứng hùng hồn nhất cho thấy Thiên Chúa thực sự ở với con người chúng ta. Ngài đã xuống thế giới này để ôm lấy toàn thể nhân loại, và biến đổi nhân loại bằng chính máu của Ngài. Qua việc chiêm ngắm Đức Ki-tô trên Thánh Giá, các giáo phụ đã tin rằng nhân tính và thần tính đã được hoà giải trên cây Thánh Giá. Nhờ Đức Ki-tô, trong Đức Ki-tô, và cùng với Đức Ki-tô nhân tính của chúng ta đã được hoà giải với thần tính của Thiên Chúa, nhờ đó bản chất tội lỗi của con người được tham phần vào thần tính của Thiên Chúa. Chính vì lí do này, mà các giáo phụ đã tuyên tín rằng Chúa Giê-su Ki-tô vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật, nếu không như vậy thì không ai có thể được cứu.
Thực vậy, mỗi khi chúng ta nhìn lên cây thập giá, chúng ta không phải đang nhìn lên một cây gỗ khô, treo một người chết như một người bạn của tôi nhìn thấy, nhưng khi chúng ta nhìn lên Thánh Giá, thì chúng ta đang chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Athanasio đã tóm tắt mầu nhiệm này bằng một câu nói ngắn gọn như sau: “Vì Con Thiên Chúa đã trở nên con người cho nên con người cũng có thể trở nên giống Thiên Chúa”. Vì vậy, nếu chúng ta tin vào Đức Ki-tô Đấng đã chịu chết trên cây Thánh Giá, và sống theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô, chúng ta sẽ không phải chết nhưng sẽ có sự sống đời đời. Đức Ki-tô chịu Đóng Đinh là hy vọng duy nhất của chúng ta.
Bài viết được gửi tới Ban Truyền Thông Thương Khó