Thứ Th 7,
21/10/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật XXIX Thường Niên - Năm A
Lời Chúa: Is 45,1.4-6; 1 Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21
"Của Thiên Chúa Thì Hãy Trả Cho Thiên Chúa"
Trong cuộc sống, khi đối diện với một số hoàn cảnh bị tổn thương, nhiều người sẽ tra vấn về căn tính thật của mình. Mình thật sự là ai, mình thuộc về nơi nào có thể là câu hỏi sẽ được đặt ra. Hay khi đối diện với những nghịch lý trong đời sống, giữa thế quyền và thần quyền, mỗi người thường phân vân khi phải đưa ra lựa chọn. Vậy người tín hữu cần biết hình ảnh và danh hiệu của mình để rồi biết trả về cho chính chủ.
Điều trước hết, có lẽ mỗi người cần nhận biết rằng, không có sự mâu thuẫn bài trừ giữa quyền năng Thiên Chúa và uy lực con người, hay nhiều người hay gọi là thần quyền và thế quyền. Điều này đôi khi thật khó chấp nhận, nhất là khi người theo Chúa phải chịu bách hại, bị loại trừ bởi nhà cầm quyền. Tuy nhiên, điều này lại thật dễ hiểu khi uy quyền thế gian nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Ví như, ngôn sứ Isaia đã giải thích thắng lợi của Vua Kyrô là do bàn tay Thiên Chúa. Nói một cách khác, mâu thuẫn là do người thực thi chứ không phải từ trong bản chất.
Vấn đề này dường như đã được đề cập cụ thể hơn trong bài Tin Mừng, khi đụng đến vấn đề tiền bạc là nộp thuế. Bối cảnh đoạn văn là sự thử thách của những người Pharisêu cùng với phe Hêrôđê. Họ đã biết khéo léo nói những lời ngon ngọt dành cho Chúa. Nào là thầy là người chân thật, dạy sự thật và cũng chẳng vị nể ai. Họ như đang muốn tâng bốc Chúa, tạo ra sự sao nhãng để thử thách Chúa hơn là đến tìm kiếm chân lý.
Biết được tâm tư ác ý, Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi như lẽ thường. Để rồi, thay vì trực tiếp đưa ra đáp án, Người đã để những người đến gài bẫy tự đưa ra câu trả lời. Lúc đó, có lẽ những người này đã biết những gì thuộc về Xêda, và những gì thuộc về Thiên Chúa. Họ đã biết bản chất của sự việc thuộc về hai khía cạnh khác nhau, và nên dung hòa, nên biết tìm về nguồn gốc hơn là thách thức, hay dừng lại ở bề ngoài.
Câu hỏi và lời dạy của Chúa Giêsu khi xưa không chỉ dành cho phái Pharisêu hay phe Hêrôđê, nhưng cũng dành cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta nữa. Bởi lẽ, trong trình thuật trước đó, Chúa đã bảo Phêrô đi câu cá và lấy tiền nộp thuế (Mt 17,24-27) cho đền thờ. Không phải vì Chúa sợ uy quyền thế gian, nhưng Người biết giới hạn của con người trong thế gian, chịu ràng buộc với lề luật con người. Chúa muốn mọi sự êm đẹp, hài hòa hơn là tranh đấu, bất an.
Tuy nhiên, Chúa vẫn khẳng định của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. Bởi lẽ, mỗi người trong chúng ta khi đối diện với Chúa cũng có lúc như đồng tiền kia. Chúng ta sẽ xuất hiện với hình ảnh và danh hiệu của Chúa. Chúng ta là hình ảnh mà Chúa đã sáng tạo từ khởi nguyên, là danh hiệu Kitô hữu được khắc trên trán mình. Hay chúng ta sẽ xuất hiện với ảnh và tên của một nhân vật quyền lực nào đó?
Nếu chúng ta biết mình được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa từ ban đầu và được mang danh thánh Chúa Giêsu Kitô, thì chắc hẳn, chúng ta sẽ luôn cố gắng giữ hình ảnh và danh hiệu ấy. Chúng ta sẽ luôn biết mình thuộc về Thiên Chúa dù còn giới hạn trong trần gian này.
Và như thế, chúng ta nhớ lời thánh Phaolô gởi tín hữu Thêxalônica về lòng tin, lòng mến và trông cậy. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta sẽ được nhớ đến với những việc làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc phải gánh vác vì lòng mến và những kiên nhẫn chịu đựng vì niềm hy vọng. Chúng ta sẽ đứng vững trên kiềng ba chân là Tin-Cậy-Mến trong đời sống, nhất là khi đối diện với những tổn thương.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta khi ra trước mặt Chúa, chúng ta sẽ luôn là những hình ảnh và danh hiệu quen thuộc mà chính Chúa đã ban cho chúng ta. Để rồi, chúng ta được trả về trong Thiên Chúa không chỉ trong giờ sau hết mà còn mỗi ngày trong đời chúng ta. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.