Thứ Th 7,
21/09/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Kn 2, 12. 17-20; Gc 3, 16 – 4, 3; Mc 9, 29-36
Sau hơn ba tháng thụ phong linh mục, có lẽ tôi phần nào cảm nghiệm rõ ý nghĩa của câu nói trong Tin Mừng của Thánh Luca: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38-40). Một tân linh mục – tôi chiếm trọn mọi ánh nhìn, mọi sự chúc mừng, mọi sự ngưỡng mộ. Trong những buổi gặp gỡ, tôi được mời ngồi vị trí tốt nhất, ăn món ngon và khi tôi nói điều gì, mọi người cố gắng chú ý, lắng nghe. Quả thực, đây là một điều hoàn toàn không tưởng trong cuộc đời tôi.
Thực sự, ân sủng của tân linh mục đã đưa tôi tới những trải nghiệm thật khó diễn tả trong đời sống của mình. Có nhiều lần tôi đã quên rằng, là linh mục của Chúa, tôi có trách nhiệm làm vinh danh Chúa, làm cho Danh Chúa cả sáng, tôn vinh, ca ngợi, chứ không phải bản thân mình. Hào quang, mọi sự chú ý phải dành cho Chúa, chứ không phải hướng về mình.
Nhiều lúc ngồi ngẫm những gì mình đang trải qua, thiết nghĩ rằng, khi dâng mình cho Chúa và tận hiến đời mình trong ơn gọi này, có lẽ Chúa đã chia sẻ ân sủng và những ơn lành của Chúa mà tôi không bao giờ ngờ tới, cũng không dám tin rằng mình xứng đáng. Thật sự, Ngài đã đong, đã dằn, đã lắc và đổ đầy tràn ơn lành của Chúa vào “vạt áo” đời tôi.
Nhưng khi trao ban những ân sủng quý giá quá sức tưởng tượng, hôm nay, Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B, Chúa Giêsu nhắn nhủ với các môn đệ, cũng như nhắn nhủ với tôi và với tất cả mọi người: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”.
Theo lẽ thường của cuộc sống, một cấu trúc xã hội phải có sự phân cấp bậc: người lãnh đạo và người được lãnh đạo; người làm lớn và người làm bé; người ở vị trí cao và người ở vị trí thấp. Đó là quy luật tự nhiên của sự vận hành một cơ cấu tổ chức. Chỉ khi con người được sắp xếp vào đúng vị trí và mỗi người làm việc đúng vai trò, chức năng, bổn phận thì tổ chức mới vận hành một cách hiệu quả. Thực sự, chúng ta không thể nào có một xã hội ổn định, thịnh vượng và bình an mà trong xã hội đó ai cũng như ai, chẳng có người làm đầu hay cũng chẳng ai nhận mình là người bé nhỏ. Như vậy, làm lớn trong một xã hội hay tổ chức, điều này hoàn toàn không xấu.
Vì thế, nhiều người trong chúng ta muốn mình được làm lớn, có địa vị, danh vọng, quyền lực, tiếng nói trong xã hội, trong tổ chức. Chúa Giêsu không chối bỏ việc người làm lớn, nhưng Chúa mời gọi đầy thách đố và cho thấy bản chất của người làm lớn đó là phục vụ, rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”.
Chúng ta chẳng cần tìm một ví dụ xa xôi, nhưng chúng ta hãy nhìn và chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu – một người làm lớn nhưng đã tự mình làm người rốt hết và làm đầy tớ phục vụ mọi người. Mang trong mình thân phận của Con Thiên Chúa với đầy vinh quang và quyền uy, nhưng Ngài đã chọn tự nguyện bước vào thân phận con người một cách nghiêm túc và trọn vẹn để sống, để phục vụ, để rửa chân, để yêu thương, để làm chứng về Thiên Chúa và để chết nhằm mang lại ơn cứu độ cho con người.
Bài đọc I, Thánh Giacôbê Tông đồ đã cho chúng ta thấy hậu quả của việc hiểu sai bản chất của người làm lớn. Nếu làm lớn mà không khiêm tốn phục vụ, chăm sóc, yêu thương và giúp đỡ tha nhân thì hậu quả dẫn tới trong các mối quan hệ là ganh tị và cãi vã, là hỗn độn và đủ thứ tệ đoan, là cạnh tranh và cãi cọ và thậm chí là giao chiến và giết nhau lẫn nhau.
Như vậy, Chúa Giêsu đã gợi mở một cách nhìn khác về bản chất của người làm đầu, người làm lớn, cho bất cứ ai đang giữ trong mình vai trò, trách nhiệm của người làm lớn, người đứng đầu. Chỉ có tinh thần phục vụ trong yêu thương và trách nhiệm, luôn chọn lựa sự khiêm tốn hạ mình thì chúng ta mới có thể gieo vãi bình an và cùng nhau xây đắp an bình trong thế giới này. Amen.
Sỹ Đoàn, C.P.