Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm B

Thứ Th 7,
02/11/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Đnl 6,2-6; Hr 7,23-28; Mc 12,28b-34

‘Yêu’, xa cũng nên gần

Khi mạng xã hội cùng các phương tiện liên lạc truyền thông phát triển, dường như nhiều người bắt đầu làm quen với cuộc sống mới, tạm gọi là cuộc sống mạng. Trên cuộc sống ‘ảo’ này, dường như câu nói như là: “Xa mặt cách lòng” không còn giá trị nữa. Thay vào đó, khẳng định: “Xa thương gần thường” tìm ra được giá trị nào đó. Cũng bởi vì, người ta có thể gặp mặt nhau hằng ngày qua trò chuyện video nên có xa cách mặt nhau đâu? Chuyện yêu xa dường như là một xu hướng mới mà không bị ngăn trở. Thế nhưng, khi hai người sống với nhau, hay gặp nhau thường xuyên qua màn hình điện thoại, thì lại cảm thấy không còn gì là thú vị nữa. Thế nên, thay vì đổi lỗi cho hoàn cảnh thì có lẽ chúng ta nên nhận ra rằng: Chính chúng ta có yêu không, liệu rằng tình yêu của chúng ta có kéo giản được khoảng cách không?

Trong bài trích sách Đệ Nhị Luật, tác giả nhắc đến lòng yêu mến và kính sợ của dân Thiên Chúa như là một mệnh lệnh tuyệt đối. Đây là cách mà dân Ít-ra-en thu hẹp khoảng cách đối với Đức Chúa, Đấng họ tôn thờ và yêu mến. Quả là thế, từ khởi đầu, lắng nghe và thi hành Ý Chúa qua lời của các ngôn sứ là điều kiện tiên quyết để dân biết mình thuộc về Chúa. Dường như, dân chu toàn lề luật là để được gần Chúa hơn nhằm lãnh nhận hạnh phúc, bình an và sung túc. Có thể nói, lòng yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất của dân qua lề luật giúp mọi người đến gần với Chúa hơn. Chỉ đáng tiếc, nhiều người chỉ yêu Chúa ngoài môi miệng mà lòng lại xa rời nên khoảng cách dường như không được thu hẹp mà càng ngày càng xa. Để rồi, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng chính bản văn Đệ Nhị Luật mà trả lời cho người kinh sư. Trong văn hoá Do Thái, kinh sư được xem là những chuyên gia về việc nghiên cứu, khai triển, giải thích và áp dụng luật. Lề luật cũng chính là Kinh Thánh nên kinh sư có thể được xem là các chuyên gia Kinh Thánh. Đối mặt với câu hỏi của chuyên gia này, Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở bản văn theo luật trước đó mà còn thêm vào hay đúng hơn là kiện toàn nó. Người mời gọi kinh sư cũng như mọi người không chỉ biết có Mến Chúa mà còn Yêu Người nữa. Tri nhận câu trả lời khôn ngoan của Chúa Giêsu, người chuyên gia cũng phải thốt lên lời thán phục, thầy thật hay, thật đúng. Bởi lẽ, Chúa đã đụng chạm đến trung tâm cốt lõi của con đường theo Chúa chính là tình yêu. Một tình yêu không dừng lại ở những hy lễ hay lễ toàn thiêu, hay dừng lại ở Thiên Chúa vô hình, mà trải dài đến Thiên Chúa hữu hình nơi mỗi người anh chị em chung quanh.

Thế mới hiểu hơn lời nhận định của Chúa Giêsu, “ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Đây có lẽ cũng là nhận định dành cho mỗi người chúng ta, bởi vì, nhờ yêu mà chúng ta đến gần Chúa và đến gần nhau hơn. Đến gần với Nước Thiên Chúa không có nghĩa là đến gần với cái chết hay sự viên mãn trong ngày tận cùng. Đến gần với Nước Chúa là đến với Chúa, đến với nhau trong tình yêu. Một tình yêu không phụ thuộc vào khoảng cách, để rồi khi xa nhau thì không còn tình cảm với nhau nữa; hay là ở gần nhau, gặp mặt nhau mãi mà không có tình yêu thì cũng tồn tại một khoảng cách vô hình. Hiểu như thế, chúng ta nhận ra khoảng cách đôi khi cũng là yếu tố trong tương quan, nhưng tình yêu mới thật phủ lấp mọi khoảng cách thời gian và không gian. 

Ví như, chúng ta đôi lúc nhầm tưởng, cứ giữ ngày Chúa Nhật, cứ tham dự các thánh lễ rồi thì làm gì cũng được. Chúng ta quên mất rằng, đạo Công giáo còn được gọi là đạo tình yêu. Nếu chúng ta cứ mãi chăm chú vào lề luật, vào những hy lễ bên ngoài mà bỏ qua hy lễ toàn vẹn chính là Mình và Máu Chúa, thì có lẽ, chúng ta vẫn còn ở rất xa Nước Thiên Chúa. Nếu chúng ta nhận ra mình cũng là thượng tế, là thông phần hiệp dâng thánh lễ mà quên mất vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội chính là Chúa Giêsu Kitô thì chúng ta cũng như một thượng tế hữu danh vô thực mà thôi. 

Ước mong sao, mỗi người chúng ta nhận ra chính tình yêu không chỉ là cách thức thật sự kéo ngắn khoảng cách giữa con người với Thiên Chúa, giữa người với người, mà còn gắn kết mọi tương quan nên một với nhau nữa. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: