Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm B
Lời Chúa: 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29;Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26
Ngày Chúa Đến là Ngày Của Hy Vọng Cho Ai Có Niềm Tin
Cũng như chúng ta đang tiến gần đến những ngày cuối cùng của chu kì năm mục vụ, thì bài đọc Chủ nhật 32 cũng hướng chúng ta về thời gian sau hết, cũng gọi là thời cánh chung hay thời tận thế. Thoạt nhìn, chúng ta cảm thấy sợ hãi khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, bởi nó phác hoạ ra một viễn cảnh chết chóc thê lương: mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: phải chăng ngày tận thế chính là ngày tang thương của nhân loại? Tại sao Thiên Chúa là tình yêu và giàu lòng thương xót, nhưng khi Ngài đến thì mang đau thương cho chúng ta? Ngược lại, nếu ngày tận thế không phải là ngày đau thuơng, thì chúng ta phải hiểu lời Chúa hôm nay như thế nào?
Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban con một của Ngài cho chúng ta. Với tình yêu vô bờ bến như thế, không có lẽ nào Thiên Chúa lại muốn phá huỷ nhân loại này? Thực vậy, Thiên Chúa không đến để phá huỷ, nhưng để kiện toàn. Ngài muốn cứu độ hết thảy chúng ta. Và như vậy, có lẽ ta nên mường tượng ra viễn cảnh Chúa với chúng ta trong tình yêu thương, và khi Ngài đến, thì vinh quang và tình yêu của Chúa sẽ lan toả khắp thế gian. Theo đó, có lẽ chúng ta không nên giải thích lời Chúa hôm nay dưới cái nhìn tiêu cực và chết chóc, mà chúng hãy hiểu lời ấy theo hướng tích cực hơn.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu vẽ ra viễn cảnh biến loạn và đầy tính bi kịch, với những dấu chỉ hãi hùng, thì Ngài không có ý hù doạ người nghe. Nhưng, Ngài muốn dùng những hình ảnh quyết liệt ấy nhằm thúc đẩy người nghe hãy biết mau mắn chuẩn bị tinh thần, vì không biết thời điểm nào Con Người sẽ đến. Chớ thấy mặt trời vẫn rạng, mặt trăng vẫn sáng, tinh tú treo trên đỉnh đầu mà chúng ta cứ sống nhởn nhơ vui thú nơi trốn hồng trần này. Vì hôm nay như vậy, ngay mai có thể khác. Hơn nữa, Chúa Giê-su cũng muốn dùng các dấu chỉ ở trên để củng cố đức tin của các môn đệ, và những ai tin theo người: hãy biết vững tâm bền chí trong những hoàn cảnh khó khăn, và đặt niềm hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Hãy noi theo niền tin vững vàng của dân Chúa dưới thời Antiôchô trong cựu ước. Họ chịu nhiều đau thương mất mát, hết bị bách hại, rồi đến bị quân Ba-tư xâm lược, rồi Hy-lạp thôn tính. Biết bao nước mắt tủi nhục, máu đào đổ xuống trên miền đất mà Thiên Chúa đã trao ban cho cha ông họ. Tiếng khóc than của dân Chúa vang lên tới tận trời xanh. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, Đa-ni-en đã xuất hiện loan báo về một tương lai tươi đẹp cho dân Chúa, hãy tiếp tục cậy trông vào Ngài. Cũng vậy, Chúa Giê-su cũng đoán được những gì sắp xảy đến với Ngài, và vì vậy Người đã nói tiên tri để củng cố niềm hy vọng của các môn đệ, cũng như mỗi người chúng ta. Nếu ta biết đặt hy vọng và vững tin vào Chúa, thì cho dầu “trời có sập, đất có lay chuyển”, thì Thiên Chúa cũng sẽ che chở và cứu thoát chúng ta khỏi mọi biến loạn.
Bên cạnh đó, các dấu chỉ trên cũng cho thấy một sự biến đổi tận căn của nhân loại khi Con người ngự đến trong vinh quang. Khi Ngài đến lần thứ hai, thì trật tự vũ trụ sẽ bị biến đổi, để một trật tự mới được thiết lập. Mặt trời, trăng, sao sẽ không còn tồn tại như hiện trang mà chúng là. Thực vậy, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú hay toàn thể vũ trụ này vẫn đang hoạt động theo trật tự tự nhiên của sáng tạo (ordo creatus naturalis), một trật tự cũ mà Thiên Chúa đã thiết lập từ khi sáng tạo đất trời. Tuy nhiên trật tự này sẽ dần được biến đổi trong Đức Ki-tô. Tất cả nguyên lí vận hành của tự nhiên sẽ nhường lại cho trật tự hoạt động mới, đó là trật tự cứu độ (Ordo salutis). Mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú sẽ được biến đổi để trở thành hiện trạng mới, hiện trạng vinh hiển. Trời cũ đất cũ sẽ qua đi, để nhường chỗ cho trời mới đất mất. Thực vậy, sách Sáng thế mặc khải cho chúng ta về cuộc sáng tạo đầu tiên. Thiên Chúa, từ “vô định hình”, Ngài đưa vạn vật vào hiện hữu, và thiết lập trật tự vũ trụ cho con người. Chúng ta gọi đó là trật tự cũ hay trật tự sáng tạo. Qua Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã tái tạo nhân loại theo một trật tự mới, trật tự cứu độ. Cũng vậy, nơi Đức Ki-tô, vũ trụ này cũng được tại tạo từ vô định hình. Vì vậy, nhân loại này sẽ quay về thời điểm tiền sáng tạo, trước khi nó được tái sinh trong vinh hiển. Cũng giống như hình ảnh Chúa Giê-su trải qua sư hư vô của nấm mồ đen tối trong 3 ngày, trước khi Ngài được phục sinh trong vinh quang, thì vũ trụ này cũng sẽ quay về tình trạng “vô định hình” của thời điểm tiền sáng tạo, và đi qua đêm tối của sự hư vô, để rồi có thể được tái sinh một lần nữa. Đó là lí do tại sao Chúa Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”.
Như vậy, chúng ta thấy những lời tiên tri của Đức Ki-tô hôm nay không có mục đích để tạo ra viễn cảnh sợ hãi cho người nghe. Ngài dùng những hình ảnh ấy để củng cố niềm tin và niềm hy vọng cho người nghe. Cũng như, qua những dấu chỉ của tự nhiên, Đức Ki-tô muốn đưa ra những lời tiên báo về một cuộc thanh tẩy toàn diện của nhân loại trong Ngài, và những ai giữ được niềm cậy trông vững vàng nơi Ngài sẽ được tái sinh trong vinh quang. Còn ai bám lấy những gì thuộc thế gian này, thì sẽ bị thanh tẩy bởi thế gian này sẽ qua đi.
Truyền Thông Dòng Thương Khó