Thứ Th 7,
03/06/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
Lời Chúa: Xh 34,4b-6.8-9, 2 Cr 13,11-13, Ga 3,16-18
Ba Ngôi phân biệt mà không tách biệt!
Một trong những lời chào đầu lễ của linh mục là: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”. Đây là một lời chào trong phụng vụ mà chúng ta vẫn thường nghe, nhưng có lẽ ít khi nào để tâm đến. Một lời chào với sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, tuy phân biệt nhưng không tách biệt, một lời chào mang tính hiệp nhất cộng đoàn.
Khởi đi từ bài đọc trích sách Xuất hành, tình yêu của Chúa Cha đã được diễn tả ngắn gọn. Đó là một “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” Ngài là một người cha lý tưởng trong gia đình. Ngài nhẹ nhàng yêu thương những người con và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm. Ngài kiên nhẫn đón nhận sự sai phạm của những người con. Ngài là Đấng thực hiện những giáo ước đã lập ra, lấy tình yêu mà đáp lại sự phản bội.
Tình yêu đó được thể hiện qua hành động cụ thể là ban Con Một, một Ngôi Con mang lại sự sống muôn đời. Ngôi Con đó không phải đến để xét xử nhưng đến để ở với con người, ở trong một tình yêu tận hiến. Một tình yêu nên một trong Chúa, trong muôn người và trong công trình sáng tạo. Tình yêu đó không phải để lên án nhưng để con người nhận ra mình trong các mối tương quan. Các mối tương quan tuy có sự phân biệt nhưng không tách biệt, dị biệt; nhưng là cùng nhau để bổ sung cho nhau.
Khi nhìn về hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, nhiều người trong chúng ta xem ra còn khá xa lạ. Lạ vì không thể thấu hiểu vì sao Một Chúa lại có Ba Ngôi, làm sao Ba Ngôi đều là Chúa, và làm sao mà Ba Ngôi lại bằng nhau. Chúa Cha lại bằng Chúa Con, Chúa Con lại bằng Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần lại bằng cả Chúa Cha lẫn Chúa Con.
Như một em học viên giáo lý, khi trở về nhà đã kể với ba mẹ rằng. Hôm nay con được học về Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi “bắn” nhau. Cha bắn Con, Con “bắn” Thánh Thần, Thánh Thần “bắn” Cha. Kết quả, Chúa Con chết, rồi lại sống lại. Đó như là một câu chuyện xa lạ nhưng cũng khá nhiệm mầu.
Vâng, chính mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh đã diễn tả cho thấy ý nghĩa của Ba Ngôi. Như chính hình ảnh làm dấu Thánh Giá đã nêu danh thánh Ba Ngôi: Cha – Con – Thánh Thần. Chính hình ảnh Thánh Giá cũng diễn tả công trình tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong đó, hình ảnh đường thẳng diễn tả mối tương quan giữa Cha và Con; đường ngang cho thấy sự kết nối của Thánh Thần. Một dấu Thánh Giá có sự phân biệt Ba Ngôi nhưng không tách biệt.
Thế mà, con người hôm nay cứ mãi bới long tìm vết trong sự khác biệt. Để rồi, thay vào những hành động yêu thương bằng thù ghét, thay sự công bình bằng sự bất công, thay thiện lành bằng gian ác. Con người dần dần quên mất các mối tương quan quanh mình mà chỉ biết cho mình và vì mình. Con người mãi tìm sự hơn thua mà quên mất mỗi người đều như nhau, dù món quà Thánh Thần trao có khác, nhưng vẫn cùng nên một.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta bước đi trong sự hài hòa của tình yêu. Sự hòa điệu như hợp âm có ba nốt nhạc tạo giai điệu yêu thương. Để rồi, mỗi người anh chị em chúng ta học biết sống vui mừng và ngày càng trở nên hoàn thiện. Hoàn thiện trong sự bổ túc cho nhau, khuyến khích nhau, đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa với nhau. Có như thế, Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ được thể hiện trong đời sống mỗi ngày của anh chị em chúng ta.
Để rồi, khi nghe được tiếng chào đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Chúa Cha, chúng ta cùng sống trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần. Lời chúc đó trở nên hoàn thiện khi chúng ta cùng nhau tham dự vào bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Chính nơi đó, chúng ta xin Chúa thực hiện mầu nhiệm yêu thương của Ngài. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.