Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B
(Ðnl 4, 32-34. 39-40; Rm 8, 14-17; Mt 28, 16-20)
Thực lòng, có bao giờ bạn cảm thấy mơ hồ, khó hiểu, khó tin, khó chấp nhận về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong đời sống đức tin của mình? Tin chắc rằng, ai trong hành trình sống và thực hành đức tin cũng đã ít nhất một lần có những suy nghĩ trên. Tuy nhiên, không chỉ riêng chúng ta, mà cả dòng thời gian dài của lịch sử Giáo Hội, bao nhà thần học, nhà thần bí, học giả cũng đau đáu về mầu nhiệm này.
Hơn nữa, khi nhắc tới mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, có rất nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề khiến chúng ta suy tư. Những đề tài phải kể đến như: đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sứ vụ của Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu của Ba Ngôi….
Vậy, nhân dịp Lễ Chúa Ba Ngôi, tôi mời gọi chúng ta cùng nhau suy tư đôi chút về mầu nhiệm này nơi khía cạnh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trước tiên, lễ Chúa Ba Ngôi nhắc chúng ta nhớ tới một Thiên Chúa Tình Yêu. Đây là một tình yêu kì diệu trong chính đời sống của Chúa Cha-Chúa Con- Chúa Thánh Thần.
Nhiều người luôn tự hỏi tại sao Chúa Cha-Chúa Con- Chúa Thánh Thần vừa là một Thiên Chúa duy nhất, vừa là ba Ngôi Vị riêng biệt? Điều gì tạo nên sự kì diệu và huyền nhiệm này? Vâng, có nhiều đặc tính tạo nên huyền nhiệm này, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh chính là tình yêu hiệp thông, tình yêu sung mãn, tình yêu chia sẻ như nhà thần bí Richard và thánh Bônaventura đã mô tả về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Chính tình yêu trào tràn này đã làm cho Chúa Cha-Chúa Con-Chúa Thánh Thần tự do chia sẻ cả thần tính của mình. Nói cách khác, mỗi Ngôi Vị đã đi ra khỏi con người để đến với Ngôi Vị khác và hòa nên một. Việc hòa nên một này, cho thấy cả Ba luôn ở trong nhau, hiệp thông với nhau và cùng chia sẻ một tình yêu vừa tròn đầy, vừa sung mãn, vừa đầy đức ái. Nhưng, tình yêu chia sẻ trọn vẹn này không hề làm giảm đi sự sống nơi mỗi ngôi vị, mà còn làm viên mãn sự sống nơi các Ngôi Vị.
Tiếp đến, chúng ta cùng nhìn ngắm tình yêu của Ba Ngôi dành cho con người. Không chỉ dừng lại trong tình yêu giữa Ba Ngôi với nhau, Chúa Cha-Chúa Con- Chúa Thánh Thần, còn chia sẻ tình yêu trào tràn đó cho con người qua hai hành động cụ thể: thứ nhất là tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi; thứ hai, Ba Ngôi đã đi vào trong lịch sử cứu độ, ở trong thế giới với con người.
Do đó, Thiên Chúa Ba Ngôi không trừu tượng, mơ hồ, nhưng đã hiện diện trong chính mỗi người chúng ta và yêu chúng ta bằng một tình yêu cụ thể. Đó là, vì yêu Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài để cứu độ thế gian (Ga 3,16). Vì yêu, Chúa Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa đã vâng phục Thánh ý Chúa Cha để đi vào biến cố Tử Nạn. Và vì yêu, Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục công trình yêu thương của Thiên Chúa một cách tích cực trong thế giới.
Như vậy, khi suy tư, ngắm nhìn khía cạnh tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta không chỉ thấy tình yêu hiệp thông, sẻ chia giữa Ba Ngôi: Chúa Cha-Chúa Con- Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta còn thấy rõ tình yêu kì diệu mà Ba Ngôi dành cho con người.
Mà tình yêu Ba Ngôi dành cho con người không phải là một thứ lí thuyết trong sách vở, trong những tín điều đóng kín, mơ hồ, xa lạ, mông lung không thực tế. Không! Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người rất thực tế qua đời sống, qua những lời dạy và qua cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
Ước mong, những suy tư nhỏ trên phần nào giúp mỗi người chúng ta có thêm sự hiểu biết về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và sống đức tin của mình một cách xác tín và yêu mến hơn. Amen.
Sỹ Đoàn, C.P.