St 1,14-18; Pl 4,4-8; Mt 6,25-34
"Ngày nào có cái khổ của ngày ấy"
Trong những tháng ngày vất vả, nhiều người đã mượn câu Kinh Thánh theo thánh Mátthêu “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” mà động viên nhau. Chính câu nói đó cũng đã nói lên phần nào bản chất của đời sống con người nơi trần thế, nói lên sự thật về kiếp nhân sinh. Trong đó, con người nhận ra “cái khổ” như một phần tất yếu của mỗi ngày sống.
Ngày sống đó đã có từ thuở ban đầu khi Thiên Chúa sáng tạo và đặt những vầng sáng để xác định các đại lễ, ngày và năm như trong bài đọc I. Những vầng sáng được xác định là mặt trời và mặt trăng, để điều khiển ban ngày và ban đêm. Ẩn sau sự sáng tạo đó chính là bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Quả thế, Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp, là nằm trong ý định của Ngài. Tất cả công trình sáng tạo, trong đó có con người, được Chúa yêu thương chăm sóc.
Thế nhưng, con người đã lo lắng nhiều sự, lo về mạng sống và thân thể, lo về cơm ăn và áo mặc. Tất cả đã cuốn con người vào trong vòng xoáy của cuộc đời, của ‘cái khổ’ mà tự con người chuốc lấy. Con người quên mất là mạng sống quý hơn của ăn, và thân thể quý hơn áo mặc; quên mất mạng sống đời này không là gì so với sự sống đời sau; thân thể mau hư mất không bằng thân xác phục sinh tồn tại đời đời. Con người quên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.
Năm hết tết đến, nhiều người không còn lo ‘ăn no mặc ấm’ nhưng lại bâng khuâng về ‘ăn ngon mặc đẹp’. Tết thay vì là thời gian những người thân dành thời gian cho nhau thì bỗng trở nên thời gian gây sự với nhau. Nhiều gia đình Công giáo thay vì cùng nhau tham dự Thánh Lễ tất niên, cầu bình an, tưởng nhớ tổ tiên và thánh hóa công ăn việc làm thì lại mãi chạy theo những bữa tiệc không ngừng, những ván bài thâu đêm. Liệu có ích gì chăng, nếu Tết là thời gian gây ra chia rẻ, thời điểm dẫn đến bất hòa, hay vui chơi quá sức mà thiệt hại cho bản thân và gia đình?
Thế mới biết thánh Phaolô mời gọi tín hữu Philípphê cũng như mỗi người chúng ta hãy vui lên. Không phải vui qua việc buông thả theo thói đời này mà là vui lên trong Chúa. Niềm vui đó được thể hiện qua lối sống hiền hòa rộng rãi, qua việc cảm tạ ngợi khen và cầu xin Chúa hơn là lo lắng nhiều điều. Niềm vui đó là hòa chung vào trong sự bình an qua sự quan phòng của Thiên Chúa.
Niềm vui và bình an trong dịp đầu năm vẫn còn chưa trọn vẹn cho nhiều gia đình, vì còn đó nhiều người con xa gia đình vì kiếp mưu sinh, nhiều người không có chốn để trở về. Và tâm tình đầu năm mời gọi mỗi người hãy nhận ra ‘cái khổ’ trong đời, có thể hữu hình hay vô hình, có thể do thực tế đời sống hay tự mình mang lấy.
Nhưng trên tất cả, chúng ta hãy dâng tất cả lên cho Chúa, xin Chúa quan phòng và ban bình an; xin Chúa hướng dẫn và ngự trị trong đời mỗi người anh chị em chúng ta trong năm mới này. Và xin Thiên Chúa cũng nhớ đến những anh chị em xa quê, những người đang ở xứ lạ quê người. Amen.
Lm. J.D. Nguyễn Ngọc Tân C.P.