Hiến chế Tín lý về Phụng vụ thánh của Công đồng Vaticano II, số 109 nhấn mạnh rằng: “Mùa Chay là mùa giúp các tín hữu dọn lòng cử hành mầu nhiệm Vượt qua bằng việc lắng nghe tiếng Chúa và cầu nguyện chuyên chăm hơn”. Cầu nguyện là hơi thở của đời sống đức tin. Các Kitô hữu cầu nguyện hằng ngày, thế nhưng Mùa Chay lại là thời gian thuận tiện để chúng ta tập trung chú ý nhiều hơn.
Cầu nguyện là xây dựng mối tương quan thân mật với Thiên Chúa. Trong mùa Chay này, chúng ta được mời gọi làm mới lại mối tương quan ấy, bởi nhiều khi trong đời sống thường nhật, những nỗi lo cơm áo gạo tiền làm chúng ta xao lãng và lạnh nhạt với Chúa. Cầu nguyện không phải là một công việc trong số vô vàn những công việc chúng ta phải sắp xếp theo một danh mục cần giải quyết. Cầu nguyện tự bản chất là một tâm tình, khi con tim chúng ta hướng về trái tim Thiên Chúa.
Chúng ta cầu nguyện ở đâu?
“Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” (Mt 6,6). “Vào phòng” là hồi tâm, ý thức sự yếu đuối và bất toàn của chúng ta, đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và khẩn xin Ngài thương xót. Cầu nguyện không nhất thiết phải sắp xếp nơi chốn và thời gian, trừ những buổi cầu nguyện chung của gia đình, cộng đoàn, giáo xứ... Hẳn nhiên, nhà thờ là nơi thích hợp nhất cho việc cầu nguyện vì nơi ấy có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể nơi Nhà Tạm. Song bạn cũng có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu: tại tư gia, nơi trường học, bệnh viện, công sở, khi đi trên đường hay lúc chiêm ngắm vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên.
Chúng ta cầu nguyện khi nào?
Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư ngày 10 tháng 2 năm 2021: “Không có ngày nào tuyệt vời hơn ngày hôm nay chúng ta đang sống. Nhiều khi chúng ta đang sống nhưng luôn lo nghĩ về tương lai, không đón lấy ngày hôm nay khi nó đến; chúng ta sống trong tưởng tượng, không biết cụ thể thực tại. Hôm nay là thực tại, là cụ thể. Và chúng ta cầu nguyện hôm nay. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta hôm nay. Và chính lời cầu nguyện biến ngày hôm nay thành ân sủng, hay đúng hơn, nó biến đổi chúng ta: nó xoa dịu sự giận dữ, duy trì tình yêu thương, gia tăng niềm vui, truyền sức mạnh để tha thứ”. Không thể nghĩ hay nói “Chút nữa tôi sẽ cầu nguyện”. Cầu nguyện là việc ai cũng có thể làm, và làm ngay hôm nay, ngay lúc này.
Vậy, chúng ta cầu nguyện thế nào?
Tất nhiên, cầu nguyện không chỉ là nói hay đọc thành tiếng. Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh Mân Côi, lần chuỗi Thương Xót, hoặc đọc những lời kinh được soạn sẵn. Cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa để tâm sự với Ngài về mọi vui buồn sướng khổ của phận người, là trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, vì Người hằng luôn chăm sóc chúng ta (1Pr 5,7).
Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy rằng cần phải “cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Chúng ta cần cầu nguyện vì chúng ta cần Chúa. Sẽ là một ảo tưởng nguy hiểm, khi chúng ta cho rằng chúng ta không cần gì khác ngoài chính mình. Không ai được cứu một mình, bởi vì tất cả chúng ta đều ở chung một con thuyền giữa bão tố của lịch sử; nhưng trên hết, không ai được cứu nếu không có Thiên Chúa, bởi vì chỉ có mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô mới đem lại chiến thắng trên dòng nước đen tối của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những gian truân trong cuộc sống, nhưng cho phép chúng ta vượt qua chúng để kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đã chết và phục sinh để làm cho chúng ta “được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10).
Tập Sinh JM Tài