Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu Kitô

Thứ Th 7,
25/03/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu Kitô


Mùa Chay là thời gian để mỗi người đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa một cách gần gũi hơn để lắng nghe, hoán cải và phục sinh với Đức Kitô. Trong mùa chay chúng ta lại có cơ hội để đi lại chặng đường thương khó của Thầy Chí Thánh Giêsu, một chặng đường không hề dễ dàng. Cũng chính trên chặng đường thương khó này, chúng ta sẽ tìm thấy con đường mà Thầy Giêsu đang chỉ vẽ cho chúng ta để đến một đích đến cuối cùng là hạnh phúc Thiên Đàng. Hạnh phúc thiên đàng chúng ta có chính do ơn cứu độ ngang qua Cuộc Thương Khó, Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô.

Có câu chuyện kể rằng: Sau khi đi nhà thờ về, đứa bé hỏi mẹ nó: mẹ ơi ‘thương khó’ là gì? Mẹ bối rối trả lời: “ừ thì Thương Khó là Chúa Giêsu bị bắt bớ, chịu xỉ nhục, đánh đòn, đội vòng gai, vác thập giá và bị đóng đinh vào thập giá đó con.” 

Lời giải thích cuả người mẹ thật mộc mạc đơn sơ. Hẳn chị không phải là nhà thần học, nhà nghiên cứu, chiêm niệm hay nhà tu hành đắc đạo. Chị chỉ là một nông dân bình thường và với kiến thức giáo lý chị có được thế là đã đủ để trả lời cho con chị.

Nhìn vào Cuộc Thương Khó chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động bởi trong cuộc thương khó ấy chính Con Thiên Chúa làm Người – Đức Giêsu Kitô đang phải gánh chịu những cực hình do chính con người gây ra. Từ ngôi vị Ngôi Hai Thiên Chúa đầy quyền năng, quỷ thần phải khiếp sợ đã hạ mình xuống mặc lấy thân phận yếu đuối của con người. Thánh Phaolô trong thư gửi Tín hữu Philippe đã nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã không nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7), Con Người Giêsu ấy lại rất lạ thường, một Con Người hiền lành và khiêm nhường; một Con Người luôn gieo rắc niềm vui, bình an, sự chữa lành; Một Con Người đến chỉ để loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không thể nào hình dung được một Con Người như thế lại có một kết cục bi thảm – xét về mặt con người. Chúng ta thậm chí không thể chấp nhận những gì đã xảy đến cho người qua việc chiêm ngắm cuộc thương khó của Người.

Thiên Chúa làm Người thì khác. Ngài chấp nhận tất cả chỉ vì lòng yêu mến và vâng phục Chúa Cha và vì yêu thương con người. Lời của Thánh Phaolô vẫn vang vọng “Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Khi đi vào cuộc thương khó của Chúa chúng ta không thể nào đếm hết nổi những cực hình ngang qua những đòn roi, những lời thách thức, xỉ vả, dấm chua, mật đắng, giai nhọn, đinh sắc, lưỡi đòng đâm thâu... Đó là những thực tế đang diễn ra trên thân mình Đức Giêsu cho chúng ta dễ hình dung về cuộc khổ hình thương tích và đau khổ. Điều đau đớn nhất mà Chúa phải chịu vẫn là sự phản bội của con người, những con người cùng thời, những môn đệ thân tín, những gương mặt thất thểu bơ vơ đã được Ngài nuôi dưỡng, dạy dỗ và trong đó có khuôn mặt của mỗi người chúng ta. Tất cả được hiện lên như một bức tranh sống động để lên án sự dã man và vô ơn của con người. Cuộc thương khó được phủ trong một màu tối của những bất công, tuyệt vọng của con người.

Phải chăng cuộc thương khó chỉ dừng lại ở đó? Đi xa hơn chúng ta sẽ thấy được nền tảng và cùng đích của sự thương khó mà chính Đức Giêsu chịu. Cuộc thương khó cũng chỉ ra cho chúng ta thấy được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Vì muốn cảm thông sâu sắc và thông chia sự đau khổ của con người Thiên Chúa đã làm Người. Ngài còn chịu đau khổ bởi cuộc khổ hình để nêu gương cho chúng ta biết rằng đau khổ không thể nào làm cho con người tuyệt vọng, không thể chặn đứng khát vọng sâu xa nhất của con người là tìm kiếm sự thật và hạnh phúc. Qua đau khổ con người học được thế nào là vâng phục Thiên Chúa và vì vâng phục như Đức Kitô, con người sẽ tìm được niềm vui và bình an. Cuộc thương khó còn là nền tảng của ơn cứu độ bởi lẽ chính Đức Kitô đã mang hết tất cả những yếu đuối tật nguyền của chúng ta mà mang lên cây thập giá. Điểm dừng cuối cùng của hành trình thương khó là cái chết đau thương trên thập giá, cái chết khơi nguồn cứu độ. Thánh Phaolô tiếp tục khẳng định “Thập giá là vinh quang, danh dự và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Như vậy, khi chiêm ngắm hành trình thương khó chúng ta cũng bắt gặp một Thiên Chúa đầy xót thương, một Thiên Chúa cảm thông và cho chúng ta niềm hy vọng cứu độ.

Quả thật, cuộc sống ngày nay phản ánh mạnh mẽ sự tang thương của cuộc thương khó. Người ta chỉ thấy đau thương, tuyệt vọng mà chưa tìm được niềm hy vọng, chỉ thấy kết án mà không cảm nghiệm được long thương xót. Chiến tranh, hận thù, chia rẽ, ganh ghét, đố kỵ, vô cảm… đang đẩy con người đi vào con đường thương khó không lối thoát. Sẽ không thể có lối thoát nếu chúng ta không thấy được yếu tố tích cực của cuộc thương khó cuộc đời. Yếu tố tích cực đó là sự hiện diện đầy tình thương của Thiên Chúa trong cuộc sống. Đọc những dấu chỉ thời đại trong ánh sáng Phúc Âm sẽ dẫn chúng ta biết cùng nhau và cùng với Đức Kitô đi qua cuôc thương khó của cuộc đời một cách mạnh dạn hơn.

Người mang trong mình cuộc thương khó phải chăng là người khó thương? Nói như thế cũng không sai bởi nếu người mang trong mình cuộc thương khó với một tâm thế khó chịu, cau có, buồn sầu ủ rũ hay mặc cảm tội lỗi thì quả thật là rất khó thương và đáng thương. Người thương khó phải là người mang niềm vui ơn cứu độ, người cảm nghiệm được niềm hạnh phúc được cùng hiệp hành với Đức Kitô và Giáo hội của người trên con đường lữ hành đầy trông gai tiến về quê trời.

Tu sĩ Dòng Thương Khó với sứ mạng đặc biệt là chiêm ngắm và loan truyền cuộc thương khó của Chúa sẽ phải có những hành động cụ thể hơn trong đời sống Đức tin và đặc biệt là đời sống Thánh hiến. Hơn ai hết, qua việc chiêm ngắm cuộc thương khó, mỗi Tu sĩ Dòng Thương Khó sẽ truyền tải được những thông điệp của tình yêu, và niềm hy vọng trong thế giới nhiều biến động này bằng chính hành động cụ thể của bác ái, của yêu thương.

“Xin Sự Thương Khó của Chúa Giêsu luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta.”

Lm. Giuse Nguyễn Tấn Kiệt C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: