Thứ Th 4,
25/12/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Lễ Giáng Sinh Năm C
Lời Chúa: Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-18
![](//file.hstatic.net/200000634769/file/01_91217f6975674a40aaeede634f5d7c27_grande.jpg)
Ngôi Lời đến sao chưa đón nhận?
Chuyện về đêm Giáng Sinh mà có lẽ chúng ta đã được nghe, đó là Chúa hứa đến thăm một cộng đoàn nọ. Nghe biết Chúa đến, tất cả mọi người trong cộng đoàn đều chuẩn bị đón chờ. Nhà nhà chuẩn bị, người người đón chờ bằng nhiều cách khác nhau. Nào là đèn hoa rực rỡ, ca nhạc vang vọng cùng hoà vào một không khí chờ đợi, bình an, vui mừng và yêu thương. Thế mà, cộng đoàn chờ mãi trong nhà thờ đến đêm Giáng Sinh mà không thấy Chúa đâu. Thật ra, đêm đó, có một người mẹ goá con côi, đã không thể sắp xếp đến nhà thờ. Lạ lùng thay, có một người khách lạ đã đến thăm mẹ con bà goá và cùng chung chia niềm vui Giáng Sinh với bà và trẻ nhỏ. Và rồi, trong ngày Giáng Sinh, mẹ goá con côi đã sắp xếp đến được với cộng đoàn và mọi người nhận ra, Chúa đã đến ngôi nhà kia, một nơi nhỏ bé nghèo hèn.
Có lẽ, một tâm tình đón Chúa và Chúa thật sự đến với người Chúa thương như thế mở ra cho chúng ta hiểu hơn về sứ vụ của mình. Sứ vụ cao đẹp như lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc I về những người loan báo Tin Mừng. Đây là những người đón Chúa rồi đi công bố bình an, loan tin hạnh phúc và rao truyền ơn cứu độ. Tất cả cùng hòa chung một lời ca vang: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị”. Một vị Vua từ bỏ ngai vang trời cao, đón nhận cuộc sống gian trần, hòa mình với nhân loại trong một máng cỏ đơn sơ. Một vị Vua đơn giản gần gũi, ở cùng với dân và ngự trị cho đến muôn đời. Để loan truyền một vị Vua như thế, mỗi người chúng ta cần xem lại mình đã đón chờ và đón nhận Chúa chưa?
Trình thuật theo Thánh Gioan ghi nhận rằng: “Người ở giữa thế gian và thế gian nhờ Người mà có.” Thế mà, thế gian “không nhận biết Người.” Một cách cụ thể “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Phải chăng có điều gì lạ đã xảy ra? Vì sao con người mãi mong chờ gặp gỡ Thiên Chúa, một Đấng vô hình mà quên mất Đấng ấy đã trở hữu hình trong thân xác con người? Vì sao Con Thiên Chúa hữu hình bỗng trở nên vô hình trong mắt những người chẳng chịu hay chưa chịu đón nhận?
Có lẽ bởi vì Thiên Chúa không cao sang quý tộc, không như các Vua Chúa trần gian. Ngai báu của Người chỉ là một máng cỏ, y phục của Người chỉ là mấy miếng tả quấn quanh thân. Phải chăng nhân loại chối bỏ Thiên Chúa vì không tìm được lợi ích gì nơi Người? Phải chăng con người tìm Chúa chốn trời cao, nơi cung điện cao quý mà quên mất Người hiện diện trong trần gian, nơi hang đá đơn sơ? Có chăng, con người tìm Chúa nơi ồn ào náo động mà quên mất sự hiện diện của Người nơi yên ắng tỉnh lặng. Lắm lúc, người tín hữu tìm đón Chúa nơi nhà thờ mà quên mất Chúa tìm đến nhà, ngự nơi cung lòng mỗi người.
Nơi đó, mỗi người nhận Thiên Chúa là một Hài Đồng đơn sơ nhỏ bé luôn ở cùng con người, dù con người không đón nhận, và thậm chí còn chối bỏ Người. Con người xác nhận Thiên Chúa vẫn giữ vững giao ước, trung tín với con người dù mỗi người còn bất xứng và thiếu tín trung. Mỗi người cũng cảm nhận Thiên Chúa vẫn yêu thương, vẫn hiện diện dù mình đến cùng Chúa qua những toan tính, với những mưu cầu lợi ích khác nhau. Để rồi, mỗi tín hữu biết mình là thành viên trong đoàn người hy vọng và bình an giữa một thế giới còn lắm thất vọng và bất an.
Hy vọng và bình an giúp chúng ta nhận ra, lắm lúc mình chưa biết đón nhận Chúa vì còn nghĩ rằng, Chúa chỉ là hài nhi Giêsu trong đêm đông hơn 2000 năm trước ở đất nước xa xôi và sự hiện diện của Chúa chỉ là một biến cố lịch sử. Để rồi, anh chị em chúng ta nhận ra Chúa thật sự có mặt trong tâm hồn mỗi người, nhất là những ai đã tin, đã đón nhận danh Thánh Giêsu. Những người này được trở nên những người con yêu dấu của Thiên Chúa, cùng được gọi Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu chính là người anh cả trong gia đình. Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình giữa thế gian. Chính sự hiện diện của Người đã trở nên nguồn bình an và hy vọng trực tiếp từ Thiên Chúa chứ không qua trung gian nữa.
Nguyện ước sao anh chị em chúng ta luôn nhận ra và đón nhận Chúa trong Mùa Giáng Sinh, đặt biệt trong đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh và cụ thể hoá nơi bí tích Thánh Thể. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.