Thứ Th 7,
28/12/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Lễ Thánh Gia Thất Năm C
Lời Chúa: 1 Sm 1.20-22;24-28; 1 Ga 3.1-2;21-24; Lc 2.41-52
Bị Hiểu Lầm, Vẫn Trung Tín
Có lẽ chúng ta đã từng nghe về chuyện nồi cơm của Khổng Tử khi ông du thuyết cùng Nhan Hồi, Tử Lộ và các học trò. Khi gặp cảnh đói, ông cùng học trò may mắn được cho một ít gạo để nấu cơm nên ông sai Tử Lộ cùng các học trò khác đi kiếm rau, còn Nhan Hồi ở lại nấu cơm. Khổng Tử rất tin tưởng Nhan Hồi nhưng ông đã thất vọng khi phát hiện ra Nhan Hồi mở vung, lấy đũa xới cơm, nắm lại và bỏ vào miệng ăn. Thế rồi, khi các học trò đã quy tụ đầy đủ, Khổng Tử mở lời muốn dùng cơm mới để cúng cha mẹ, tổ tiên. Các học trò khác đều đồng ý, riêng Nhan Hồi im lặng, nên Khổng Tử mới gặn hỏi: “Nồi cơm này có sạch không?” Nghe thầy hỏi, Nhan Hồi liền chắp tay thưa, “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.” Rồi ông giải thích, vì khi mở vung để ghế cơm, chẳng may bụi bẩn rơi vào, nên đã xới phần cơm bẩn mà ăn trước vì sợ phí. Nghe lời giải thích, Khổng Tử giật mình tử nhủ, “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu đúng sự thật! Suýt chút nữa Khổng Tử ngày đã trở thành kẻ hồ đồ.” Khổng Tử mắt thấy là thế, vậy còn mỗi người chúng ta, nhất là trong đời sống gia đình thì sao?
Trong bài đọc I, tác giả sách Samuen thuật lại chuyện bà Anna được như lòng ước nguyện và hiến dâng con mình cho Đức Chúa. Ngay trước đó, bà đã bị ông Ê-li hiểu lầm là say rượu vì cầu nguyện lâu với miệng mấp máy mà không có tiếng. Bà Anna đã nức nở cầu nguyện với tâm hồn cay đắng vì không có con, nhưng rồi bà sẵn sàng hiến dâng người con duy nhất của bà cho Đức Chúa. Có lẽ đây cũng là điều thường xảy ra trong gia đình, khi một người bị đàm tiếu, bị những tiếng xấu dù có làm những điều tốt lành. Đôi khi, vì một việc tốt lành như cầu nguyện cũng bị người có thế giá như tư tế hiểu lầm là say rượu. Dẫu là bị hiểu lầm, bị tiếng xấu là thế nhưng người tín hữu vẫn kiên tâm vững lòng, và khi đến lượt mình, người Kitô hữu hiến dâng, sẵn sàng nhượng lại cho Chúa.
Chuyện hiểu lầm dường như cũng xảy ra trong trường hợp của Chúa Giêsu. Người bị mang tiếng là người con hư khi tự ý ở lại Giêrusalem, đã làm cho cha mẹ người là thánh Giuse và Mẹ Maria nhọc lòng tìm kiếm. Dẫu biết rằng, việc Chúa Giêsu ở lại là vì bổn phận trong nhà Cha, nhưng rồi, Người vẫn trở về Na-da-rét và hằng vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria. Đây cũng là một bài học cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là những người con trong gia đình. Dù rằng, mỗi người đều cần có công việc, có bổn phận khác nhau, nhưng bổn phận chính yếu trong gia đình là vai trò làm con. Chính như Con Thiên Chúa xuống thế làm người cũng chu toàn bổn phận làm con trong gia đình nhân loại. Hiểu như thế, anh chị em chúng ta có lẽ cũng nhận ra một phần nào đó vai trò của mình trong gia đình. Nếu mình là cha mẹ thì học biết chăm lo cho con cái. Chúng ta đừng thiếu quan tâm, đừng bỏ mặc con cái cho bà con họ hàng, rồi lại đi tìm, rồi lại cực lòng. Hơn thế nữa, chúng ta đừng vội phán xét gây ra hiểu lầm, nhưng hãy dành thời gian trò chuyện, lắng nghe những người con của mình. Biết đâu, chúng ta còn giới hạn, còn chưa nhận ra tình trạng, bối cảnh khác nhau của những người con của mình.
Về phần con cái, mỗi người cũng nhận ra, dù mình có lớn thì vẫn là con của cha mẹ, dù mình có công ăn việc làm, thành công trong đời thì về nhà vẫn là những người con hiếu thảo. Xin đừng cậy vào của cải, vào tài năng của mình mà quên mất những đấng sinh thành. Vì biết đâu, một ngày nào đó, chúng ta muốn yêu thương hiếu kính cha mẹ thì các ngài cũng không còn nữa. Vậy nên, dù bị hiểu lầm, dẫu bị trách mắng oan uổng thì chúng ta cũng hãy biết bổn phận làm con mà luôn vâng phục các ngài.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta nhận ra vai trò làm con của mình trong gia đình, nhất là gia đình của Thiên Chúa. Như thánh Gioan khẳng định, chúng ta quả thật là con Thiên Chúa dẫu rằng thế gian vẫn hiểu lầm, vẫn đôi khi chưa nhận biết điều đó. Để rồi, mỗi người chúng ta mãi luôn chu toàn bổn phận của mình, tuy nhỏ bé nhẹ nhàng trong gia đình nhưng cũng trở nên thánh thiện trước mặt Chúa. Và nhất là, chúng ta sẽ luôn biết trung tín hiến dâng chính mình cho Chúa mỗi ngày. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.